Nhiều diện tích lúa đông xuân chính vụ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bị một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và chính quyền cơ sở tập trung hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại…
Nhiều cánh đồng lúa đang bị sâu bệnh tấn công. Ảnh: HOÀI NHI
Bùng phát mạnh
Tờ mờ sáng, cánh đồng Cả (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) đông nghịt nông dân. Mang bình bơm phun thuốc trừ bệnh đạo ôn và bọ trĩ, ông Phạm Sáu ở thôn Trà Châu cho biết, vụ này ông canh tác tổng cộng 5 sào lúa, trong đó có 3 sào bị nhiễm 2 loại bệnh này, tập trung chủ yếu trên các giống BC15, OM4900. “Hiện nay, cây lúa bước vào thời kỳ làm đòng. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây thời tiết nắng ấm, sáng có sương lạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh. Bây giờ, tỷ lệ bệnh gây hại ruộng lúa của tôi đã lên đến 25 - 30%. Nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ theo chỉ dẫn của ngành chuyên môn thì chắc chắn bệnh sẽ lây lan diện rộng và năng suất lúa giảm mạnh” - ông Sáu nói. Ngược lên xã Duy Hòa, đâu cũng thấy nhà nông lo lắng trước tình trạng sâu bệnh tấn công đồng ruộng. Bà Phạm Thị Bốn ở thôn La Tháp Đông than phiền: “Đông xuân này, tôi làm thử nghiệm hơn 2 sào lúa thảo dược VH1 và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Thời điểm cận Tết Ất Mùi, cây lúa phát triển xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, trong vòng một tuần trở lại đây, bệnh đạo ôn lá xuất hiện và gây hại ruộng lúa ngày càng nặng khiến tôi đứng ngồi không yên”. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Duy Xuyên hiện có ít nhất 500 sào lúa bị các loại sâu bệnh tấn công, trong đó bọ trĩ xuất hiện với mật độ 500 - 1.000 con/m2, nơi cao lên đến 3.000 con/m2, tập trung ở xã Duy Hòa, Duy Vinh, Duy Sơn, Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa. Ngoài ra, nhiều cánh đồng cũng đang bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ hại 2 - 35%, chủ yếu trên những chân ruộng bón thừa đạm và các loại giống Xi23, OM4900, BC15, thảo dược VH1.
Tập trung phòng trừ
Hiện nay, chuột đang phát sinh, cắn phá trên nhiều cánh đồng ở Duy Xuyên. Theo thống kê mới nhất, hiện toàn huyện đã có 280 sào lúa chính vụ bị chuột tấn công, tập trung nhiều nhất tại các xã Duy Phú, Duy Thu, Duy Tân, Duy Trung… Trước tình hình này, chính quyền cơ sở và nông dân đã tổ chức nhiều đợt ra quân diệt chuột; bằng các biện pháp thủ công như đào hang, đặt bẫy đã tiêu diệt được khoảng 4.500 con chuột. Được biết, nhằm trợ sức cho nhà nông, Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên mua hỗ trợ 93kg thuốc Racumin và 400 chiếc bẫy hình bán nguyệt. Đồng thời các hợp tác xã nông nghiệp thu mua đuôi chuột với giá 1 - 3 nghìn đồng/cái đuôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hưng – Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân 2014 - 2015 nông dân toàn huyện sản xuất gần 3.800ha lúa. Đến thời điểm này, cây lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời tiết trong những ngày qua diễn biến bất lợi đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng của cây lúa khiến sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh, nhất là bệnh đạo ôn. Nếu không kịp thời ngăn chặn, bệnh sẽ gây cháy chòm hàng loạt. Theo ông Hưng, trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cùng chính quyền xã Duy Hòa và Duy Vinh đã huy động nhiều loại máy bơm, tổ chức 4 đợt ra quân phun thuốc tập trung nhằm cắt đứt cầu nối của các loại dịch hại. Còn ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn nói: “Những ngày qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện đã điều động tất cả cán bộ kỹ thuật về các địa phương phối hợp cùng đội ngũ khuyến nông cơ sở hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột và sâu bệnh gây ra”.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, thời điểm này nông dân cần đắp bờ, giữ nước theo phương châm vừa tiết kiệm vừa đảm bảo đủ nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đội ngũ khuyến nông cơ sở phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng, thông báo thường xuyên cho nhân dân biết khu vực bị bệnh đạo ôn, bọ trĩ… gây hại và những nơi có nguy cơ cao xuất hiện bệnh nhằm chủ động theo dõi, kịp thời xử lý, không để lây lan thành dịch. Chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến người dân về tình hình sâu bệnh trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời nhà nông phải tích cực thăm đồng, bón đòng mỗi sào lúa 2kg phân urê, 3 - 4kg phân kali. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ ngay những diện tích đã xuất hiện bệnh cấp tính. Thông thường, nên sử dụng một số loại thuốc trừ bệnh đạo ôn như Fuji-one 40WP, Filia 525SE, Kasai-S92SC. Lưu ý, mỗi sào phải phun từ 30 lít nước thuốc đã pha trở lên. Không đổ thuốc trực tiếp vào bình mà phải hòa trong dụng cụ riêng rồi sau đó mới chia ra đổ vào bình. Hòa kỹ để cho thuốc tan đều, tranh thủ phun vào thời điểm trời khô ráo, như vậy mới mang lại hiệu quả...
Hoài Nhi.