Điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) hợp lý, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh… là “mệnh lệnh tự thân” của chính quyền Duy Xuyên năm 2015.
Công nghiệp dẫn đường tăng trưởng
Sân nhà máy xuất khẩu Sedo Vinako ở CCN Đông Yên (Duy Trinh) nhộn nhịp xe tải, đầu kéo vào, ra nhập, xuất hàng. Lê Hải, từng là ông chủ của một hãng nước uống ở Vĩnh Điện, bỏ việc đầu quân về làm công nhân nhà máy nói trên cho biết, mỗi ngày không ít xe đến nhà máy nhập nguyên vật liệu và chở hàng. Không chỉ Sedo, không riêng Lê Hải, rất nhiều dân địa phương và vùng lân cận có cơ hội tìm việc làm từ sự phát triển ngày càng nhiều nhà máy công nghiệp tại Duy Xuyên từ nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Duy Xuyên cho hay giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2014 tăng 23,1%. Nếu như Sedo Vinako, Huy Hoàng 2, Phước Hữu Duyên - những doanh nghiệp hàng đầu về gia công giày, vali, túi xách đã đầu tư thêm trên 10.000m2 nhà xưởng, tuyển thêm 1.500 lao động, đưa giá trị sản xuất tăng 62,5% thì ngành may công nghiệp đã sản xuất ra trên 15,5 triệu sản phẩm các loại, đạt 178,6 tỷ đồng, tăng 25,4%, duy trì việc làm cho gần 2.000 lao động. Những doanh nghiệp khác như công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, vải sợi, chế biến mây tre, gỗ… cũng đang duy trì, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động. Ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói năm 2014 là năm thành công của sản xuất CN - TTCN địa phương. Sự phát triển của các dự án sản xuất, kinh doanh đã kịp thời giải quyết lao động với mức thu nhập bình quân lao động tăng 20%.
Những dự án sản xuất công nghiệp thu hút nhiều lao động và thu nhập cho công nhân tại Duy Xuyên.
Quy hoạch CCN, đền bù, giải tỏa nhanh, kịp giao đất cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin trung thực cả về khó khăn, thuận lợi để doanh nghiệp lựa chọn trước khi đầu tư; minh bạch thủ tục đầu tư kể cả vận dụng linh hoạt việc vận động doanh nghiệp ứng trước vốn đền bù, giải tỏa, xây dựng hạ tầng khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp… là kế hoạch xuyên suốt quá trình kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đã trở thành thước đo thành công của Duy Xuyên. “Các nhà đầu tư đến, phần lớn là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Họ không thiếu tiền mà chỉ thiếu thời gian, nên họ rất cần ở địa phương sự nhiệt tình phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất giải quyết những vấn đề liên quan nhanh gọn để họ có thể triển khai dự án thuận lợi. Chính quyền huyện đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Khi cần, lúc nào nhà đầu tư cũng sẽ có ngay những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định cuối cùng”- ông Phan Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói.
Hoàn thiện hạ tầng công nghiệp
Kế hoạch tăng trưởng CN - TTCN năm 2015 đã được xác lập khoảng 22%. Bảy CCN trải từ vùng tây xuống ven quốc lộ 1 đủ đất sạch để thu hút đầu tư. Chỉ trong một vài năm tới, các CCN này sẽ hoàn thiện và lấp đầy diện tích. Theo ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, lợi thế của địa phương là nhờ đầu tư kết cấu hạ tầng gần như đồng bộ và giao thông thông suốt. Chính quyền sẽ tiếp tục chọn lựa kêu gọi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Họ sẽ cùng ngân sách nhà nước ứng vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Phương thức này lợi cả đôi bên, đỡ áp lực lên ngân sách nhà nước, thể hiện trách nhiệm, ý chí quyết tâm đầu tư và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Chính quyền Duy Xuyên đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, giải quyết thêm nhiều lao động. Quy hoạch các CCN trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, linh hoạt, lồng ghép, chủ động tạo nguồn đầu tư hạ tầng… là những vấn đề đang được quan tâm hơn hết. Ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay 2 CCN Tây An (Duy Trung), Gò Mỹ (Duy Tân) sẽ được đầu tư hoàn thiện, kêu gọi các dự án công nghiệp mới. Chính quyền sẽ vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì ổn định các ngành nghề hiện có, tạo điều kiện tăng nhanh tốc độ tăng trưởng ngành may mặc, gia công da giày, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 22%. Ngoài ra, chính quyền sẽ gia tăng năng lực quản lý, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh khuyến công, đào tạo nghề… đáp ứng nhu cầu lao động có đủ tay nghề cho các dự án nâng cao năng lực sản xuất. Hiện dự án sản xuất sợi chỉ polyester với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD, quy mô 4.400 tấn sợi/năm của Công ty Rio Industries (Hàn Quốc) đang tiến hành xây dựng nhà xưởng trên diện tích 4,5ha tại CCN Tây An. Công ty TNHH MTV May xuất khẩu Sơn Hà, tổng vốn đầu tư hơn 7,56 triệu USD, đầu tư hai nhà máy tại CCN Tây An và Gò Mỹ cũng đang tiến hành dự án. “Họ đang tuyển lao động và xây dựng nhà xưởng. Chỉ đến cuối năm nay thôi, Duy Xuyên sẽ có thêm 4.000 - 5.000 lao động địa phương trở thành công nhân các nhà máy. Hiện cơ quan quản lý đã hoàn thành việc in tờ rơi, xây dựng pano ở 3 khu vực về thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân địa phương. Nhiều người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm” - ông Cảnh nói.
NHẬT PHONG