Huyện Duy Xuyên đang tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng giống dâu, con tằm, nhằm khôi phục, phát triển nghề truyền thống đang dần mai một này.
Ứng dụng khoa học công nghệ để nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao. Ảnh: H.N
Năng suất, chất lượng thấp
Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Nguyễn Giới ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, đây là nghề có từ lâu đời nhưng phát triển mạnh nhất là những năm sau 1975. Thời điểm đó, toàn thôn Lệ Bắc đâu cũng thấy cây dâu, nhà nhà quay tơ dệt vải. Thế nhưng, do đầu ra của tơ sợi gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất kén thấp so với việc canh tác nhiều loại cây trồng cạn trên cùng chân đất. Từ đó, diện tích dâu bị thu hẹp và nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa mai một dần. Ông Giới chia sẻ: “Ngày trước, nông dân ở đây trồng dâu, nuôi tằm chủ yếu bằng các giống địa phương nên năng suất, chất lượng không cao. Đơn cử cây dâu dù được đầu tư chăm bón kỹ lưỡng nhưng chỉ cao khoảng 2m, lá nhỏ, tán hẹp
Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, những năm sau giải phóng, cao điểm là 1981 - 1982, huyện có chủ trương khôi phục và phát triển hơn 1.000ha dâu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, sau những biến động lớn của thị trường truyền thống ở cuối thập niên 90, hơn nữa nghề trồng dâu nuôi tằm theo phương thức truyền thống tồn tại quá nhiều bất cập, lạc hậu về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của giống dâu, giống trứng tằm, công nghệ nuôi… đã làm cho năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường mới. Đặc biệt, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết, hợp tác, nhất là dịch vụ cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ rủi ro... nên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ gặp nhiều khó khăn và đi đến bế tắc, mai một. Đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn rải rác 10ha, chủ yếu sản xuất để bán tằm thực phẩm.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Theo ông Nguyễn Trà Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu, từ nay đến năm 2020 địa phương phấn đấu trồng 20ha dâu và xem đây là một trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, vừa giải quyết lao động, tăng thu nhập cho kinh tế hộ vừa chống sa bồi vùng ven sông, bảo vệ đất đai và môi trường sinh thái. Ông Lý nói: “Duy Châu sẽ tích cực vận động nhân dân thay đổi các giống dâu địa phương bằng những giống dâu mới có năng suất và chất lượng cao để nuôi tằm. Đồng thời phát huy hệ thống thủy lợi hóa để xây dựng vùng chuyên canh, mở rộng diện tích trồng dâu. Đặc biệt, chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng lá dâu từ 20 - 30 tấn lá/ha lên 40 - 50 tấn lá/ha, qua đó nuôi được nhiều lứa tằm trong năm. Ngoài ra, cũng sẽ triển khai chương trình nuôi tằm 2 giai đoạn gồm: nuôi tằm con và tằm lớn ở hai nơi riêng biệt, thực hiện quy trình nuôi tằm con kế mí với độ an toàn cao. Cùng với đó, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp có đủ năng lực, nhiều năm gắn bó với hộ nuôi tằm để thực hiện dịch vụ cung ứng trứng giống tằm và vật tư chuyên dụng, thu mua sản phẩm”.
Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng dâu nuôi tằm” do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Quảng Nam phối hợp với Phòng NN&PTNT Duy Xuyên tổ chức tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện chủ trương của tỉnh cũng như huyện Duy Xuyên về đẩy mạnh khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thì các cấp, các ngành cần xây dựng cụ thể kế hoạch, tăng cường các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Trong đó, nhất thiết phải áp dụng quy trình thâm canh giống dâu lai mới để nâng cao chất lượng lá dâu. Đồng thời cần nghiên cứu, tuyển chọn giống tằm nuôi thích hợp với điều kiện của từng địa phương, hoàn thiện quy trình nuôi tằm tiên tiến nhằm tăng năng suất kén. Cạnh đó, hiện đại hóa các dây chuyền, thiết bị phục vụ khâu ươm tơ và dệt lụa. Ngoài ra, cũng nên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tơ, phát triển các sản phẩm chế biến nổi bật thể hiện được đẳng cấp của tơ tằm. Đặc biệt là, tổ chức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, nông dân theo chuỗi giá trị, từ trồng dâu - nuôi tằm - dịch vụ trứng giống tằm - vật tư chuyên dụng - thu mua sản phẩm - ươm tơ - dệt lụa và sản phẩm sau lụa. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nhà nước cần sớm có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình ươm tơ, dệt lụa...
HOÀI NHI