Để sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 đúng theo lịch thời vụ, huyện Duy Xuyên chỉ đạo nông dân các địa phương vệ sinh đồng ruộng, cày ải đất nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Đồng thời phổ biến cụ thể khung thời vụ, cơ cấu giống cho nhà nông.
Nông dân Duy Xuyên tập trung vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị triển khai sản xuất vụ lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: VĂN SỰ
Nỗ lực triển khai nhiều khâu
Ông Nguyễn Tấn Sinh ở thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh, cho biết, vụ đông xuân 2018 - 2019 gia đình ông sản xuất 4 sào lúa. Mặc dù đầu tháng 1.2019 mới triển khai gieo sạ nhưng ông đã ra đồng phát dọn lúa nách và cỏ dại rồi thuê máy cày lật đất. Ông nói: “Hè thu vừa rồi, 4 sào lúa của tôi bị rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, khô vằn… gây hại nặng nên tôi phải lo cày phơi ải sớm nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ”. Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, vụ đông xuân sắp tới, huyện canh tác 3.650ha lúa. Nhằm hạn chế nguy cơ các loại dịch hại bùng phát mạnh, giữa tháng 11 dương lịch đến nay, bà con nông dân đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng và cày phơi ải đất. Hiện toàn huyện đã cày xong 80% diện tích. Theo ông Ánh, thời gian qua ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương đã tổ chức 95 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng cho hàng nghìn lượt hộ dân. Đặc biệt, các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp dân và cấp phát tờ rơi nhằm phổ biến cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống của vụ lúa đông xuân 2018 - 2019.
Ông Huỳnh Văn Ánh cho biết thêm, trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, vụ đông xuân tới, Duy Xuyên chủ trương không sử dụng những giống dài ngày mà chỉ cơ cấu các loại giống trung - ngắn ngày để sản xuất. Trong đó, nhóm giống chủ lực bố trí 60% diện tích gồm các giống Thiên ưu 8, TBR225, TBR1, TBR45, HT1, HT9, PC6, TH3-3. Nhóm giống bổ sung cơ cấu 30% diện tích gồm các giống BC15, Đài thơm 8, Nam ưu 604, Nhị ưu 838, CRN 6206, SV181, KD18, ĐV108, TH3-5, QNam9 và 2 loại nếp N87, N97. Nhóm giống có triển vọng chỉ cơ cấu 10% diện tích gồm các giống TBR 279, Bắc Thịnh, Hòa Phát 3… Ông Ánh nói: “Ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các địa phương nên chọn cơ cấu 3 - 4 bộ giống, giống nào quy định gieo sạ ở trà nào thì phải gieo sạ đúng ở trà đó, tuyệt đối không được nhập trà 2 và trà 3 vào trà 1 hoặc nhập trà 3 vào trà 2 làm cho lúa trổ sớm gặp lạnh, ảnh hưởng đến năng suất như những mùa trước”.
Chủ động phòng chống hạn và nhiễm mặn
Theo dự báo, vụ đông xuân 2018 - 2019 có nguy cơ sẽ thiếu nước tưới rất nghiêm trọng. Do đó, việc phòng chống hạn và nhiễm mặn là vấn đề hết sức cấp bách đối với địa phương này ngay từ đầu vụ đông xuân tới. Theo ông Huỳnh Văn Ánh, để hạn chế thiệt hại do nắng hạn gây ra, hiện nay ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền cơ sở tập trung vận động, hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 200 - 300ha đất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực như bắp lai, đậu phụng, đậu xanh, mè. “Số diện tích đất lúa dự tính chuyển đổi vừa nêu chủ yếu là những chân ruộng nằm ở khu vực cuối kênh, thường bếp bênh nguồn nước tưới thuộc các xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Trinh, Duy Châu, Duy Trung…” - ông Ánh nói.
Trong khi đó, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nhằm chủ động đối phó với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn có nguy cơ cao xảy ra trong vụ đông xuân 2018 - 2019, UBND huyện Duy Xuyên đã yêu cầu ngành liên quan và chính quyền 14 xã, thị trấn khẩn trương xây dựng cụ thể các phương án, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể ở từng địa phương. Theo đó, đối với những nơi có điều kiện như Duy Thu, Duy Tân, Duy Hòa nhất thiết phải đặt máy bơm từ sông Thu Bồn ngay từ đầu vụ để tưới vùng cuối kênh của đập Thạch Bàn và cống tây của hồ chứa Vĩnh Trinh nhằm tiết kiệm nước trong hồ. Còn đối với những trạm bơm nằm dọc hạ lưu các con sông Bà Rén và Thu Bồn thì tranh thủ nguồn nước ngọt đầu vụ để bơm nước làm đất sớm. Đặc biệt, lãnh đạo huyện cũng đã đề nghị Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên có kế hoạch đắp đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen kịp thời, tránh tình trạng mặn xâm nhập vào sông Bến Giá gây khó khăn cho công tác giải mặn...
Văn Sự