A+ A A-

Thăm đồng đầu xuân

Những ngày tết, dù bận rộn bao công việc nhưng nhà nông xứ Quảng vẫn không lơ là chuyện đồng áng. Nông dân kỳ vọng vụ đông xuân năm nay sẽ gặt hái được mùa vàng.
 

Chăm ruộng

Chiều mùng 1 tết, bà Phan Thị Cẩm (thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) đã cầm mấy chai thuốc trừ sâu và mang bình bơm ra đồng. Vụ đông xuân này bà Cẩm làm tổng cộng 4 sào lúa, hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung. Tuy nhiên, thời điểm cận tết, trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá, bọ trĩ, ruồi đục nõn, bệnh đạo ôn với mật độ cao khiến bà hết sức lo lắng. Vừa đổ lọ thuốc và nước vào bình, bà Cẩm vừa nói: “Nếu chừ không khẩn trương phun trừ, vài hôm nữa những loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát thành dịch thì hậu quả sẽ khôn lường. Mấy ngày ni ngày nào tôi cũng dành ít nhất một tiếng đồng hồ lội ruộng, hễ phát hiện dịch hại là diệt trừ ngay”.

Tưới nước cho những đồng ớt non.
Tưới nước cho những đồng ớt non.

Sáng mùng 2 tết, trên cánh đồng 19.5 thuộc xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) có khá đông nông dân. Kẻ bắt ốc, nhổ cỏ, người phun thuốc, bón phân..., tất cả đều hối hả với công việc của mình và không thiếu tiếng nói cười rộn rã. Ông Nguyễn Tấn Sinh - người dân ở thôn Hà Thuận cho biết, vụ này gia đình ông gieo sạ 3 sào lúa ngay trong trà 1. Mặc dù nguồn giống chất lượng cao, nước tưới rất dồi dào nhưng do từ giữa tháng 1 dương lịch đến nay mưa lạnh xuất hiện nhiều đợt khiến cây lúa non sinh trưởng và pháttriển rất kém. Vì thế, thấy trời nắng ấm là ông liền bưng phân ra đồng bón thúc cho ruộng nhằm giúp lúa nhanh chóng phục hồi sau một thời gian dài chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Ông Sinh chia sẻ: “Giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ là thời kỳ quyết định nhất đến năng suất nên dù ngày tết có bận bịu mấy cũng phải tranh thủ bón thúc phân theo đúng quy trình canh tác. Nếu mà lơ là chuyện chăm sóc thì chắc chắn cây lúa sẽ sống còi cọc”. Theo ông Sinh, ở vùng quê này, ngoài nghề dệt chiếu cói truyền thống, đa số người dân sống dựa vào cây lúa. Mấy năm gần đây, nhờ ngành liên quan và chính quyền địa phương chú trọng xây dựng hạ tầng thủy lợi, du nhập nhiều loại giống mới đưa vào sản xuất đại trà, chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân nên vụ lúa nào cũng bội thu. Ông Sinh nói: “Lúc trước, do nguồn nước tưới quá bấp bênh, hàng loạt chủng loại giống bị thoái hóa, khả năng thâm canh của phần lớn nông dân còn rất hạn chế nên năng suất lúa thường đạt thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu chừng 210 - 230kg khô. Còn bây giờ, nhờ đầu tư đồng bộ nhiều khâu nên chuyện mỗi sào lúa gặt được 300 - 320kg khô là thường”.

Tạo những vùng chuyên canh

Trong những ngày tết, trên bãi biền Vĩnh Hòa, Tân Bồi thuộc thôn Khúc Lũy (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) đâu cũng thấy bóng nông dân. Cầm vòi nước phun tưới những ruộng rau màu tươi non, ông Trần Cảnh Nam (một người dân địa phương) cho biết, vợ chồng ông có 15 sào đất màu ở khu vực này. Trong vụ đông xuân và hè thu của năm 2013, luân canh 4 loại cây trồng trên toàn bộ số diện tích ấy, sau khi trừ các khoản chi ông thu về mức lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Ông Nam nói: “Mấy năm gần đây, nhờ chọn việc canh tác những loại cây trồng cạn chủ lực đó làm hướng đột phá trong phát triển kinh tế hộ mà rất nhiều gia đình ở nơi đây đã khá lên nhanh chóng. Bây giờ, cây đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh, chừng đầu tháng 4 dương lịch là tiến hành thu hoạch rộ. Vì thế, ăn tết thì ăn nhưng không một ai dám bỏ bê ruộng đồng. Bởi, nếu cứ chủ quan lỡ sâu bệnh bùng phát và gây hại trên diện rộng thì chắc chắn sản lượng sẽ giảm dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp”.

Nhiều nông dân xứ Quảng rất vui vì trúng đậm mùa khổ qua tết.
Nhiều nông dân xứ Quảng rất vui vì trúng đậm mùa khổ qua tết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn cho biết, toàn huyện có tổng cộng 4.200ha đất màu. Tính đến đầu tháng 2.2014 này nông dân trên địa bàn đã xây dựng được hàng nghìn mô hình chuyên canh, luân canh nhiều loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức hàng hóa tập trung với tổng diện tích 3.100ha. Ông Chơi nói: “Qua khảo sát cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất canh tác theo hướng này mang lại cho nhà nông mức thu nhập khoảng 90 - 160 triệu đồng. Đây thực sự là lối mở để nông dân Điện Bàn vươn lên làm giàu. Trong những năm tới các đơn vị liên quan ở huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đầu tư mạnh vào lĩnh vực này nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo động lực cho tiến trình phát triển tam nông”.

Vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức sản xuất 42.500ha lúa và hàng chục nghìn héc ta hoa màu, cây trồng cạn các loại. Từ những ngày cận Tết Giáp Ngọ đến nay, lội khắp xứ Quảng, đâu cũng thấy nhà nông bám với ruộng đồng. Bởi, hơn ai hết, họ thừa hiểu rằng, nếu cứ ham chơi tết, du xuân mà quên chăm chút vạt rau, ruộng lúa, cồn bắp, vườn khổ qua... thì mùa màng rất dễ thất bát.
                                                                                                                                       Theo Báo Quảng Nam.
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19815519
Hôm nay
Hôm qua
10892
8748