A+ A A-

Nỗi lo thiếu nước vụ đông xuân

alt
Mặc dù hiện nay các hồ chứa trên địa bàn huyện Duy Xuyên như Vĩnh Trinh, Phú Lộc, Thạch Bàn đã tích đủ nước phục vụ sản xuất đông xuân 2013- 2014 nhưng do nhiều kênh thủy lợi bị hư hỏng, bồi lấp nặng nên người dân lo lắng về nguy cơ thiếu nước.
 

         Nhiều công trình hư hỏng nặng

alt
Trời lạnh ngắt nhưng trên cánh đồng thôn Lang Châu Nam (xã Duy Phước), hàng trăm nông dân vẫn tích cực ra quân đắp bờ, làm đất. Tạm ngưng công việc, ông Trương Đức Bốn – một người dân địa phương cho biết, vụ đông xuân này gia đình gieo sạ gần 6 sào lúa. Từ cuối tháng 11 dương lịch đến nay, ngoài việc phát dọn cỏ bờ, cày phơi ải đất, giải tỏa bèo trên các chân ruộng thì ông Bốn tìm mua giống về chuẩn bị ngâm ủ để triển khai sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Theo ông Bốn, toàn bộ số diện tích nêu trên đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ trạm bơm Xuyên Đông dẫn qua cầu máng KN4 của xã Duy Phước. Tuy nhiên, đợt lũ lớn xảy ra hồi giữa tháng 11 vừa qua đã làm cho cầu máng này bị sụt lún nghiêm trọng, không thể tải nước phục vụ sản xuất. Ông Bốn lo lắng: “Chỉ còn vài ngày nữa thôi là phải bắt tay vào việc gieo sạ rồi mà chừ cầu máng ấy vẫn chưa được khắc phục sự cố. Hơn một tháng nay mấy người ở hợp tác xã và ngành nông nghiệp huyện cứ chạy lên chạy xuống xem hoài mà không thấy động tĩnh chi. Kiểu ni, nhà nông tụi tôi chẳng biết tính răng”.

Có mặt tại khu vực cầu máng KN4, chúng tôi nhận thấy mố cầu phía thượng lưu bị lũ đào xói sâu 4m, làm sụp ngã tường mố bằng bê tông, những mảng đất lớn tiếp tục sạt lở vào trong bờ khoảng 5m gây hỏng đáy máng nối với kênh, rò rỉ nước. Phần phía hạ lưu cũng bị đào sâu dưới chân móng, tường bê tông nứt gãy nhiều chỗ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Lê Trung Nam – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Phước cho biết, cầu máng KN4 dẫn nước tưới cho 25ha đất sản xuất lúa, trong đó thị trấn Nam Phước 5ha, xã Duy Phước 20ha. Nếu từ nay đến ngày 25.12, cầu máng KN4 vẫn chưa thể sửa chữa thì tất cả diện tích đất sản xuất lúa nêu trên đành phải nằm chờ nước.

Tại xã Duy Tân, hàng trăm hộ dân cũng đang nơm nớp lo thiếu nước tưới trong vụ sản xuất đông xuân sắp tới. Bão số 11 đã làm đổ sập khu nhà chính của trạm bơm Vinh Cường, rồi lũ ào tới cuốn trôi nhiều thiết bị, giờ chỉ còn sót lại cái mô tơ điện và mấy đường ống sắt dẫn nước loại lớn nằm chỏng chơ trên nền đất. Trạm bơm Vinh Cường này đảm nhận việc cung ứng nước tưới cho ít nhất 40ha đất lúa trên địa bàn thôn Phú Nhuận 2 và Phú Nhuận 3. Ông Trần Ngọc Khanh – chuyên viên phụ trách lĩnh vực thủy lợi thuộc Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, trong những đợt bão lũ vừa qua toàn huyện có nhiều hệ thống kênh mương chính và nội đồng bị sạt lở nặng với tổng khối lượng lên đến 26.000m3 đất đá. Ngoài ra, 11 trạm bơm điện trọng yếu cũng bị cát đá bồi lấp bể hút nghiêm trọng, nhất là trạm bơm điện 19.5, bàu Vân Quật (xã Duy Phước) và Cù Bàn (xã Duy Châu)...

Khắc phục tạm thời

Nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới trong vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014 này, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Duy Tân bước đầu đã chi 50 triệu đồng thuê người đào đắp đất, dùng cọc tre gia cố tạm trạm bơm điện Vinh Cường để kịp thời đưa vào vận hành, phục vụ nông dân đổ ải gieo sạ. Còn tại xã Duy Phước, ông Lê Trung Nam cho biết đã lập phương án khắc phục tạm cầu máng KN4. Theo đó, để có thể đưa nước qua cầu máng này, đơn vị sẽ thuê máy bơm hút nước cạn đến chân máng mố thượng lưu, đập phá tường bê tông bị ngã đổ dưới ao tạo mặt bằng âm 4m so với đáy máng. Sau đó dùng rọ đá xếp chồng để đỡ đáy máng, rồi dùng cọc tre, trục trịch, bạt ni lông đắp bọc theo bờ ao nhằm chống rò rỉ nước. Ông Nam nói: “Đấy chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài cần phải làm lại 2 mố cầu máng, đóng cọc tre, trải đá hoặc đổ bê tông sân trượt chống xói lở với tổng số tiền khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí lớn, đơn vị không thể kham nổi nên phải chờ nguồn hỗ trợ từ cấp trên”.

Trong khi đó, để kịp đưa nước tưới về đồng phục vụ nông dân gieo sạ 125ha lúa trong vụ đông xuân đến, Hợp tác xã Dịch vụ - kinh doanh tổng hợp Duy Trung 1 cũng vừa đầu tư 164 triệu đồng khắc phục tạm thời hệ thống thủy lợi do đơn vị mình quản lý, khai thác, vận hành. Với số tiền trên, hợp tác xã này đang tiến hành đào đắp 365m khối đất để gia cố các tuyến kênh mương chính thuộc hệ thống đập Làng ở thôn Nam Thành và đập Tải ở thôn An Trung. Cạnh đó, khôi phục hơn 100m bờ ta luy bị lũ làm hư hỏng nặng của hồ chứa nước Khe Cát. Đồng thời đơn vị cũng huy động lực lượng thủy nông viên tập trung nạo vét, khơi thông dòng chảy hơn 1.500m kênh mương trọng yếu khác...

Ông Trần Ngọc Khanh cho biết, bây giờ muốn khắc phục lại toàn bộ các công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai gây ra thì cần phải có ít nhất 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là số tiền nằm ngoài khả năng của ngành nông nghiệp huyện. Ông Khanh nói: “Vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014 đã cận kề rồi nên hiện nay chúng tôi đang tập trung đôn đốc chính quyền các địa phương cũng như các hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương ra quân khắc phục tạm một số công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nặng nhằm đảm bảo việc cung ứng nước để triển khai xuống giống hơn 3.700ha lúa và gieo trồng 1.700ha rau màu các loại. Thời gian tới, rất mong UBND tỉnh và các ngành liên quan sớm nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để huyện Duy Xuyên tiến hành sửa chữa lại hạ tầng thủy lợi một cách kiên cố nhằm chủ động phục vụ tưới cho số diện tích đất canh tác vừa nêu trong những vụ mùa tiếp theo”.

MAI NHI - PHI THÀNH

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19614773
Hôm nay
Hôm qua
736
5401