A+ A A-

Đổi thay đồng đất Duy Châu

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thời gian qua xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) tập trung thi công hệ thống thủy lợi hóa đất màu, xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, xen canh các loại cây trồng cạn mang lại hiệu quả rất cao.
 
Nhiều mô hình trồng ớt xen đậu cô ve ở xã Duy Châu đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho một mùa bội thu.
Nhiều mô hình trồng ớt xen đậu cô ve ở xã Duy Châu đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho một mùa bội thu.

Những ngày cuối tháng giêng, trên cánh đồng Lệ Bắc thuộc xã Duy Châu, đâu cũng thấy màu xanh mơn mởn của bắp, ớt, thuốc lá, đậu phụng. Ông Hồ Ngọc Phước – một người dân địa phương cho biết, gia đình có 20 sào đất nằm ven nhánh sông Thu Bồn chuyên trồng ớt xuất khẩu. Hằng năm, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những lớp phù sa màu mỡ nên cây ớt phát triển rất tốt. Ông Phước hồ hởi: “Những năm trở lại đây, vụ nào tôi cũng chuyên canh cây ớt. Nhờ năng suất cao, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định nên sau khi trừ chi phí làm đất, mua phân bón, thuốc trừ sâu... mỗi năm tôi lãi ròng hơn 120 triệu đồng. Riêng vụ đông xuân 2013 - 2014 này tôi trồng duy nhất giống ớt cao sản T20 của Thái Lan. Nếu mưa thuận gió hòa, giá bán không biến động mạnh thì chắc chắn sẽ kiếm được 65 triệu đồng”. Theo ông Hồ Văn Huệ - Trưởng ban Dân chính thôn Lệ Bắc, địa phương hiện có 60ha đất chuyên canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực, trong đó cây ớt chiếm khoảng 35% diện tích. Nhờ mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống người dân trong thôn ngày càng cải thiện đáng kể, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 4%.

Rời Lệ Bắc, chúng tôi ngược về cánh đồng Thọ Xuyên (xã Duy Châu) rộng hơn 12ha cũng chuyên trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày. Lom khom kéo đường ống nhựa bơm nước tưới cho 8 sào đậu phụng, ớt, đậu cô ve, ông Tạ Kế Khoa ở thôn Thọ Xuyên cho hay: “Hơn 10 năm trước, khi chưa có công trình thủy lợi hóa đất màu, làm gì cũng khó khăn nên bà con không dám đầu tư mạnh vào sản xuất. Bây giờ, được Nhà nước quan tâm kéo điện ra tận đồng, ai cũng khẩn trương đóng giếng ngay trên ruộng để chủ động bơm nước tưới cho cây trồng, rồi ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật mới vào việc canh tác nên gần đây năng suất liên tục tăng lên”. Theo ông Khoa, với 8 sào đất màu luân canh và xen canh 3 loại cây vừa nêu, bình quân mỗi năm ông thu về không dưới 50 triệu đồng. Còn ông Hồ Văn Tám ở thôn Lệ An thì cho rằng, nhờ công trình thủy lợi hóa đất màu mà 3 năm gần đây 4 sào đất ven bãi biền của ông vụ nào cũng ngút ngàn rau trái. Ông Tám nói: “Với quyết tâm không cho đất nghỉ, hễ phá ớt đông xuân thì tôi trồng dưa hấu xuân hè, nhổ dưa lại chuyển sang tỉa bắp hè thu. Sau khi trừ mọi khoản chi, mỗi năm tôi bỏ túi 25 triệu đồng từ 4 sào đất đó. Nhờ nguồn thu nhập này cộng với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm mà tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Hải - cán bộ khuyến nông xã Duy Châu cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đại bộ phận nông dân nhằm giúp họ xây dựng hiệu quả những mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh cây trồng cạn mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Hải nói: “Hiện nay trên địa bàn toàn xã có 200ha đất màu sản xuất theo phương thức này, tập trung nhiều nhất ở thôn Lệ Bắc, Thanh Châu, Lệ An, Lệ Nam, bình quân mỗi năm 1ha cho nhà nông mức thu nhập hơn 110 triệu đồng”. Theo ông Nguyễn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu, nhằm giúp nông dân yên tâm bám đất, năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương tiến hành kéo 1,8km đường dây điện ra khắp các cánh đồng Lệ Bắc, Lệ An, Lệ Nam, nâng tổng số đường dây điện hiện nay lên 4km, đảm bảo thủy lợi hóa hơn 90% diện tích đất màu, với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,1 tỷ đồng. “Nhằm đảm bảo việc cung ứng nước tưới cho gần 10% diện tích đất màu còn lại, năm 2014 này xã sẽ huy động nhân dân ra quân đào hố trồng trụ và tận dụng đường dây điện cũ của dự án Rell 2 để lắp đặt. Một khi chủ động nguồn nước, chắc chắn năng suất các loại cây trồng cạn tăng mạnh, từ đó đời sống người dân sẽ được nâng cao và tạo tiền đề cho tiến trình xây dựng nông thôn mới” - ông Tám nói.
                                                                                                                                                           P.T
                                                                           
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19815490
Hôm nay
Hôm qua
10863
8748