A+ A A-

Nâng cấp tuyến tỉnh lộ nối Duy Xuyên - Nông Sơn: Kết nối liên vùng

   Ngày 19.2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tổ chức ra quân thi công nâng cấp tuyến ĐT610, đoạn nối liền Nông Sơn - Duy Xuyên, hiện thực hóa ước vọng lưu thông liên vùng của người dân.

   Nhọc nhằn lưu thông

   Lâu nay người dân ở xã Đại Hồng (Đại Lộc) muốn qua xã Quế Lộc (Nông Sơn) phải “giằng co” với phương tiện vì bề mặt đoạn tuyến ĐT610 nối liền Nông Sơn - Duy Xuyên quá xấu, trong khi đó đây là tuyến đường bộ duy nhất và có khoảng cách ngắn nhất để người dân ra đến bến đò Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) rồi qua Đại Lộc. Còn ở nhiều thôn của xã Quế Trung (Nông Sơn), gặp trời mưa, trẻ em muốn cắp sách đến trường đành phải gồng mình trên mặt đường ĐT610 lầy lội, đá lởm chởm và trơn trợt. Mùa nắng ráo, mỗi lần có ô tô tải chở cây keo hay than, gạch… chạy qua là bụi bay mù mịt. “Người lớn như chúng tôi cũng không thể yên tâm cho sự an toàn của chính mình, nữa là tụi nhỏ. Bà con nông dân muốn cải thiện thu nhập, nhưng nuôi con gì, trồng cây nào lúc tiêu thụ đều bị ép giá do đường sá tệ quá. Ước gì con đường sớm được nâng cấp, chứ để lâu khổ dân quá chừng” - một người dân xã Quế Lộc bày tỏ.

 Bề mặt tuyến đường nhỏ, đá lởm chởm. Ảnh: C.T 

Bề mặt tuyến đường nhỏ, đá lởm chởm. Ảnh: C.T 

    Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, tuyến ĐT610 đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng chủ yếu từ đầu tuyến, nơi giáp quốc lộ 1 lên đến km25+750 (ngã tư vào Khu đền tháp Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, Duy Xuyên). Phía bên cuối tuyến, qua địa bàn Nông Sơn chỉ mới thực hiện được một đoạn rồi dừng lại do gặp khó khăn về nguồn vốn. Đoạn nối xã Duy Phú với xã Quế Trung thì dang dở, bề mặt chỉ thâm nhập… đất và đá. Cấp đường vốn thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai và xe quá tải trọng cày nát càng khiến tuyến ĐT610 đoạn qua đèo Phường Rạnh xuống cấp trầm trọng. Cán bộ và cử tri địa phương đã bao lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, song một thời gian dài tuyến đường vẫn chưa được nâng cấp. Là người thường xuyên chăn bò ven đường, bà Đoàn Thị Hai (trú thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú) từng chứng kiến người điều khiển phương tiện vất vả qua lại trên mặt đường gồ ghề. Gặp vài trận mưa, bùn đất liền nhão nhoẹt khiến nhiều tay lái loạng choạng té ngã, học sinh phải xuống xe đạp dắt bộ hàng cây số. Bà kể: “Mấy hồi có xe đò chạy từ Nông Sơn qua Duy Xuyên để ra Đà Nẵng. Nhưng đường xấu quá, họ bỏ tuyến và đi xuống Quế Sơn luôn”.

    Ước vọng sắp thành

  Ngày 22.5.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1815/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung dự án thành phần đầu tư xây dựng đường và công trình tuyến ĐT610, đoạn nối 2 huyện Duy Xuyên - Nông Sơn vào dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn khu trung tâm hành chính huyện Nông Sơn và vùng phụ cận. Dự án thành phần này có điểm đầu tại ngã tư đường vào tháp Mỹ Sơn, điểm cuối nối đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn khu trung tâm hành chính Nông Sơn, thuộc xã Quế Trung. Tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Sở Giao thông vận tải được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh (nay đổi tên thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam) là đại diện chủ đầu tư. “Ngày 1.11.2015, công trình chính thức được khởi công xây dựng. Vậy là ước vọng bấy lâu của nhân dân trong khu vực sắp trở thành hiện thực. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, khoảng cách từ Nông Sơn đến các trung tâm huyện, thành phố lân cận khác sẽ được rút ngắn đáng kể” - ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết.

   Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho hay, dự án đặt ra tiến độ xây dựng 17 tháng (dự kiến đưa vào sử dụng ngày 1.6.2017). Dự án chia làm 2 gói thầu xây dựng; trong đó gói số 1 (địa phận Duy Xuyên) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Trường Giang thi công; gói số 2 (địa phận Nông Sơn) do liên danh 2 doanh nghiệp Trường Giang và 126 đảm nhận thi công. Chi phí giải phóng mặt bằng qua 2 huyện khoảng 5 tỷ đồng.Ngoài cải thiện đời sống kinh tế, đảm bảo an toàn giao thông, công trình đưa vào sử dụng còn là cơ hội để tỉnh, huyện khai thác những tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Bởi từ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, du khách sẽ dễ dàng lên làng du lịch sinh thái Đại Bình, địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, thượng nguồn sông Thu Bồn. Ý thức tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, các địa phương liên quan đã tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Duy Phú, chính quyền và nhân dân rất phấn khởi khi chính thức nhìn thấy nhà thầu triển khai dự án trên thực địa. Công trình đi qua địa bàn xã có chiều dài 5,7km, có 70 hộ dân bị ảnh hưởng. “Địa phương đã phối hợp với ngành chức năng của huyện tích cực vận động nhân dân thu dọn cây cối, hoa màu, vật kiến trúc. Bà con nhiệt tình ủng hộ nên đạt tiến độ, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công.” - ông Tiến bày tỏ.

CÔNG TÚ

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19624566
Hôm nay
Hôm qua
3068
7461