Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định khai thác, phát huy tiềm năng lớn về du lịch là nhiệm vụ cấp thiết. Và với thế mạnh vốn có, Duy Xuyên đã và đang xác lập hướng đi phù hợp, đón đầu các cơ hội phát triển du lịch.
Mỹ Sơn đón khách bằng xe điện
Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999, là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong nước và thế giới trong hành trình du lịch đến miền Trung Việt Nam. Trung bình mỗi năm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón hơn 230 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%. Theo Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, xác định đầu tư hạ tầng là một trong những khâu đột phá nhằm bảo tồn di tích và thu hút du khách đến với Mỹ Sơn, năm 2015 ngoài việc nâng cấp tuyến đường dẫn từ cầu Khe Thẻ vào các nhóm tháp, đơn vị triển khai thực hiện hoàn thành một số công trình có ý nghĩa quan trọng, nhất là khu vệ sinh tại khu vực Nhà Đôi đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, 2 cổng quang báo tại cửa ngõ Khu di sản để tăng cường tuyên truyền quảng bá, không gian biểu diễn văn nghệ dân gian mới. Cạnh đó, nâng cấp dịch vụ trung chuyển xe điện với số lượng lên 11 chiếc, xây dựng nhà chờ, cổng soát vé điện từ... nhằm phát triển loại hình du lịch hiện đại, phù hợp với Mỹ Sơn. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình này hơn 11 tỷ đồng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững.
Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu
Cùng với đó, các loại hình văn hóa dân gian đưa vào phục vụ du khách. Với sản phẩm biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm là loại hình du lịch văn hóa phi vật thể độc đáo được xây dựng qua nhiều năm, Ban quản lý chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn và tăng cường các xuất diễn. Đối với các sản phẩm dịch vụ bán hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Ban quản lý tập trung khai thác các giá trị đặc trưng mang dấu ấn riêng như gốm, thổ cẩm Chăm, đá sa thạch Mỹ Sơn. Vì thế lượng khách đến tham quan, nghiên cứu ở khu đền tháp Mỹ Sơn năm 2015 hơn 261 nghìn lượt, tăng 13,3% so với năm trước, mang lại doanh thu gần 26,8 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch ở huyện Duy Xuyên không chỉ Mỹ Sơn mà còn khá nhiều các di tích, danh lam thắng cảnh khác đã và đang được chính quyền tập trung khai phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ông Nguyễn Công Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Để có cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, những năm qua, địa phương chú trọng vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cùng cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Dựa vào đặc điểm thế mạnh từng vùng địa lý, nguồn tài nguyên du lịch, huyện đã quy hoạch thành các vùng trọng điểm du lịch. Vùng Đông với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ven biển gắn với Hội An và Cù lao Chàm. Vùng Tây nơi tiếp giáp Khu di tích Mỹ Sơn được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái Mỹ Sơn - Thạch Bàn là vệ tinh lan tỏa đến các vùng phụ cận vùng sâu trong đất liền. Trên hành trình đến Mỹ Sơn, vùng kinh đô cổ Trà Kiệu cùng với các địa danh lịch sử như Đặc khu ủy Quảng Đà và các di tích xung quanh là điểm nhấn quan trọng hình thành nên những tour, tuyến tham quan. Các làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái như chiếu cói Bàn Thạch, tơ lụa Mã Châu, Đông Yên-Thi Lai, gốm sứ La Tháp, làng sinh thái Trà Nhiêu, thủy điện Duy Sơn 2... được huyện quy hoạch xây dựng thành các điểm du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, sinh thái. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội bà Chiêm Sơn, bà chúa Tàm Tang, lễ hội bà Thu Bồn, lễ hội Cầu ngư... được huyện xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị.
Đi đôi với công tác quy hoạch, huyện Duy Xuyên đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại những vùng trọng điểm đã hoàn thành và đang kêu gọi các doanh nghiệp triển khai dự án. Tại vùng Đông Duy Xuyên, việc đưa cầu Cửa Đại vào sử dụng và dự án Nam Hội An đang tiến hành thực hiện mở ra nhiều cơ hội cho du lịch vùng này phát triển, kéo dài vệt du lịch ven biển từ Non Nước-Hội An-Duy Xuyên. Tại vùng Tây Duy Xuyên, cầu Giao Thủy đang xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông với các huyện, thành phố phụ cận và tuyến đường lên huyện miền núi Nông Sơn là cơ hội to lớn để du lịch vùng này ngày càng đa dạng.
Nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội Duy Xuyên có thể thấy, quy hoạch phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội và khả năng kiểm soát môi trường là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, huyện Duy Xuyên tiếp tục thực hiện các chính sách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh hình thức đầu tư công tư. Nhà nước thực hiện chức năng về quản lý, các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tổ chức các hoạt động kinh doanh. Đây là cách làm phù hợp với xu hướng phát triển chung. Công tác liên kết giữa đơn vị quản lý du lịch với doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, hợp tác phát triển được huyện khuyến khích. Tất cả những gì mà Duy Xuyên thực hiện đều hướng đến mục tiêu khai thác có hiệu quả và bền vững các tài nguyên du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân./.
Phi Thành