A+ A A-

Khu kinh tế Chu Lai: Thêm khát vọng từ tuyến đường Cửa Đại

   Tháng 3/2016, cầu Cửa Đại (Quảng Nam) chính thức khánh thành cùng tuyến đường nối từ Duy Xuyên - Tam Kỳ đã tạo nên mạch giao thông mới nối vào Khu kinh tế (KKT) Chu Lai. Một cơ hội phát triển lớn cho kinh tế - xã hội Quảng Nam và duyên hải miền Trung lấy điểm đầu từ Chu Lai đã chính thức được mở ra.

   Một tuyến đường, ba mục tiêu

   Dự án cầu Cửa Đại có tổng mức đầu tư 3.450 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 18,3 km, trong đó phần cầu dài 1.481 m nối hai bờ sông Thu Bồn thuộc xã Cẩm Thanh (Hội An) và xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), tạo mạch giao thông mới đi từ đường ven biển Đà Nẵng - Hội An vào đến xã Bình Đào (Thăng Bình). Tuyến đường ven biển Duy Xuyên - Tam Kỳ theo dự án này có vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng, dài 24,5 km, nối từ cầu Cửa Đại đến thành phố Tam Kỳ. Đây được xem là dự án đầu tư quy mô lớn cả về giá trị dân sinh xã hội lẫn kinh tế quốc phòng, với 3 mục tiêu quan trọng.

  Khu kinh te Chu Lai: Them khat vong tu tuyen duong Cua Dai - Anh 1

Tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Chu Lai đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Minh   

  Thứ nhất, Dự án thuộc quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Việt Nam nối từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh tổ quốc.

   Tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Chu Lai đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Minh

   Thứ hai, Dự án thuộc dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam đã được Chính phủ chấp thuận đầu tư, nhằm hỗ trợ thay đổi đời sống và điều kiện dân sinh khu vực.

   Thứ ba, Dự án là một phần quan trọng của định hướng phát triển không gian đầu tư vào KKT Chu Lai, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư giá trị, thu hút các nhà đầu tư vào khu kinh tế này. Thay vì chỉ gói gọn hướng khai thác về phía Nam qua Tam Kỳ và Dung Quất (Quảng Ngãi), tuyến đường mới Duy Xuyên - Tam Kỳ với cầu Cửa Đại thật sự mở ra cửa ngõ về phía Bắc, nối với Đà Nẵng để phát huy tốt những lợi thế kinh tế.

   Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng BQL KKT mở Chu Lai khẳng định: “Cầu Cửa Đại và hệ thống giao thông mới đã dẫn lối cho nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, tạo sức bật mới cho KKT Chu Lai nói riêng và Quảng Nam nói chung”.

   Nhiều cơ hội, một niềm tin

   Ngay sau khi cầu Cửa Đại khánh thành, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã thấy rõ những lợi thế trực tiếp từ dự án tuyến đường giao thông mới này. Cả một hành lang giao thông liên vùng nối TP. Đà Nẵng, Khu Đô thị cổ Hội An với vùng phía Đông Quảng Nam và nhất là với KKT Chu Lai đã được mở ra.

   Theo đó, các chương trình an sinh xã hội như đề án đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người dân sở tại, dự án cải tạo đất nông nghiệp, hỗ trợ xây nhà chống bão trong dân... đều được đặt ra. Cơ hội thay đổi cuộc đời cho hàng ngàn hộ dân khu vực vì thế đã hiện hữu.

   Quan trọng hơn, KKT Chu Lai, với những nỗ lực vốn có về thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, đã có thêm nền tảng mới để nâng chất lượng phục vụ các dự án kinh tế làm ăn vào đây.

   Đơn cử 6 tháng đầu năm 2016, Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đã khánh thành đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất xe chuyên dụng hạng nặng và sơ mi rơ moóc, Nhà máy Linh kiện composite, Nhà máy Sản xuất khuôn...

   Các dự án tiếp theo, đầu tư nâng công suất nhà máy Thaco Kia từ 28.000 lên 30.000 xe/năm, nâng công suất Nhà máy Vina Mazda lên 30.000 xe/năm, Nhà máy Sản xuất máy lạnh ô tô 50.000 sản phẩm/năm, Nhà máy Sản xuất ống xả 100.000 sản phẩm/năm... đã và đang được đồng thời xúc tiến.

   Đặc biệt, nhận thức rõ cơ hội kết nối làm ăn mạnh mẽ hơn với hướng giao thông về cầu Cửa Đại, Tập đoàn Trường Hải còn mạnh dạn triển khai Dự án Khu đô thị Tam Hiệp, mở rộng Khu công nghiệp Cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải; mở rộng cầu, bến cảng và 2 tuyến đường từ cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp...

  Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, việc đầu tư tuyến đường về Cửa Đại, thật sự tạo ra hành lang thông thoáng cho KKT Chu Lai, hiện thức hóa rất nhiều cơ hội cải thiện dân sinh, thu hút đầu tư kinh tế, xã hội nơi đây. Nhiều nhà đầu tư đã lập tức chớp thời cơ, thiết lập các dự án vào khu vực này, trong đó, nổi bật nhất là Dự án Đô thị Nam Hội An với giá trị đầu tư hàng tỷ USD. Các dự án mới được đầu tư đã làm chuyển biến toàn cảnh kinh tế nơi này.

   Khu kinh tế hay toàn vùng kinh tế?

   Theo ông Đỗ Xuân Diện, nếu 10 năm trước, nhìn vào KKT Chu Lai, nhiều người còn e dè cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn, nhất là về công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng... Còn hôm nay, với lực hút mạnh mẽ từ các cơ hội vành đai bao quanh, nối đường về Cửa Đại, thông tuyến đi Dung Quất..., KKT Chu Lai thật sự đã là điểm đến của nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc tế.

   Những người dân bản địa tại đây cũng cảm nhận được đầy đủ cơ hội cho họ, khi các dự án tránh lũ, chống bão và cải thiện thu nhập dân sinh lần lượt được xúc tiến. Dự án cầu Cửa Đại và tuyến đường tương quan, quả thật đã tạo nên sự thay đổi to lớn cho tam giác “đất hoang” phía Đông Quảng Nam, nối từ Hội An về Duy Xuyên và Thăng Bình.

“  Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn KKT Chu Lai với tầm vóc gắn kết, thúc đẩy cả một vùng kinh tế duyên hải miền Trung, tạo nên những cú hích mạnh mẽ làm sống động tiềm lực kinh tế nơi này”, ông Diện nói. Cụ thể, để tạo động lực cho vùng Đông, đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch để tạo ra 1.500 ha đất sạch xúc tiến đầu tư các dự án, với không gian phát triển lên tới 42.000 ha bao gồm cả KKT mở Chu Lai và dự án tổng thể sắp xếp dân cư dọc 25 xã, phường, thị trấn ven biển.

   “Hiện tại, khu vực vùng Đông Quảng Nam đang có 111 dự án, tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, trong đó đã có 71/111 dự án đi vào hoạt động. Kế hoạch đầu tư xây dựng vùng Đông sẽ theo 6 nhóm dự án, chương trình trọng điểm, bao gồm: nhóm dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An như: Công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn phát triển đô thị Tam Kỳ; dự án chương trình phát triển công nghiệp sạch và dịch vụ gắn Sân bay Chu Lai; dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; nhóm chương trình, dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu, tránh bão”, ông Diện cho biết.

   Cơ sở để xây dựng 6 nhóm kinh tế động lực này, theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là “dựa trên tiềm năng và lợi thế hiện có của địa phương về vị trí, điều kiện hạ tầng cũng như cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong nước và chính sách định hướng phát triển của KKT mở Chu Lai đã được Chính phủ phê duyệt”.

  Quan trọng hơn, khu vực này đã và đang hình thành nên các dự án mang tính trọng điểm, có vai trò định hướng phát triển tổng thể vùng như Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu giải trí Everland Nam Cửa Đại; Khu công nghiệp Tam Thăng (TP. Tam Kỳ); Dự án Sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Cơ khí đa dụng và hỗ trợ sản xuất ô tô Tam Hiệp, Tam Anh (huyện Núi Thành); Dự án Nhà máy Xử lý khí và Nhà máy Điện - Khí tại Khu công nghiệp Khí - Điện thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành; Dự án Đầu tư phát triển dịch vụ vận chuyển khách và hàng hóa Sân bay Chu Lai; Dự án Khu bến cảng cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành.

Thu Hồng

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19832154
Hôm nay
Hôm qua
14716
12811