Cuối tuần rồi, về xã Duy Hải. Ông Nguyễn Văn Thống, chủ tịch UBND xã tâm sự, mấy năm gần đây ở địa phương có mô hình sản xuất rất lạ mà hiệu quả mang lại thì cao đó là ươm cây rừng ở… biển đấy chú em.
Nhiều cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp ở vùng biển Duy Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: TƯ RUỘNG
Hơn 7 giờ sáng, cưỡi xe chạy dọc các tuyến đường trên địa bàn xã Duy Hải, không khó để bắt gặp nhịp điệu lao động hết sức khẩn trương tại những cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp. Ông Phùng Văn Hùng trú thôn An Lương cho biết, do đất đai nghèo chất dinh dưỡng, nước tưới vô cùng khó khăn nên mặc dù vợ chồng ông bám riết với thửa ruộng, mảnh vườn nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau vì thu nhập quá ít ỏi. Cách đây vài năm, thấy nhu cầu sử dụng keo lá tràm để trồng rừng kinh tế ở nhiều địa phương của tỉnh, nhất là tại những vùng thuộc khu vực miền núi rất lớn nên ông Hùng quyết định xây dựng cơ sở ươm cây giống bán ra thị trường với hy vọng làm cuộc đổi đời. Sau khi tập trung cải tạo 5 sào đất vườn để thiết lập mặt bằng, ông Hùng tiến hành đóng một số giếng khoan nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất. Để có đất đỏ làm bầu cho cây con, ông lên những khu đồi của xã Duy Trung và Duy Sơn mua rồi thuê xe tải ben chở về. Cầm vòi nước phun tưới vườn keo lá tràm xanh ngắt, người đàn ông 42 tuổi ấy không giấu được niềm vui: “Từ khi hình thành cơ sở này, đời sống của gia đình tui không còn chật vật như lúc trước. Nói chú Tư mừng, bình quân hằng năm tui xuất bán ít nhất 800 nghìn cây giống, thu về tổng cộng 280 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí đầu tư và trả lương cho 3 lao động thường xuyên thì còn lại mức lãi ròng 150 - 170 triệu đồng. Khoản tiền lời đó thực sự là con số rất ấn tượng tại xã vùng cát ven biển Duy Hải này. Có một điều đáng mừng là, lượng cây keo giống cơ sở tui làm ra không phải chở đi khắp nơi nài nỉ người ta mua từng bầu mà tất cả đều sản xuất theo đơn đặt hàng của những chủ rừng ở các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Phước Sơn”.
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Võ Văn Toan – Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây nghề ươm giống cây lâm nghiệp phát triển rất mạnh tại địa phương và trở thành hướng mở để nhiều hộ dân vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng. Theo ông Toan, hiện nay toàn xã có không dưới 20 cơ sở ươm cây keo lá tràm, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 thôn gồm An Lương, Tây Sơn Tây, Thuận Trì, Tây Sơn Đông. Qua thống kê cho thấy, mỗi năm số cơ sở vừa nêu sản xuất và bán ra thị trường khoảng 12 triệu cây keo giống, thu về lãi ròng 3 - 4 tỷ đồng. Không chỉ vậy, mô hình kinh tế này còn góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho khá nhiều lao động nông thôn.
TƯ RUỘNG