Đến thôn Hà Mỹ xã Duy Vinh huyện Duy Xuyên thời gian này, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của bà con nơi đây khi chuẩn bị thu hoạch vụ tôm mới.
Hơn 15 năm nuôi tôm nước lợ, chưa bao giờ bà con trúng đậm và đặt nhiều hy vọng vào hướng phát triển kinh tế mới này như vài năm trở lại đây.
Những năm về trước, nghề nuôi tôm tại Duy Vinh chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất không cao. Bà con được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, có nguồn điện ổn định tại chỗ phục vụ cho sản xuất, tiếp cận được với con giống có chất lượng. Đặc biệt, bà con được tham gia lớp học dạy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm phối hợp với địa phương tổ chức. Với phương pháp hỏi - đáp, học kết hợp thực hành ngay tại chỗ, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp giảng dạy dựa trên kiến thức của học viên…, các cán bộ của trung tâm đã giúp cho bà con nắm bắt được kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng và đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. “Trước đây, nếu có dịch bệnh cũng rất khó kiểm soát. Nhưng nay có tập thể, bà con chia sẻ kinh nghiệm với nhau, chính quyền tạo điều kiện, thức ăn thì có đại lý ngay tại chỗ, dịch bệnh thì cán bộ xuống xử lý ngay. Bà con nơi đây rất phấn khởi”, ông Trần Văn Trị, một trong những hộ nuôi tôm có diện tích lớn nhất chia sẻ.
Đến nay, sản lượng tôm ngày càng tăng. Vụ 1 năm 2016 vừa qua, bà con nuôi tôm thôn Hà Mỹ trúng đậm, năng suất tôm đạt bình quân 3-4 tấn/ha, có hộ đạt 6 tấn/ha. Trừ các khoản chi phí, người nông dân thu lãi ròng từ 120-200 triệu đồng/ha, có hộ thâm canh tốt lãi tới gần 300 triệu đồng/ha. Con tôm đạt năng suất cao nên bà con rất phấn khởi, ai cũng mạnh dạn đầu tư cho vụ mới.
Song, việc nuôi tôm thẻ chân trắng cho lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Vì vậy, người dân luôn phải thường xuyên tìm hiểu và áp dụng khoa học - kĩ thuật vào việc nuôi tôm. Đặc biệt chú ý các biện pháp vệ sinh sạch sẽ để phòng dịch bệnh như cải tạo ao đầm, đảm bảo xử lý nguồn nước thật sạch, cấm người ngoài vào bãi nuôi, nhân viên nuôi tôm phải vệ sinh tay chân bằng thuốc tím và dụng cụ trước khi cho tôm ăn…”
Trao đổi về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Võ Đức Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Vinh cho biết, cái khó nhất đối với người nuôi tôm là nguồn vốn và kỹ thuật, vì thế xã đã chủ động để người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm sản xuất. Hy vọng, mô hình nuôi tôm này sẽ ra mở ra một hướng làm giàu vững chắc cho bà con, góp phần tạo ra diện mạo mới cho nông thôn".
Hồ Hằng