Với nhiệt huyết và hoạch định việc kinh doanh bài bản, hai chàng trai trẻ ở xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên đã dần xây dựng được thương hiệu cà phê sạch Phương Thảo được thị trường ưa chuộng.
Năm 2010, anh Lê Văn Lương và Nguyễn Thanh Vũ mở một quán cà phê vườn tại quê nhà Thuận An (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) với hy vọng phát triển kinh tế ổn định. Thế nhưng, vào thời điểm đó vùng đất này vẫn còn cách trở bởi chưa có cầu Cửa Đại, quán cà phê cũng thưa thớt. Sau một thời gian dài loay hoay, đến năm 2012 anh Lương mới bắt đầu định hình hướng phát triển khi có dịp tham gia hội chợ cà phê tại Đắk Lắk và TP.Hồ Chí Minh. Anh Lê Văn Lương trăn trở, tại sao một đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng lượng người dân được tiếp cận với cà phê sạch lại rất hạn chế.
Nghĩ là làm, anh Lương và Vũ quay về và bắt tay vào kế hoạch sản xuất cà phê sạch để tìm lối đi riêng trong kinh doanh. Cả hai tìm vào các bản làng xa xôi vùng Cư M’Gar (Đắk Lắk) để mua cà phê Robusta, còn cà phê Arabica thì được mua ở vùng Cầu Đất (Lâm Đồng). Đến tận bây giờ, dù đã ổn định trong sản xuất nhưng cứ đều đặn nửa năm một lần, cả hai lại tìm đến vùng trồng nguyên liệu mua khoảng 2 tấn cà phê để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Sau hơn 2 năm sản xuất, sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Phương Thảo Coffee của anh Lương và Vũ đã tiêu thụ được khoảng 5 tấn với các thị trường như Đà Nẵng, Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh…
Anh Nguyễn Thanh Vũ giới thiệu quy trình sản xuất cà phê sạch cho du khách. Ảnh: Q.T
Trong quá trình phát triển sản phẩm, khó khăn nhất là khâu tiếp cận người tiêu dùng. Bởi cà phê nguyên chất có màu nâu nhạt, loãng, vị đắng thanh, khác xa so với cà phê đại trà đặc sánh, đắng nhẫn. Theo đó, hai anh phải dành thời gian tư vấn, giải thích để khách hàng phân biệt được đâu là cà phê sạch. Một thuận lợi lớn đối với cơ sở sản xuất này chính là việc cầu Cửa Đại được đưa vào sử dụng thời gian qua giúp lượng du khách nước ngoài từ Hội An sang Duy Xuyên tham quan, du lịch tăng đột biến, theo đó thương hiệu cà phê Phương Thảo ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Cách đây 2 năm, anh Lương và Vũ tham khảo quy trình sản xuất máy rang xay cà phê bằng gas trên internet cộng với sự sáng tạo đã chế tạo được dụng cụ này. Ban đầu do chưa nắm rõ kỹ thuật nên cả hai gặp sự cố và phải bỏ dở một máy rang xay cà phê với kinh phí khá lớn. Nhưng giờ đây việc sản xuất sản phẩm này đã mở ra hướng đi mới cho cơ sở bên cạnh kinh doanh cà phê sạch. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở đã tiêu thụ được 9 chiếc máy rang xay cà phê trong đó chiếc lớn nhất được tiêu thụ bởi một khách hàng ở Đắk Lắk có giá trị đến 60 triệu đồng. Hiện cơ sở đã chuẩn bị được mặt bằng và sắp tới sẽ tách xưởng cơ khí riêng để chế tạo máy rang xay cà phê và cả máy pha pin cà phê. Đây là loại sản phẩm thị trường đang có nhu cầu cao bởi pha bằng máy sẽ tiết kiệm được khoảng 30 phút và còn lợi được hơn 30 ly cà phê so với làm quy trình thủ công, thậm chí sản phẩm còn chất lượng hơn. Anh Lê Thanh Vũ bộc bạch: “Những gì cơ sở làm được chỉ mới là thành công bước đầu và vẫn còn nhiều việc phải làm. Dù trải qua không ít khó khăn trong sản xuất nhưng với cảm hứng lập nghiệp cùng khát vọng về thực phẩm sạch tôi hy vọng rằng cà phê sạch không phải là giấc mơ xa vời”.
QUỐC TUẤN