Ngành nông nghiệp và các địa phương ở huyện Duy Xuyên cùng bà con nông dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017…
Khắc phục hậu quả mưa lũ
Thời điểm này, nhiều cánh đồng huyện Duy Xuyên không ít chân ruộng bị bèo phủ kín, nhất là những khu vực nằm ven sông suối. Nếu nhà nông không kịp thời thu dọn, bèo sẽ nhanh chóng sinh sôi, chiếm thêm diện tích đất canh tác. Ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho biết, đợt mưa lũ vừa qua không chỉ làm hàng loạt ruộng lúa đã và sắp cày phơi ải trên đồng Rộc Nại thuộc thôn Thọ Xuyên bị phủ lên những lớp bèo dày mà còn khiến hơn 100m kênh mương bị hư hỏng nghiêm trọng. Theo ông Hải, ngoài đồng Rộc Nại, qua thống kê xã Duy Châu còn có hơn 500m kênh mương nội đồng bị sạt lở nặng và 2 cống bi dẫn nước bị cuốn trôi. Ông Hải nói: “Để đảm bảo phục vụ sản xuất đông xuân sắp tới, nhân dân khẩn trương ra quân thu gom, xử lý bèo trên mặt ruộng. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, phát hiện hư hỏng chỗ nào sẽ tập trung khắc phục ngay, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến lịch thời vụ gieo sạ. Trước nguy cơ trạm bơm điện Cù Bàn bị cát đá bồi lấp, địa phương đã chuẩn bị phương án nạo vét nhằm đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới cho 80ha lúa và hoa màu. Theo dự kiến, tổng nguồn kinh phí xã Duy Châu bỏ ra để khắc phục hậu quả mưa lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 250 triệu đồng”.
|
Duy Xuyên đang đẩy nhanh tiến độ cày dầm đất để chuẩn bị triển khai gieo sạ lúa. Ảnh: H.N |
Ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, đợt mưa lũ xảy ra vào những ngày đầu tháng 12 đã làm 27ha lúa của người dân các xã vùng đông và gần 280ha hoa màu rau quả tại nhiều địa phương khác bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 2.340m kênh mương và 200m kè chống xói lở bờ sông bị hư hỏng nặng... Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 9,7 tỷ đồng. Ông Ngọc nói: “Hiện nay chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và một số hồ chứa, đập dâng bị mưa lũ làm hư hỏng, sạt lở. Đồng thời tích cực vận động nông dân nhanh chóng cải tạo những chân ruộng bị đất cát bồi lấp và bèo phủ. Mặt khác, các địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung xây dựng phương án tưới tiêu cụ thể cho từng cánh đồng và quản lý tốt nguồn nước để chủ động bố trí sản xuất hợp lý. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua cũng mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân tới, cụ thể là nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hiểm đã bị triệt tiêu. Các loại chất thải, thuốc hóa học, vi khuẩn có hại trên đồng ruộng được rửa trôi và đặc biệt là nhiều đồng đất được cung cấp một lượng phù sa cần thiết”.
Sẵn sàng cho vụ mùa mới
Vụ đông xuân 2016 - 2017, ngoài việc gieo trồng 1.000ha rau màu, Duy Xuyên còn triển khai xuống giống 3.800ha lúa. Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, ngành nông nghiệp huyện căn cứ vào đặc điểm, thời gian sinh trưởng của từng loại giống để bố trí thời điểm gieo sạ phù hợp với điều kiện từng vùng. Theo đó, thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 25.12.2016 và kết thúc vào ngày 10.1.2017 với cơ cấu các loại giống lúa trung ngày chiếm 55% diện tích gồm Nhị ưu 838, CNR 6206, Thiên ưu 8, TBR 1; nhóm giống ngắn ngày chiếm 30% gồm TH3-3, Xuyên Hương 178, HT 1, DV 108, PC 6; nhóm giống có triển vọng chiếm 10% và nhóm giống dài ngày chỉ chiếm 5%. |
Một tháng nay, nông dân huyện Duy Xuyên đã bắt tay vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Ông Phan Ba ở khối phố Phước Mỹ 2 (thị trấn Nam Phước) cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông sản xuất 2 sào lúa trên cánh đồng Đìa Mẫn. Nhờ ông tập trung xử lý rơm rạ, cỏ dại và tiến hành cày dầm sớm nên đợt mưa lũ vừa rồi đã góp phần tăng thêm lượng phù sa đáng kể cho đất. Ông Ba nói: “Ngay sau khi lũ rút, ngoài việc ra đồng gia cố lại bờ thửa nhằm giữ nước, tôi cũng đã mua đầy đủ lượng lúa giống, phân bón, vôi bột… sẵn sàng gieo sạ theo đúng lịch thời vụ do ngành chuyên môn đưa ra. Đông xuân là vụ lúa chính trong năm nên gia đình tôi chuẩn bị chu đáo các khâu để việc sản xuất đạt hiệu quả cao”. Trong khi đó, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, nhờ ngành nông nghiệp và chính quyền 14 xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nên từ giữa tháng 11 dương lịch đến nay người dân trên địa bàn huyện đã cày phơi ải được 85% diện tích trong tổng số 3.800ha đất lúa. Ông Năm nói: “Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có hơn 150 máy làm đất các loại, với số phương tiện đó, dự kiến trước ngày 14.12 nông dân Duy Xuyên sẽ cày xong 15% diện tích còn lại để kịp đưa vào gieo sạ theo đúng khung thời vụ”.
Thời gian gần đây ngành nông nghiệp Duy Xuyên cùng chính quyền các địa phương đã vận động nông dân mở nhiều đợt ra quân tiêu diệt hàng chục nghìn con chuột, ốc bươu vàng. Đồng thời tiếp tục dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng với tổng diện tích hơn 114ha đất lúa để tiến hành xây dựng thêm 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bà Võ Thị Mỹ - Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết, vụ đông xuân này địa phương tiếp tục duy trì việc liên kết với các doanh nghiệp xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho nhà nông, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Được biết, để giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, đặc biệt là yên tâm về chuyện đầu ra của sản phẩm, năm 2016 ngành nông nghiệp Duy Xuyên và các hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động liên kết, hợp tác sản xuất với 7 doanh nghiệp. Qua đó, cung ứng ra thị trường 1.700 tấn lúa giống, 300 tấn dưa leo xuất khẩu và hàng trăm tấn ớt…
Phi Thành