Nắng nóng kéo dài khiến cho nguồn nước nhiều nơi
trên địa bàn tỉnh trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Hàng trăm héc ta ruộng
đứng trước nguy cơ bị mất trắng, hợp tác xã (HTX) Duy Sơn II (Duy Xuyên)
đã cùng người dân nỗ lực để cứu lúa.
Trực
chiến chống hạn
“Trong
những ngày vừa qua, hầu hết thời gian anh em trong HTX đều trực chiến ngoài
đồng để chống hạn cùng với bà con. Năm nay nắng nóng kéo dài, lượng nước khan
hiếm nếu không có biện pháp kịp thời thì lúa dễ mất trắng lắm…” - ông Nguyễn
Phước Ly, Phó Giám đốc HTX Duy Sơn II nói.
Diện
tích đang nằm trong diện thiếu nước là thôn Chiêm Sơn và thôn Trà Kiệu Tây với
gần 80 héc ta lúa đang chờ nước tưới. Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX
Duy Sơn II, với việc nắng nóng kéo dài gây thiếu nước trầm trọng cho những diện
tích này, HTX Duy Sơn II đang nỗ lực hết sức để khắc phục tình hình. “Hiện nay,
chúng tôi đã tiến hành nạo vét các ao đìa, lòng suối để tìm kiếm lượng nước
ngầm bổ sung cho các trạm bơm khi cần thiết. Đồng thời tiến hành tu sửa các máy
bơm, trạm bơm để phục vụ cho tưới tiêu. Tuy nhiên, lượng nước ngầm hiện nay
đang bị rút dần, không thể đảm bảo cho việc tưới tiêu sắp tới. Nếu trời không
mưa và không được sự chia sẻ nước thì nguy cơ nông dân mất mùa rất lớn…” - ông
Tấn cho biết.
Để giải quyết trước mắt vấn đề khô
hạn, HTX đã cùng với bà con nông dân đóng giếng nước ngay tại bờ ruộng để phục
vụ cho sản xuất. Mỗi giếng nước người dân đóng, HTX sẽ hỗ trợ 600 nghìn đồng
cùng với điện để đảm bảo việc tưới tiêu được tốt. Hiện tại, HTX Duy Sơn II đã
đóng được 20 giếng nước và hỗ trợ người dân đóng thêm từ 35 - 40 giếng tại các
bờ đập của ruộng. “chỉ có cách này mới giải quyết cấp kỳ được tình hình hiện
tại. Bằng mọi cách xoay xở, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giúp người dân cứu
được cây lúa…” - ông Nguyễn Phước Ly nói.
Chia
sẻ nguồn nước
Trong
khi Duy Sơn II đang rất khó khăn về nước tưới thì Duy Sơn I lại chủ động được
nước tưới, bởi ở đây có nguồn nước lớn từ 2 hệ thống đập là Phú Lộc và Động
Vườn. Sự chia sẻ nguồn nước mà ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX Duy Sơn II
nhắc đến cũng xuất phát từ đây.
Theo
ông Tấn, trước đây, HTX Duy Sơn II có thể chủ động nước tưới, phục vụ cho nông
dân là nhờ có một phần nguồn nước lấy từ hồ Ba Ô. Đây là nguồn nước chảy từ
núi, chạy qua địa phận của Duy Sơn I và xuống Duy Sơn II. Từ bao đời nay, đã có
một quy ước ngầm: nguồn nước này được chia với tỷ lệ 1:3, nghĩa là hai phần
thuộc về Duy Sơn I và một phần cho Duy Sơn II.
“Tuy nhiên mới đây, HTX Duy Sơn I đã
có thông báo với chúng tôi là họ cắt một phần nước này để phục vụ tưới tiêu
trên địa bàn Duy Sơn I. Việc đó đã khiến cho chúng tôi rất khó khăn trong việc
tìm kiếm nguồn nước. Nếu được sự chia sẻ nguồn nước như trước kia, tình hình
khô hạn trên địa bàn chúng tôi sẽ bớt căng hơn” - ông Tấn nói.
Trao
đổi về vấn đề này, ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, việc
HTX Duy Sơn I ngăn nước từ hồ Ba Ô là để phục vụ cho việc tưới tiêu trên địa
bàn bởi thời tiết trong thời gian vừa qua quá khắc nghiệt. “Từ xa xưa đã có sự
thỏa thuận giữa Duy Sơn I và Duy Sơn II về việc phân chia nguồn nước từ hồ Ba
Ô. Tỷ lệ 1:3 đấy là ở trong điều kiện bình thường, còn khi nắng hạn thì cũng
tùy sự thỏa thuận giữa 2 bên mà thôi…” - ông Thâm nói.
Khi
đề cập vấn đề hạn hán đang gây khó khăn cho Duy Sơn II, ông Thâm khẳng định,
chủ trương của xã là không để Duy Sơn I thừa nước mà Duy Sơn II lại thiếu nước.
“Trong cùng một xã, việc chia sẻ nước là rất cần thiết trong những lúc như thế
này. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp nước cho Duy Sơn II từ đập Phú Lộc thì cần phải
chạy qua 13km kênh mương. Nhưng mới chỉ có 4km được bê tông hóa, còn lại 9km bị
hư hỏng nặng. Nếu để nước chảy qua đấy sẽ hao hụt rất nhiều, khi xuống tới Duy
Sơn II sẽ không còn được bao nhiêu…” ông Thâm nói.
Cũng
theo ông Thâm, với tình hình hiện tại, UBND xã đã làm việc với huyện để hệ
thống đập Phú Lộc hỗ trợ nước cho Duy Sơn II. Đồng thời trong thời gian đến sẽ
mời ban giám đốc của 2 HTX cùng đội trưởng đội thủy nông làm việc với UBND xã
về việc chia sẻ một phần nước tưới từ đập Động Vườn cho một ít diện tích của
Duy Sơn II.
“Thời
điểm này, ai cũng khó khăn về nước tưới, nên cố gắng chia sẻ với nhau, phải đặt
quyền lợi của nông dân trong xã lên đầu tiên…” - ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch
UBND xã Duy Sơn nói.
TUỆ
LÂM