Phát triển kinh tế du lịch, xây dựng
công nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra nền kinh tế xanh là định hướng của Duy
Xuyên. Trong câu chuyện đầu tuần, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - Nguyễn
Công Dũng nói sẽ rất khó và không bao giờ có đầy đủ mọi cơ chế, chính sách,
nguồn lực cũng như điều kiện cần và đủ để giải quyết những khó khăn cho bài
toán phát triển, nên chính quyền sẽ chủ động hơn nữa để tìm nguồn lực đầu tư,
hiện thực hóa ý tưởng này.
Phát triển kinh tế du lịch bền vững
*Duy Xuyên dựa vào nguồn lực, thế mạnh nào để phát triển, thưa
ông?
*Ông Nguyễn Công Dũng: Duy Xuyên vốn chỉ dựa vào nông nghiệp để phát triển. Nông
nghiệp luôn là nhân tố quan trọng để ổn định đời sống nông thôn, nhưng nguồn
lực đó không đủ để người dân địa phương làm giàu. Vì vậy, huyện đã đẩy mạnh
phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) theo Nghị quyết đại
hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, giai đoạn 2011 – 2015. Định hướng được xác định
đó hoàn toàn đúng, bởi ưu thế của ngành kinh tế này là phát triển rất nhanh thu
nhập và việc làm cho người dân. Tuy nhiên, phát triển một lĩnh vực, ngành nào
đó cũng đến lúc sẽ chạm trần, sẽ không thể phát triển thêm được nữa và để lại
không ít bài toán khó giải. CN – TTCN cũng vậy.
Khó khăn đầu tiên là
phát triển CN – TTCN cần nhu cầu lớn về đất đai, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư kết
cấu hạ tầng rất lớn và nguồn lao động có tay nghề. Nhưng với quỹ đất hiện có,
địa phương chỉ có thể bố trí thêm một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch ở
vùng đông và tây, còn vùng trung thì đã đủ tải. Nghĩa là đã đến thời điểm bắt
đầu chạm trần về phát triển CN – TTCN. Thực tiễn nhiều năm qua, sự phát triển
CN – TTCN đã góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, nhưng cũng đã để lại
những hậu quả về ô nhiễm môi trường. Kinh phí đầu tư phát triển CN – TTCN rất
lớn, trong đó có giải quyết “sự cố” hậu quả môi trường với địa phương hiện tại
là điều rất khó giải quyết, chưa kể đến việc thu hút lao động cũng đã rất căng
thẳng. Một năm, Duy Xuyên giải quyết khoảng 3 nghìn lao động lành nghề, đáp ứng
nhu cầu của các doanh nghiệp là điều dường như không thể. Vì vậy, chính quyền
đã tính toán đến một phương thức phát triển khác bền vững hơn.
*Khó làm giàu từ nông nghiệp, còn CN – TTCN chạm trần thì Duy
Xuyên lấy cái gì để hoạch định bền vững cho tương lai ?
Ông Nguyễn Công Dũng: Huyện sẽ chuyển hướng, đẩy mạnh phát triển CN – TTCN, nhất
là dịch vụ du lịch. Duy Xuyên có đủ cơ hội, tiềm năng, lợi thế để hoạch định
tương lai theo định hướng này. Địa phương có di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn,
các khu du lịch sinh thái, làng nghề, sông nước, nhiều di tích lịch sử, văn hóa
và 8km bờ biển. Một khi cầu Cửa Đại hoàn thành và các dự án vùng đông được mở
ra, khi Duy Hải, Duy Nghĩa được xây dựng đô thị loại ba thì Duy Xuyên có đủ cơ
hội, tiềm năng để phát triển về thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.
Đó là hướng đi bền vững lâu dài cho tương lai.
Câu chuyện vừa cấp bách, vừa dài lâu, từ quy hoạch phát triển dịch
vụ du lịch đến đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực là không đơn
giản. Nhưng, chính quyền sẽ kiên trì, phấn đấu đến năm 2020 trở đi, ngành
thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn của
địa phương. Nếu xem các ngành kinh tế là một cơ thể thì CN – TTCN và nông
nghiệp như là đôi chân hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thương mại, dịch vụ du
lịch, trở thành huyện công nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra một nền kinh tế
xanh. Điều này chỉ ra rằng tất cả dự án, chương trình, ngay cả định hướng phát
triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, kiến thiết thị tứ, thị trấn cũng nhằm
phục vụ cho định hướng này. Nhưng để hiện thực hóa trong bối cảnh thiếu hụt
nguồn vốn là điều gian nan. Chính quyền sẽ chủ động, mở rộng hết các mối quan
hệ để vận động, kinh phí, tài trợ, chứ cứ ngồi chờ thì chẳng bao giờ sẽ thấy
được sự phát triển.
Gian nan tìm vốn
*Việc ban hành một nghị quyết hay văn bản là rất dễ, nhưng để
triển khai tốt trên thực tế đời sống vẫn là bước đi còn gian nan hơn?
Ông Nguyễn Công Dũng: Khi tiến hành quy hoạch vùng, Duy Xuyên đã đặt nặng quy
hoạch kết cấu hạ tầng, kết nối các khu thị tứ, thị trấn, trung tâm các xã, khu
dân cư, làng nghề, khu sinh thái, ven biển… thành chuỗi điểm du lịch, cùng với
khuyến cáo con em địa phương tập trung học ngoại ngữ, học nghề dịch vụ… và kêu
gọi doanh nghiệp đầu tư điểm đến du lịch tại Hòn Tàu, Duy Sơn, Trà Nhiêu (Duy
Vinh)… Việc xây dựng khu phố chợ Nam Phước cũng mang ý tưởng kết nối xây dựng
thị trấn thành đô thị loại 4. Chính quyền xác định, đầu tư kết cấu hạ tầng,
nhất là giao thông, chủ yếu phải do nhà nước đầu tư. Chính quyền đã lên kế
hoạch vận động, tìm kiếm các nguồn để đầu tư, bảo đảm nối các điểm thông suốt,
thuận lợi. Còn các điểm du lịch thì có cơ chế thoáng mở để kêu gọi những nhà
đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư.
* Có lợi thế, tiềm lực nhưng tại sao Duy Xuyên vẫn chưa thể phát
triển như mong muốn, thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực hay năng lực quản lý
điều hành của địa phương?
Ông Nguyễn Công Dũng: Phát triển du lịch là công việc dài lâu, tốn rất nhiều kinh
phí quy hoạch, đầu tư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hoàn thiện kết cấu hạ tầng
và đầu tư tại các điểm du lịch. Đây là hai điều cốt tử để mời gọi doanh nghiệp
đến làm ăn. Khá nhiều doanh nghiệp rất thích đầu tư du lịch tại Trà Nhiêu (Duy
Vinh), nhưng hệ thống giao thông đến địa điểm này không thuận lợi. Không một
doanh nghiệp nào có thể bỏ ra hàng trăm tỷ đồng chỉ để làm một con đường vào
khu du lịch, nên rốt cuộc tiềm lực kinh tế này cũng phải đành chịu cảnh “ngủ
yên”, thao thức, chờ đợi. Còn du khách thì chỉ đến Mỹ Sơn tham quan rồi về vì
thiếu các sản phẩm giải trí, tham quan, dịch vụ bổ trợ. Chính điều đó đã không
thể giúp chấn hưng các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Duy Xuyên.
* Chính quyền có cơ chế nào biệt đãi cho các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Công Dũng: Cơ quan cấp huyện không đủ thẩm quyền để ban hành cơ chế hay
chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Vấn đề của huyện là vận hành tốt các cơ chế,
chính sách của Chính phủ và tỉnh ban hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho
các nhà đầu tư. Đó là việc giải quyết thủ tục nhanh, hợp lý, thân thiện để họ
có thể tiến hành thuận lợi những cuộc thương thảo, làm ăn.
Tìm đâu nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hiện thực hóa ý tưởng
đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là bài toán khó giải của
Duy Xuyên. Tiềm năng chưa được đánh thức mạnh mẽ, ngay cả trên khu vực di sản
là chuyện đáng để suy nghĩ. Tất cả bắt đầu từ sự thiếu hụt kinh phí, vốn liếng
để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện
tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến ĐT 610. Đã có nhiều dự án quy hoạch mở
thêm đường song song ĐT 610, đường vòng thoát lũ từ QL 1A qua Duy Trung, xây
thêm cầu trên sông Trường Giang…Nhưng tất cả cũng vẫn chỉ còn trên ý tưởng.
Tiền ở đâu để đầu tư chính là câu hỏi mà địa phương vẫn chưa tìm thấy câu trả
lời. Tuy nhiên kiên trì với định hướng phát triển, chính quyền sẽ không ngồi
chờ đợi, mà sẽ tích cực vận động, vận dụng triển khai tốt các cơ chế chính sách
hỗ trợ của nhà nước, nhất là tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình mục
tiêu, vốn ngoài kế hoạch bố trí đầu năm, các nguồn vốn tín dụng và kêu gọi cộng
đồng, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng.
NAM KHA (thực hiện)