Thuê máy cày công suất lớn cải tạo ruộng đất, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, trợ giá giống lúa là những nỗ lực từ phía ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở huyện Duy Xuyên nhằm tiếp sức cho người dân trong vụ sản xuất đông xuân 2015 - 2016...
Tập trung dồn điền đổi thửa
Chính quyền thị trấn Nam Phước thuê máy làm đất loại lớn để giúp nông dân cải tạo đồng ruộng. Ảnh: THÀNH PHƯƠNG
Những ngày qua, trời đổ mưa liên tục kèm theo rét lạnh kéo dài nhưng trên các xứ đồng Bàu Tĩnh và Đồng Soai của thị trấn Nam Phước rộng hơn 48ha đang thực hiện dồn điền đổi thửa, 6 chiếc máy cày loại lớn vẫn khẩn trương làm đất. Trong khi đó, hàng trăm nông dân hăng hái vác cuốc ra đồng để cải tạo, chỉnh trang lại đồng ruộng và đắp bờ vùng, bờ thửa. Nghỉ tay uống ca nước chè xanh, lão nông Nguyễn Thế Cáng (ở khối phố Xuyên Tây 2) cho biết, lâu nay gia đình ông canh tác gần 6 sào lúa trên cánh đồng Bàu Tĩnh nhưng có đến 5 thửa ruộng. Vì thế, mỗi khi mang bình bơm đi phun thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cho lúa, ông mất hơn cả buổi công. Bây giờ, được dồn điền nên diện tích đất sản xuất lúa của ông Cáng gom lại còn 2 thửa, bình quân mỗi thửa hơn 1.400m2.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, trước đây toàn bộ số diện tích đất nông nghiệp ở 2 cánh đồng vừa nêu đều rất manh mún. Thửa ruộng dưới với thửa ruộng trên cách nhau khoảng 1 mét nên việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trên 2 cánh đồng ấy còn có 45 ngôi mộ, 6 khu vực bị sình lầy, rồi hệ thống giao thông nội đồng xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo cho việc vận chuyển vật tư sản xuất và đưa nông sản về nhà. Chính vì thế, UBND thị trấn Nam Phước quyết định thực hiện dồn điền đổi thửa toàn bộ diện tích đất lúa nêu trên. Đến nay, tất cả công đoạn đã cơ bản hoàn thành và hiện giờ 2 cánh đồng này chỉ còn lại 531 thửa ruộng, giảm gần 50% so với trước, bình quân mỗi thửa có diện tích xấp xỉ 800m2. Theo ông Hưng, cùng với việc tập trung dồn điền đổi thửa, chính quyền và nhân dân địa phương cũng tiến hành đào đắp 6 tuyến giao thông nội đồng với chiều dài 3,3km (nền đường rộng 3,5m), trong đó đã bê tông hóa được 80%. Đồng thời đắp 9 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 2,6km, trong số này đã kiên cố hóa được 1km. Tổng kinh phí thực hiện các phần việc trên là gần 4,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 140 triệu đồng, còn lại huy động từ các nguồn vốn khác.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, từ khi kết thúc vụ hè thu 2015 đến giữa tháng 12 dương lịch toàn huyện tiếp tục dồn điền đổi thửa hơn 380ha đất lúa, nâng tổng diện tích đã thực hiện khâu này lên gần 2.343ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Vinh, Duy Phước, Duy Trung và thị trấn Nam Phước. Tại những khu vực đã dồn điền đổi thửa, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống kênh tưới, giao thông nội đồng để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, những cơ quan có trách nhiệm chủ động đứng ra làm cầu nối để bà con nông dân liên kết với các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Qua đó, góp phần tăng 20 - 35% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích so với trước đây chưa thực hiện mô hình…
Trợ giá giống lúa
Theo ông Thái Minh Thứ – Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trinh, cách đây gần một tháng, ngoài việc vận động nhân dân ra quân diệt chuột và hỗ trợ thuốc sinh học Racumin đặt bả thì địa phương quyết định chi một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ 50% giá các loại giống OM 4900, BTE 1 nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng đối với nhà nông. Được biết, hiện giờ trên thị trường giống lúa OM 4900 có giá 13 nghìn đồng/kg, còn BTE 1 là 40 nghìn đồng/kg.
Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn huyện triển khai sản xuất hơn 3.800ha lúa, cơ cấu bằng các loại giống chủ lực như Xi23, Nhị ưu 838, OM 4900, BC15, BTE 1, HT1, Thiên ưu 8… Theo ông Năm, muốn gieo sạ hết số diện tích vừa nêu thì nhà nông cần ít nhất 290 tấn hạt giống lúa. “Để vụ mùa mang lại thắng lợi, thời gian qua chúng tôi liên tục phân công các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp xuống tận cơ sở tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, từ khâu làm đất, ngâm ủ giống đến cách diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh… Đặc biệt, UBND huyện đã quyết định hỗ trợ 50% chi phí mua hạt giống lúa Thiên ưu 8 cho nông dân ở các địa phương gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Trung, thị trấn Nam Phước. Cùng với đó, chúng tôi cũng sớm hoàn thành việc phân bổ 15 tấn lúa giống HT1 và 1 tấn giống bắp nếp HN88 do Trung ương hỗ trợ về 14 xã, thị trấn để kịp thời cấp phát cho người dân đưa vào sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 theo đúng khung thời vụ quy định” – ông Năm nói.
NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH