A+ A A-

Vinh danh tơ lụa Mã Châu

       Năm 2015, Tơ lụa Mã Châu được vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Sau nhiều nỗ lực, làng nghề Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước ) đã tìm được hướng đi cho mình.

         Hướng đến mặt hàng thành phẩm

     Sản phẩm tơ lụa Mã Châu tại Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam (Hội An). Ảnh: THIỆN HIỀN

    Làng dệt Mã Châu hiện có khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề dệt, trong đó chỉ duy nhất Hợp tác xã (HTX) Tơ lụa Mã Châu là còn giữ được dệt lụa tơ tằm truyền thống với 100% tơ lụa tự nhiên. Những năm trước đây, để duy trì sản xuất và giữ vững thương hiệu của làng nghề truyền thống, HTX buộc phải xuất vải lụa thô để xoay vòng vốn. Tuy nhiên, vải thô xuất ra với giá thành rất rẻ; trong khi đó các doanh nghiệp sau khi mua vải lụa thô sẽ gia công và biến đổi thành sản phẩm của họ, khiến cho thương hiệu Mã Châu trên thị trường tơ lụa giảm sút. Để thay đổi tình trạng đó, HTX quyết định không xuất bán vải lụa thô mà tập trung gia công, may cắt thành những sản phẩm cụ thể, hình thành cửa hàng bán lẻ, cung cấp trực tiếp sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng với thương hiệu lụa Mã Châu.

 

     Hiện nay, HTX đang có hai cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặt tại trụ sở HTX (thôn Châu Hiệp) và Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam (TP.Hội An), tạo điều kiện cho khách tham quan, mua sắm những mặt hàng tơ lụa Mã Châu. Đây cũng là một phần việc nằm trong đề án khôi phục làng nghề dệt Mã Châu, gắn kết hoạt động du lịch cộng đồng với việc sản xuất của làng nghề. Ngoài nhận những đơn đặt hàng tại chính HTX, việc kinh doanh buôn bán tại các cửa hàng cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Chị Trần Thị Anh Thư, nhân viên Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam cho biết: “Trong 12 mặt hàng được trưng bày ở đây, sản phẩm tơ lụa của làng nghề Mã Châu đứng đầu doanh số tiêu thụ. Các sản phẩm gồm có quần áo, khăn choàng, giày dép… có giá thành từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng tùy theo lượng tơ và kỹ thuật dệt. Các sản phẩm tơ lụa Mã Châu luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng đặt biệt là du  khách nước ngoài khi đến với nhà trưng bày”.

     Gắn kết du lịch

    Mặc dù tơ lụa Mã Châu đã tìm lại được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên HTX vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Yến - Phó Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu chia sẻ, hiện tại HTX có khoảng 16 xã viên tham gia sản xuất, có tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, để dệt được lụa tơ tằm truyền thống phải cần người có tay nghề cao. “Diện tích trồng dâu của HTX còn một héc ta, do đó nguồn tơ tằm chủ yếu lấy từ Lâm Đồng với giá thành cao. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà HTX đối mặt là thiếu nguồn vốn” - Bà Yến nói. Được biết, tổng số vốn để HTX duy trì sản xuất là không nhiều, lại gặp trở ngại trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi do thủ tục khó khăn, không đủ điều kiện thế chấp để vay ngân hàng. Trong khi đó, HTX lại không nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh. Để có được nguồn vốn, nhiều xã viên đang phải cầm cố sổ đỏ để HTX tiếp tục hoạt động. Cũng theo bà Yến, HTX đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng lớn nhưng lại không có khả năng sản xuất do thiếu vốn, nguồn nhân lực cũng như máy móc. HTX hiện rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn lẫn cơ chế, chính sách.

    Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng các mặt hàng tơ lụa Mã Châu vẫn duy trì chất lượng sản phẩm của mình ở mức tốt nhất. Gặp chúng tôi tại cửa hàng của HTX, chị Tăng Thị Phúc - một khách hàng thường xuyên sử dụng mặt hàng tơ lụa Mã Châu cho biết: “Các sản phẩm quần áo và khăn choàng làm từ tơ lụa Mã Châu có màu sắc và hoa văn rất đẹp, kiểu dáng lại phù hợp. Vải mềm, mát, sử dụng rất được, tôi và mấy người bạn cũng hay mua các sản phẩm tại cửa hàng này”.  So với việc xuất bán hàng thô, giá trị sản phẩm qua gia công của tơ lụa Mã Châu tăng gấp nhiều lần, khi ngày càng có nhiều người đến cửa hàng tại HTX và Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam để tham quan và mua sắm. Điều này cho thấy hướng đi đúng hiện tại của tơ lụa Mã Châu sẽ hứa hẹn giúp làng nghề thoát khỏi sự mai một, và hấp dẫn được người tiêu dùng, góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề, đồng thời tạo khả năng mở rộng du lịch trên địa bàn.

THIỆN HIỀN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19827634
Hôm nay
Hôm qua
10196
12811