Thuở sinh thời, Thống thủ Mạc Cảnh Huống là một vị tướng tài ba, một “cánh tay” đắc lực của nhiều đời chúa Nguyễn. Ông có công lớn trong việc bình Chiêm, mở rộng bờ cõi phía nam và được nhà Nguyễn ban sắc phong “Khai quốc công thần”. Thế nhưng đến nay, lăng mộ ông lại nằm khiêm tốn trong khu dân cư và chưa được công nhận di tích.
Thân vương nhà Mạc nhưng phò chúa Nguyễn
Mạc Cảnh Huống (1542 - 1677) tên húy Lịch, là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang. Quê gốc của dòng họ Mạc ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Theo gia phả, nhà họ Mạc (sau này đổi thành họ Nguyễn Trường) có con cháu sống tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Năm 1564, Mạc Cảnh Huống lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương - em ruột của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Như vậy, ông và chúa Nguyễn Hoàng là anh em “cột chèo”. Năm 1568, ông đưa gia đình vào đất Thuận Hóa. Sau khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa lần thứ 2 vào năm 1600, Mạc Cảnh Huống đã quyết định theo phò chúa Tiên. Từ đó, ông cùng Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phước Trị là 3 vị tướng đắc lực cho chúa Nguyễn Hoàng xây dựng cơ đồ nghiệp lớn tại đây.
Khu lăng mộ của Thống thủ Mạc Cảnh Huống nằm nhỏ hẹp trong khu dân cư.
Tuy nhiên, về thân thế của Mạc Cảnh Huống cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” do Viện Sử học xuất bản năm 1966 dựa theo tư liệu trong quyển “Lê triều thông sử” của Lê Quý Đôn, thì Mạc Đăng Doanh không có người con nào tên là Mạc Cảnh Huống. Nhưng khi so sánh thông tin giữa cuốn “Đại Nam liệt truyện tiền biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (được NXB Thuận Hóa biên dịch, xuất bản năm 1993) và gia phả nhà họ Mạc thì rất trùng khớp. Ông Nguyễn Trường Mười, hậu duệ đời thứ 15 của Thống thủ Mạc Cảnh Huống giải thích: “Tên gốc của thủy tổ có lẽ đã được chính bản thân cụ đổi để tránh những phiền phức khi đưa gia quyến vào nam và sau này là theo phò chúa Nguyễn Hoàng”.
Những chiến công hiển hách
Theo bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trong tạp chí “Nghiên cứu lịch sử” của Viện Sử học Việt Nam, triều Nguyễn đã đánh giá rất cao những đóng góp của Thống thủ Mạc Cảnh Huống trong việc xây dựng triều đại này ở thời kỳ ban đầu. Chính vì vậy mà sau khi vừa lên ngôi, ngày 24.12.1907, vua Duy Tân đã ban sắc phong “Khai quốc công thần - Thượng đẳng thần” cho Mạc Cảnh Huống.
Còn theo GS-TS. Phan Đăng Nhật viết trong cuốn Nhà Mạc và Họ Mạc (NXB Dân Trí), từ năm 1600 - 1638, Mạc Cảnh Huống là người có quyền chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Ông có công rất lớn trong việc đối phó với nhà Trịnh ở phía Bắc và bình Chiêm ở phía Nam. Năm 1621, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bộ tộc Man ở Ai Lao thường xuyên tổ chức cướp bóc, quấy rối tại khu vực biên giới phía tây, Mạc Cảnh Huống đã có những chính sách hòa bình để bình định, yên dân. Sau đó, ông còn góp phần vào chiến thắng quân Trịnh lần thứ nhất, do danh tướng Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế chỉ huy 5.000 quân đánh vào Đàng Trong (năm 1627). Lần thứ hai, đội quân do ông chỉ huy ngăn chặn được sự tấn công của quân Trịnh vào năm 1633.
Dưới thời các chúa Nguyễn, quân đội Đàng Trong khá lớn mạnh. Và Thống thủ Mạc Cảnh Huống với tư cách là tổng chỉ huy lực lượng quân đội lúc bấy giờ cũng góp công lớn vào sự hùng mạnh của quân đội. Tương truyền, qua thời gian dài đúc kết kinh nghiệm, tích lũy nhiều phương pháp tác chiến, Mạc Cảnh Huống đã biên soạn một quyển sách về thuật dùng binh gọi là “Binh thư trận đồ”. Rất tiếc, cuốn sách này cho đến nay đã bị thất lạc.
Mộ phần nhỏ hẹp
Theo gia phả nhà họ Nguyễn Trường, tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương và của Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, Thống thủ Mạc Cảnh Huống phục vụ Đàng Trong cho đến năm 1638, lúc bấy giờ ông đã 96 tuổi, dưới thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, ông xin được từ quan để toàn tâm toàn ý cho việc tu hành. Ông chọn làng Trà Kiệu, huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam (nay là thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) để định cư và trở thành thủy tổ của họ Mạc tại đây. Năm 1667, khi đã ở tuổi 125 (?), ông cho trùng tu ngôi chùa trên đồi Bửu Châu (nay là phần đất của Trung tâm thánh mẫu Trà Kiệu). Sau đó, ông trở thành trụ trì của ngôi chùa này và lấy pháp danh là Thuyền Cảnh Chân Tu. Thực hiện nghiêm chỉnh nhiều phương pháp tu hành, ăn uống theo nhà Phật, ông Mạc Cảnh Huống đã hưởng thọ tới 135 tuổi(?) rồi viên tịch. Nhờ những chiến công của ông lúc còn phục vụ các chúa Nguyễn và đức độ khi tu hành, người dân địa phương hết sức kính nể ông và đặt lăng mộ ông trong vườn chùa Bửu Châu. Đến năm 1927, những nhà khảo cổ học thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ tiến hành khai quật các nhà thờ Ấn Độ giáo và thành Trà Kiệu nên đã xin triều đình nhà Nguyễn cho dời mộ về hướng nam khoảng 200m, tức địa điểm dưới chân đồi Bửu Châu.
Hiện tại, khu lăng mộ của Thống thủ Mạc Cảnh Huống còn có mộ phần của vợ và 3 mộ khác là của con và cháu ông. Tuy nhiên, khu lăng mộ chỉ rộng chưa tới 50m2 và nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Theo ghi nhận, ngoài phần nền được láng xi măng, mọi nơi khác đều um tùm cỏ mọc, người dân sống xung quanh đó còn mang củi, rơm ra chất đống trong khu mộ. “Điều đáng buồn nhất là đến hiện tại chỉ có con cháu đời sau trong gia đình biết đến thân thế và lịch sử của cụ còn lại phần lớn người dân ở đây thì không. Chính vì thế mà họ đã có những việc làm xâm phạm đến khu lăng mộ của cụ khiến chúng tôi phải thường xuyên đến nhắc nhở, can ngăn” - ông Mười cho biết.
Theo thông tin từ phòng Văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên, những năm qua, đơn vị này cũng rất trăn trở về vấn đề tìm kiếm các nguồn tư liệu chính xác về Thống thủ Mạc Cảnh Huống. Vì đây là nhân vật còn nhiều điều chưa rõ, nên phải tốn rất nhiều thời gian Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên mới hoàn tất cơ bản thông tin về ông. “Vừa qua, chúng tôi đã gửi hồ sơ và thông tin ban đầu về Thống thủ Mạc Cảnh Huống cho Sở VH-TT&DL để xem xét và xin được làm hồ sơ đầy đủ về việc công nhận khu lăng mộ của ông là di tích cấp tỉnh” - bà Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết thêm.
Phan Vinh