Tôi nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên gặp cụ Trần Thận vào một ngày hè năm 2013 khi lãnh đạo cơ quan phân công tôi tới gặp để hỗ trợ đánh máy các tài liệu viết tay của cụ. Đó là hình ảnh cụ lật từng trang tài liệu, thư từ của chính mình với một sự tha thiết, cẩn trọng khi nói về Đảng, về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và cả những điều riêng tư của gia đình.
Năm 2017, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ chụp hình lưu niệm cùng đồng chí Trần Thận và lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: V.HÀ
Đó là hình ảnh một lão thành cách mạng luôn sống với lời nói thẳng, việc ngay, tất cả vì việc chung, luôn trân trọng đồng chí, đồng bào đã từng che chở mình qua hầu hết các thời kỳ đấu tranh cách mạng kể từ cuộc vận động cách mạng tháng Tám từ năm 1939. Cụ là hình ảnh mẫu mực hết lòng vì Đảng, một đời vì Đảng, vì dân.
Người cán bộ lãnh đạo kiên trung
Qua các chặng đường kháng chiến, đồng chí Nguyễn Đình An - nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà, có cảm nhận về cấp trên của mình như sau: “Sau một thời gian ngắn được cộng tác với anh Thận, tôi nhận ra anh là một nhà lãnh đạo đầy suy tư. Đành rằng người lãnh đạo nào cũng phải là người có suy nghĩ vượt trội để từ đó có những nhận định, những quyết sách sát đúng. Nhưng ở anh là một sự suy nghĩ thường được đẩy tới cùng. Từ thực tiễn cuộc chiến đấu phong phú sôi động, từ những chỉ thị của cấp trên mà anh phải tuân thủ triển khai, từ những diễn biến của tình hình năm châu bốn biển xa vời nhưng có khi tác động với công việc của mình, anh đã suy nghĩ tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi lớn, vấn đề lớn lúc ấy là làm thế nào để đánh Mỹ, thắng Mỹ”.
Đặc Khu ủy Quảng Đà họp thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng (24.3.1975). Ảnh tư liệu
Đồng chí Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà, người gần gũi đồng chí Trận Thận cảm nhận: “Anh Thận có quan điểm lập trường kiên định, sâu sát thực tế và suy nghĩ rất chín chắn, chỉ đạo nhạy bén, sắc sảo. Anh có một phong cách độc đáo, là bài học cho lớp cán bộ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ, là thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ. Trong chỉ đạo chiến tranh ở một địa phương mà địch tập trung đánh phá rất ác liệt, căng thẳng, anh cũng không ngừng nghiên cứu những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng ở miền Nam, tự mình suy nghĩ tìm tòi những sáng kiến, bước đi phù hợp để phát triển phong trào, mở rộng tư duy kiến thức. Anh xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo kiên trung của Đảng ở địa phương, đóng góp công lao to lớn trong chiến tích của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên Thường vụ Đặc Khu ủy chia tay đồng chí Trần Thận - Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà để hành quân về hướng đông thành phố. Ảnh tư liệu
Những lá thư tâm huyết
Sau hơn 5 năm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (10.1975 - 1.1980), đồng chí Trần Thận được Ban Bí thư điều động về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra, sau đó là Phó Chủ nhiệm Thường trực. Chuyển từ lãnh đạo trong chiến tranh sang lãnh đạo trong hòa bình, xây dựng đất nước, với trách nhiệm được giao, với bản chất của người con xứ Quảng, đồng chí có nhiều đề xuất và việc làm cụ thể nhằm góp phần xây dựng ngành Thanh tra Nhà nước ngày một đáp ứng yêu cầu, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.
Điểm đặc biệt là trong những năm làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Thanh tra Chính phủ (1990 - 1992), đồng chí liên tục có những lá thư đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ cần có các giải pháp mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và chống tham nhũng trong bối cảnh phức tạp, khó khăn.
Trong thư gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư và đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) ngày 22.3.1990, đồng chí kiến nghị: “Đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, trong nhân dân phải quy định một cơ chế chính trị của Đảng lãnh đạo sao cho phù hợp với tình hình mới. Tôi đơn cử ví dụ: phải thay đổi cơ chế lãnh đạo bằng quyền lực sang cơ chế trí tuệ và sự gương mẫu (đức + tài), do vậy phải tính lại cơ chế hiện nay. Cứ sau mỗi kỳ đại hội những ai được cử vào cấp ủy là người ấy đương nhiên sẽ làm bộ trưởng, giám đốc, bí thư...; phải chăng cơ chế này tạo cho cán bộ, đảng viên một sự tha hóa, cơ hội, nịnh bợ để được vào cấp ủy và khi đã vào cấp ủy rồi thì y như mình là con của Thánh Gióng”.
Hay như trong thư gửi các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ngày 25.6.1990, đồng chí đề xuất một nội dung về chống tham nhũng: “Trước hết, cần đặt chống tham nhũng thành một nhiệm vụ cấp bách nhằm chặn đứng cho được tệ nạn này, bảo vệ có hiệu quả của cải của Nhà nước, đưa đủ, đưa đúng tiền, vật tư vào sản xuất; gắn với mục tiêu chiến lược xây dựng con người xã hội chủ nghĩa mà Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng chứ không phải ai khác phải là Bộ chỉ huy. Chỉ có đặt nhiệm vụ này đúng tầm quan trọng của nó và về chỉ đạo, phải thật kiên quyết, tiến công mạnh mẽ không khoan nhượng mới hy vọng đem lại kết quả”.
Hội nghị hai Ban Chấp hành Tỉnh ủy Quảng Đà và Quảng Nam bàn việc hợp nhất bộ máy tổ chức hai tỉnh (29.9.1975). Ảnh tư liệu
Về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trong thư gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh và Tiểu ban nhân sự Trung ương ngày 24.5.1991, đồng chí nêu rõ một thực trạng và kiến nghị: “Để thực hiện thắng lợi chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong khúc quanh lịch sử hiện nay, điều quan trọng hiện nay là phải có một đội ngũ cốt cán có phẩm chất và năng lực, đó là điều mà cả nước đang quan tâm. Tôi cũng như nhiều đồng chí khác là lớp người tham gia trước cách mạng tháng 8.1945, muốn đất nước phồn vinh theo con đường của xã hội chủ nghĩa, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Muốn thực hiện được nó thì phải có “con người xã hội chủ nghĩa”. Mong rằng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần này định rõ thế nào là con người xã hội chủ nghĩa cùng với những tiêu chuẩn cụ thể của nó”.
Hy sinh tình riêng vì cái chung
Từ năm 1992, khi về hưu, đồng chí trở về đời thường nhưng với sức lực còn lại, nặng tình với quê hương, trách nhiệm của người đảng viên đã vào sinh ra tử, đồng chí có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là lĩnh vực xây dựng Đảng, biên soạn lịch sử truyền thống.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí Trần Thận đặt câu hỏi: “Cần phải làm gì, làm như thế nào để Đảng ta, chế độ ta trường tồn, giữ vững hòa bình, độc lập, xây dựng được một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, để nhân dân luôn sống trong cảnh thái bình, thịnh vượng. Nói như thời xưa, thấy của rơi ngoài đường không lượm cất giấu, nhà cửa ban đêm không phải cửa đóng then cài. Tôi nói như vậy có thể có nhiều người cho là không tưởng. Nhưng phải phấn đấu cho được một xã hội không tưởng như vậy mới là hạnh phúc”. Đồng chí luôn đau đáu nỗi lo như vậy!
Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Thận vào tháng 3.2021. Ảnh: V.HÀ
Có một câu chuyện có tính riêng tư trong thời gian đồng chí làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà được đồng chí Nguyễn Văn Dương - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên lúc bấy giờ kể lại như sau: “Vào giữa năm 1973, Đặc Khu ủy Quảng Đà họp tại căn cứ Hòn Tàu, giao liên đem bức thư chị Trung (vợ anh Trần Thận) từ miền Bắc gửi vào. Anh xem xong rồi chuyển cho mọi người xem thoải mái. Trong thư có đoạn: “Ông Thận! Cách mạng miền Nam là của Đảng, của nhân dân cả nước chứ đâu phải của riêng ông, ông bỏ tôi vò võ ngoài này cho đến già làm sao tôi sinh nở, hay ông chỉ biết cách mạng mà quên mất vợ con...””. Xem thư, anh Phan Hoan nói đùa: “Tại ông thiếu trách nhiệm, mình không có điều kiện gần gũi vợ con thì gửi gắm bạn bè ngoài đó, để bả đơn lẻ một mình không những một, hai năm mà gần 20 năm, bả trách ông là phải rồi”. Câu chuyện lúc đó rất bình thường, nhưng càng về sau mới thấy sự hy sinh tình riêng, sự xa cách vợ - chồng của đồng chí Trần Thận lớn lao biết bao nhiêu.
Trong thư gửi con gái (chị Liên) ngày 8.3.1992, đồng chí tâm sự: “Ngồi lại bàn viết thư, ba mới nhớ ra hôm nay là ngày 8.3. Nhân ngày thiêng liêng của nữ giới, ba có lời chúc hai má con dồi dào sức khỏe. Phần con, ba chúc con học giỏi. Còn má con, ba rất mong nhân Ngày truyền thống của Hai Bà, khắc phục tâm lý bất mãn và đừng quá bi quan quá với thời cuộc... Ba sẽ còn viết tiếp cho con nhiều chuyện nữa. Con đã bước vào tuổi thành nhân hơn một năm, con đang ngồi ghế nhà trường. Con đã đọc và còn phải đọc nhiều nữa và phải tranh thủ tích lũy để khi ra đời có được nhiều hữu ích cho xã hội hơn ba, má. Đó là điều mong muốn của ba má. Chúc con khỏe. Hôn con!”.
Nhiều khi vì quá bận tâm đến thời cuộc, đất nước mà chúng ta - những người ngoài cuộc không rõ hết những tâm sự của tình riêng, nhưng có một điều chắc chắn rằng trong thâm tâm đồng chí Trần Thận luôn đầy ắp tình cảm đối với người thân, bạn bè.
Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Thận được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ngày 26.6.2009, đồng chí vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
VÕ HÀ