A+ A A-

Người nặng lòng với dân

             Ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà vừa từ biệt chúng ta, để tưởng nhớ ông, tôi kể lại hai câu chuyện: một, trong chiến tranh và một, trong ngày Hòa bình.

          Ông Trần Thận (bên trái) - vui cùng đồng đội cũ trong ngày khánh thành Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà - năm 2017.

Ông Trần Thận (bên trái) - vui cùng đồng đội cũ trong ngày khánh thành Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà - năm 2017.

          1. Vào giữa tháng 7 năm 1966, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà xuống núi về thôn Phú Xuân, xã Lộc Quý (nay là xã Đại Thắng, Đại Lộc). Cơ quan Tỉnh ủy đang đóng ở nhà ông Giảng gần cầu ông Nở. Bấy giờ cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà đóng ở nhà ông Đen cạnh nhà ông Nở. Mở Đài phát thanh, nghe Bác Hồ đọc lời kêu gọi: ‘‘Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

          Ông Trần Thận bảo ông Ngô Xuân Hạ - người vừa thay ông Trần Thận, phụ trách Tuyên huấn và Báo Giải phóng Quảng Đà, ghi âm lời kêu gọi của Bác Hồ, để làm tài liệu học tập, phát động căm thù giặc Mỹ leo thang chiến tranh, Ban Tuyên huấn phối hợp với báo in nhiều khẩu hiệu ‘‘Không có gì quý hơn độc lập tự do’’, phát cho cán bộ và dân vùng giải phóng. Cán bộ thì đeo khẩu hiệu trên ống tay áo, còn dân thì treo khẩu hiệu trước nhà mình… Nhà bị địch đốt thì treo ngay trước miệng hầm! 

          Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận (bên trái) gặp lại cộng sự một thời làm việc tại Đặc khu ủy. Ảnh tư liệu

Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận (bên trái) gặp lại cộng sự một thời làm việc tại Đặc khu ủy. Ảnh tư liệu

          Hôm ấy, ông Trần Thận kể: “Tôi đi với anh Hứa Tiến Nam, nguyên là Huyện đội trưởng Điện Bàn, tỉnh rút lên làm cán bộ dân quân, có chị Tâm là Hội trưởng Hội Phụ nữ Điện Bàn cùng đi. Khoảng hơn 7 giờ tối, chưa bò qua được quốc lộ 1 thì bị Mỹ phục, may không ai chết, phải chạy quay lại, về bãi bói ở Điện Phong, bụng nghĩ, không biết có kẻ chỉ điểm không mà cơ quan của văn phòng đi đến đâu thì pháo địch bắn đến đó. Tôi và anh Nghinh hai lần thoát chết: Một lần, đang đi thì bị pháo bầy chụp ngay trên đầu. Một lần bị địch càn, chỉ huy địch đóng ngay trên nóc hầm bí mật”.

          Do địch luôn theo dõi và đánh phá ác liệt, vì vậy cơ quan Văn phòng của Tỉnh ủy phải thường xuyên di chuyển, đã từng đóng quân ở các xã đồng bằng của Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, và cả Quế Sơn và di chuyển lên vùng ranh núi Đại Lộc, Hòa Vang, Quế Sơn, trong dãy Hòn Tàu - Mặt Rạng thuộc Duy Xuyên. Trước đó mấy ngày, anh Phước (Hồ Nghinh) đi công tác ngoài Điện Hòa gặp cơ sở từ thành phố ra để thăm và truyền đạt tình hình, nhiệm vụ, nhưng cũng quay về Gò Nổi. Anh Nghinh kể chuyện đi đường gặp bà Diệu ở Xuân Đài.

          Anh Nghinh hỏi bà Diệu: Tết chúc chị gì đây?

          Bà Diệu cười, nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

          Anh Nghinh rất vui, nói thắng giặc Mỹ thì nhất định sẽ có độc lập tự do!

          Khi ở xa nhau, trong một bức thư, ông Trần Thận viết cho ông Hồ Nghinh, có đoạn:

‘‘…Ôn lại chặng đường của 21 năm kháng chiến chống Mỹ… anh em chúng ta không chỉ qua mười cửa tử mà là trăm, ngàn cửa tử, nhưng may thay chúng ta thoát được trăm ngàn cửa tử để tồn tại và được đoàn tụ với gia đình. Và, đến hôm nay ta vẫn còn có mặt trên đời này để còn nghe nhìn thế sự… Đi liền với cái thiện ‘‘độc lập’’ còn phải có cái thiện ‘‘cơm no’’, ‘‘áo ấm’’, ‘‘công bằng’’ và ‘‘văn minh’’ cho mọi người. Con đường phấn đấu cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành là con đường gian truân…’’.

          2. Sau ngày hòa bình, trong một chuyến đi về khu Tây Duy Xuyên, tôi tháp tùng ông Trần Thận, được dịp ghé thăm các gia đình cơ sở, thăm và tặng quà cho các bà mẹ đã từng nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng, được nghe nhiều chuyện thâm tình giữa bà con với cách mạng. Sau khi thăm các anh chị ở Đảng ủy xã, hỏi thăm người này, người nọ, ai còn ai mất thì ông Trần Thận vào thăm bà Mười. Mấy anh gọi là bà Mười Hợi, ở làng Mỹ Sơn.

          Vừa bước vào nhà, ông Trần Thận vỗ vai bà Mười, chào:

          - Chị Mười nhớ ai đây không?

          Đang ngồi trên giường ngoáy trầu, bà Mười ngước lên nhìn ông Trần Thận. Ngờ ngợ chừng ba giây thì bà mừng rỡ, liền đứng dậy nắm cả hai tay ông Trần Thận, lắc lắc:

          - Ông Thận chớ ai! Ông Thận - Cát mà không nhớ thì nhớ ai!

           Bà Mười kéo ghế mời ông Thận ngồi, vừa vui vừa lúng túng vì bất ngờ có khách quý đến nhà. Bà Mười có ý trách nhẹ:

          - Chỉ sợ mấy anh không nhớ bọn này!

          - Không nhớ mà lặn lội từ Đà Nẵng lên đây thăm chị - ông Thận cười đôn hậu, nắm tay bà Mười.

          - Bây chừ, có xe thì đi mô không tới, có điều… muốn đi hay không… - vừa nói, bà Mười đưa mắt nhìn, chào từng người.

          Chị Mười ơi! - ông Thận gọi thân mật như đã từng gọi - Mỳ Quảng chớ?

          - Ở lại thì mỳ chớ sợ chi!

          - Lấy chi làm nhưn?

          - Gà. Gà biết mấy! Ở đây không có gà dịch đâu mà sợ. Mà, ở lại không? - bà Mười nắm tay ông Thận hỏi chân thành.

          Ông Thận thử xem bà Mười có còn nhiệt tình như hồi xưa không, chứ đãi bữa mỳ Quảng đối với bà Mười cũng như bà con ở Khu Tây Duy Xuyên thì, bà con lấy làm cuộc vui, ăn nhằm chi. Biết tấm lòng của bà Mười, hỏi mỳ Quảng là muốn nhắc lại những ngày gian khổ, nhiều kỷ niệm, ông Thận muốn nói với bà Mười, với bà con rằng, anh em cán bộ kháng chiến không khi nào quên những bữa ăn bà con mời anh em với tấm lòng của người chị, người mẹ.

          Ông Thận nắm chặt bàn tay gầy gò của bà Mười:

           - Nói thật, lên thăm, có chị ở nhà, mạnh khỏe là mừng rồi! Thời gian có ít, nghỉ hưu rồi, đi đâu phải mượn xe, phải thăm nhiều người, chị thông cảm.

          Ông Thận lấy trong túi áo đưa cho bà Mười cái phong bì (tôi biết trong mỗi phong bì có 100.000 đồng), tiền của Đảng tặng cho những người có công với cách mạng.

          Bà Mười xúc động, nắm cứng tay ông Thận. Trong khi họ nói chuyện, hỏi thăm nhau, tôi nghe:

          - Chị nhận được chi rồi?

          - Đó, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng - Bà Mười chỉ lên tường. Trên tường có nhiều khung hình, nào bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến…

          - Còn sinh hoạt chi bộ không?

          - Xin nghỉ rồi. Con mắt yếu quá, tối đi không thấy đàng.

          - Được mấy đứa?

          - Có đứa con gái trùm trủm, hai vợ chồng hắn ở với tui, ngày làm ở Xí nghiệp Sứ La Tháp, tối về đây, không thì làm răng. Già rồi, đêm hôm...

          - Chị có lương hưu chớ?

          - 600 ngàn đồng. Cũng khá.

          - Có chi thêm không?

          - 150 ngàn đồng thương binh.

          - Cộng hai cái lại thì tạm đủ không?

          - Ừ, ăn thì đủ. Ăn không thì cũng không hết. Già rồi, ăn bao nhiêu. Nhà quê cũng dễ, khoai, sắn, rau, mắm rẻ rề. Có điều đau miết - bà Mười bóp bóp hai bàn tay, rồi đưa tay xuống bóp hai cái bàn chân - Tay chân chi cũng tê. Hồi trước, sức khỏe rứa, đi mô cũng tới, lội suối, leo núi, chừ thấy yếu xìu.

          Lúc mới vào nhà, trong câu chuyện, tôi nghe bà nói có đứa con gái? Hỏi ra, thì thế này: Ông Trần Sô, tuổi Tân Dậu - 1920, là chồng bà Mười Hợi. Năm 1957, ông Trần Sô được ra miền Bắc. Từ ngày chia tay chồng, bà Mười Hợi là cơ sở hợp pháp, bị lộ bà thoát ly làm cán bộ của Huyện ủy Duy Xuyên.

          Hơn 20 năm sau, ông Trần Sô mới về lại quê nhà. Lần đầu tiên về quê, quà ông tặng cho cô Mười là... cô con gái của bà vợ hai! Đứa con gái mà cô Mười nói hôm ông Trần Thận đến thăm, chính là đứa con của ông Trần Sô, với bà hai ngoài Nông trường Nông Cống!

          Sau đó, vài năm ông lại về thăm bà, mỗi lần về ông dẫn theo một đứa con. Thăm vợ mươi ngày, nửa tháng thì ông gởi con cho bà, ra Bắc. Thấy chồng vất vả với bầy con, đời sống quá khó khăn, cô Mười nói với chồng, còn đứa mô đem hết con về cho bà nuôi giúp. Thế là ông lần lượt đưa cả vợ hai và bầy con, tất cả 6 người về hành... cô Mười!

          Khi biết chuyện này, một lần tôi kể lại cho ông Thận. Ông Thận đăm chiêu một lúc, rồi nói: “Bà Mười tốt không ai bằng! Tốt quá thành cực cả đời. Hồi chồng ra Bắc, bả lo cái ăn, cái ở cho cán bộ, chiến sĩ. Khi chồng về, già hết rồi, lại lo cho con của chồng”!

          Một lúc, ông lại nói: “Quê mình, thời kháng chiến, có bà mẹ nào nuôi giấu cán bộ mà không khổ! Mà, đâu chỉ khổ, khổ không ai bằng, mà còn phải bị tra tấn, tù đày, nhà tan, cửa nát. Phải biết ơn bà con! Nói như ông Nghinh thì phải đội ơn bà con!”.

 HỒ DUY LỆ

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19814103
Hôm nay
Hôm qua
9476
8748