Vùng đất Duy Xuyên có nhiều sông chảy qua, gồm sông chính Thu Bồn và các nhánh sông khác, tạo thuận lợi cho sản xuất và buôn bán ven sông. Ở Duy Xuyên xưa từng vang bóng những bến sông giao thương sầm uất cùng ghe bầu đi tứ xứ…
Bến Chợ Củi xưa - nay nằm ngay chân cầu Châu Lâu. Ảnh: T.T
Thị tứ, bến chợ
Từ thời Champa, vùng đất cổ Duy Xuyên đã từng tồn tại hệ thống liên kết miền ngược - miền xuôi và trao đổi ven sông Thu Bồn, góp phần kiến tạo sự phát triển thịnh vượng của vương quốc cổ này.
Đến thời các chúa Nguyễn Đàng Trong, Duy Xuyên là một dải đất chạy men theo bờ nam sông Thu Bồn, trải dài từ núi Hòn Tàu đến cửa Đại Chiêm.
Duy Xuyên phát triển nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng một thời như trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nghề làm chiếu, làm gốm, đóng ghe thuyền, khai thác lâm, hải sản...
Thu Bồn và các nhánh sông nội địa là mạng lưới giao thương đường thủy tiện lợi nối từ nguồn đến biển để Duy Xuyên phát triển nghề buôn bán, dịch vụ gắn liền với những chiếc ghe buôn.
Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An, Duy Xuyên còn có đầm Trà Nhiêu, với chức năng là tiền cảng của phố Hội hay đúng hơn là của cả mạng lưới buôn bán rộng lớn xứ Quảng. Đây là nơi dừng đậu của tàu thuyền ngoại quốc từ khá sớm, muộn nhất cũng vào thế kỷ 17 và duy trì trong một thời gian khá dài, ít nhất cũng đến cuối thế kỷ 19.
Trà Nhiêu, Bàn Thạch không chỉ là nơi dừng đậu của tàu thuyền mậu dịch mà những thị tứ - bến chợ phát triển mạnh mẽ từ khá sớm, thể hiện qua sự có mặt khá đông của cư dân làng Minh Hương chuyên về hoạt động thương nghiệp.
Cũng theo ông An, một thời nghề buôn bằng ghe thuyền đã diễn ra sôi nổi ở nhiều bến chợ, thị tứ của Duy Xuyên với các địa chỉ như Trà Nhiêu, Hồng Triều, Bàn Thạch, Nồi Rang, Chợ Chùa, Thi Lai - Hà Mật. Hoạt động này đã kết nối mạng lưới buôn bán trên nguồn dưới biển, góp phần không nhỏ tạo nên sự hưng thịnh một thời của thương cảng quốc tế Hội An và sự giàu có của xứ Quảng.
Phát huy thế mạnh địa phương
Trước đây ghe buôn là phương tiện vận tải, buôn bán quen thuộc trên các tuyến giao thông đường thủy nối liền giữa miền xuôi và miền ngược xứ Quảng, nối liền giữa xứ Quảng với các thị tứ, cảng thị ở các vùng miền trong nước và giữa xứ Quảng với các nước trong khu vực.
Các đoàn thuyền buôn, ghe buôn này có sự tham gia đông đúc của những ghe buôn từ các địa phương thuộc vùng đất Duy Xuyên với các bến gốc khá nổi tiếng như Hồng Triều, Nồi Rang, Chợ Chùa, Trà Nhiêu, Bàn Thạch.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra mô hình kinh tế hợp tác tại
Duy Xuyên
Duy Xuyên quyết tâm hoàn thành vượt các chỉ tiêu
Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt trong bài “Ghe bầu Duy Xuyên” cho biết: “Là chợ lớn nên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Bàn Thạch đã xuất hiện nhiều hộ giàu có, dư của ăn của để như các ông Trưởng Sử, Chánh Hàn, Viên Nhiều, Thông Năm, bà Hai Hoạch...
Họ đều sắm ghe bầu riêng sẵn sàng chở hàng đi các nơi. Mỗi người có thế mạnh riêng, kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định. Như bà Hai Hoạch mạnh về kinh doanh nước mắm, ông Viên Nhiễu chủ yếu mặt hàng chiếu cói, ông Chánh Hàn buôn nhiều thứ từ nước mắm đến bán gạo, bắp, chiếu lác, vải vóc và một số mặt hàng khác. Ở Hồng Triều cũng có ghe bầu của các ông Cửu Lực, Lê Khanh, Lê Hiên, Nguyễn Hoàng...”.
Một số nguồn tư liệu cho biết trước đây ở Nồi Rang cũng có nhiều ghe buôn, ghe bầu trong đó có nhiều chủ ghe là người địa phương như các ông Giáo Như, Cửu Thâm. Tại bến Chợ Chùa cũng vậy, có nhiều ghe bầu, ghe buôn mà chủ ghe là người tại chỗ. Một số người ở đây từng theo ghe bầu, đi buôn tận Nam Vang, Thái Lan như các ông Năm Thuấn, Lê Bồn, Lê Mộ...
Cũng cần nói thêm rằng ghe bầu là loại ghe buôn lớn, chủ yếu dùng buôn đường dài và bằng đường biển. Ngoài ra còn có các loại ghe săn, ghe mui nhỏ dùng buôn đường ngắn tại các thị tứ, bến chợ nội tỉnh, trong đó có loại gọi là ghe nguồn, chuyên gom hàng từ các ngõ nguồn vùng núi phía tây Duy Xuyên.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh giá trị văn hóa, những giá trị về giao lưu thương mại nội vùng và quốc tế cũng cần được huyện Duy Xuyên bảo tồn và phát huy.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Anh Đào - Trường Đại học Khoa học Huế cho rằng có nhiều cách thức nhưng trước hết phải phát huy những sản vật địa phương, tạo thành hệ thống lưu thông không chỉ đường bộ mà còn đường sông nước.
Cùng những hoạt động buôn bán các đặc trưng vùng miền như sản vật địa phương để làm lưu niệm, cần kết hợp những tour du lịch qua chợ Củi, mua bán bằng thuyền trên sông Bà Rén và Thu Bồn, xuôi dòng về Hội An.
Du khách có thể tham quan những di tích đình làng, đền miếu, những đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương. Chưa kể, họ còn có thể cảm nhận được sự kỳ thú khi xem làng quê nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với những nà bắp, biền dâu trù phú, những hàng tre, những xóm vạn đò tỏa khói hư ảo...
Dừng chân ở bến sông, du khách đi bộ lên bờ vào một chợ quê mua trái cây, bắp luộc, bắp nướng, ăn mỳ Quảng hay được thưởng thức những làn điệu dân ca trữ tình, mang nghĩa tình sông nước...
Trương Tâm Thư