A+ A A-

Hội thảo khoa học kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên

          Sáng nay 30/6, UBND huyện Duy Xuyên phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”, nhân chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).

          Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.T

          Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên toàn quốc tham dự hội thảo.

          Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhắc lại lịch sử 420 năm danh xưng Duy Xuyên. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã lập ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Giáp Thìn 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên. Kể từ thời điểm đó danh xưng hành chính huyện Duy Xuyên chính thức ra đời.

          Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hóa, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và lịch sử dân tộc, trở thành vùng đất giàu các giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống bậc nhất của tỉnh Quảng Nam.

          “Năm 2024 đánh dấu chính thức 420 năm (1604 - 2024) sự ra đời của danh xưng và sự phát triển của vùng đất Duy Xuyên.

          Nhìn lại chặng đường hơn 420 năm danh xưng Duy Xuyên, trong sâu thẳm mỗi người dân Duy Xuyên luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Duy Xuyên tươi đẹp như ngày nay. Và đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hơn hệ giá trị của vùng đất, con người Duy Xuyên; về những đóng góp của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử tỉnh Quảng Nam nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển huyện Duy Xuyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

          Trong hội thảo này, chúng tôi mong các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý phân tích, thảo luận, nghiên cứu, đưa ra những nhận định giúp cho huyện có thêm nhiều tài liệu, tư liệu quý, những luận cứ khoa học dựa trên những nguồn tài liệu mới, tư duy mới và các góc nhìn, cách tiếp cận mới để nhận diện và tiếp tục làm sáng tỏ thêm vai trò lịch sử, văn hóa, giá trị của vùng đất, con người Duy Xuyên trong diễn trình 420 năm danh xưng Duy Xuyên.

          Kết quả của hội thảo sẽ là động lực to lớn để Duy Xuyên tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời khuyến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực... góp phần đưa Duy Xuyên phát triển nhanh và bền vững” - ông Cảnh nói.

         

 Không gian trưng bày “Vùng đất Duy Xuyên qua di sản tư liệu Hán Nôm”. Ảnh: T.T

          Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS. Lưu Trang - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, hội thảo này là diễn đàn công bố kết quả nghiên cứu về các vấn đề về lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội và con người của vùng đất Duy Xuyên, cũng như đánh giá vị trí, vai trò của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc.

          Với sự hưởng ứng nhiệt thành của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở khắp cả nước, ban tổ chức hội thảo đã nhận được 118 tham luận của 250 tác giả đến từ gần 60 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý khoa học...

          Đến nay, với quá trình thẩm định, phản biện nghiêm túc, chất lượng, cùng với giới hạn về dung lượng của sách kỷ yếu, ban tổ chức đã lựa chọn 49 bài báo (chiếm tỷ lệ 40%) in trong sách kỷ yếu hội thảo khoa học xuất bản có chỉ số ISBN.

          Các kết quả của hội thảo tập trung vào 4 nhóm nội dung chính là lịch sử mở đất, lập làng và dòng họ; lịch sử đấu tranh và bảo vệ Duy Xuyên; lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế; thành tựu văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo.

          “49 công trình nghiên cứu 4 lĩnh vực nêu trên được đưa vào sách kỷ yếu đã đem lại nhiều kết quả mới, có giá trị thực tiễn và khoa học. Mỗi công trình có thể có những đóng góp khác nhau, tất cả đều là những sản phẩm khoa học công phu, đáng tin cậy. Quan trọng hơn là các giá trị, sự định vị từ các công trình nghiên cứu này đã khẳng định được những đóng góp, vị thế và sự đồng hành của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử tỉnh Quảng Nam nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung” - TS. Lưu Trang nói.

          Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày các tham luận và trao đổi thẳng thắn về các vấn đề tồn nghi để làm rõ hơn về tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất Duy Xuyên.

          Dịp này, huyện Duy Xuyên và Đại học Đà Nẵng khai mạc Không gian trưng bày “Vùng đất Duy Xuyên qua di sản tư liệu Hán Nôm” gồm những tư liệu lịch sử quý báu về tiến trình 420 năm hình thành danh xưng Duy Xuyên.

Trương Tâm Thư

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19795226
Hôm nay
Hôm qua
9507
6731