Chỉ cách thành phố cổ Hội An một con sông nhưng nhiều gia đình ở Đông Bình vẫn mong được kết nối du lịch cộng đồng để hy vọng níu giữ một làng nghề…
Làng chiếu cổ Bàn Thạch
Làng chiếu cói Bàn Thạch vốn dĩ là một làng cổ của Duy Xuyên (nay thuộc thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), nhưng lại nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Làng trở thành một “ốc đảo” nằm “lơ lửng” giữa 3 dòng sông là sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Hơn 300 năm qua, làng nghề này trải bao thăng trầm của lịch sử nhưng chưa bao giờ họ rời tay dệt, góp phần tạo nên những tấm chiếu vang danh.
Với 1.356 người dân sinh sống trên ốc đảo này, thời hoàng kim có tới hơn 700 người làm nghề dệt chiếu hay liên quan tới việc dệt chiếu cói.
Nhiều gia đình trên cù lao mong được kết nối với du lịch cộng đồng để giữ nghề dệt chiếu
Ở làng chiếu Bàn Thạch, mỗi người có thể làm việc vào những lúc rảnh rỗi nhưng phải phân công lao động rõ ràng. Đàn ông thì lo việc chặt đay, lác, phơi và tước sợi để làm nguyên liệu, còn phụ nữ lo việc nhuộm màu, dệt chiếu. Sản phẩm làm ra có thể bỏ cho các đầu mối quen, hoặc mang đi bán quanh cho các vùng lân cận.
Trung bình mỗi chiếc chiếu dệt khoảng 3 giờ là xong và mỗi người có thể dệt từ 2-3 chiếc/ngày. Nghề này được làm theo kiểu cha truyền con nối, truyền từ đời này sang đời khác. Những bãi đay, cói xanh tốt nằm dọc hai bên bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch.
Những sợi đay đơn sơ, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, mịn màng và bền chắc.
Làng nghề có lịch sử cũng ngót 450 năm. Thời phong kiến, sản phẩm làng nghề nổi tiếng gần xa, là sản phẩm trao đổi của những thương nhân người Hoa và cũng từng là cống phẩm cho triều đình, quan lại và các gia đình giàu có. Những người làm chiếu lâu năm trong làng kể lại, trước kia chiếu Bàn Thạch đã xuất hiện tại các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ).
Tại những lễ hội lớn trong nước như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hàng năm cũng có mặt của chiếu Bàn Thạch trưng bày như là sản vật đặc trưng của ngành nghề dệt truyền thống. Chiếu Bàn Thạch có mặt ở mỗi gia đình truyền thống và hiện đại.
Chị Trần Thị Bé (39 tuổi, ở tổ 11) cho biết, gia đình chị có nhiều thế hệ làm nghề dệt chiếu. Chỉ tay vào khung đan chiếu, chị Bé vừa nói vừa thở dài: “Nghề cổ chỉ mang tiếng vậy thôi, chứ giờ cả làng đâu còn nhiều người làm nữa. Họ đã chuyển đổi nghề nghiệp rồi, bám theo nghề chiếu này khó khăn thực sự.
Để có một chiếc chiếu hoàn chỉnh là cả một quá trình. Từ khâu cắt cói đem phơi, nhuộm màu, tuyển chọn kích thước chiếu để cắt kích cỡ, rồi dệt, bắt mép… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu của người thợ”.
“Cố giữ lấy nghề…”
Từ lâu, cuộc sống của bà con Bàn Thạch phụ thuộc vào nghề làm chiếu, nhưng vài năm trở lại đây, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp, không mấy ai mặn mà với nghề truyền thống này nữa. Các cụ cao niên ở làng chiếu Bàn Thạch cho biết, thời hoàng kim, hơn 80% người dân trong làng làm nghề chiếu.
Nếu như trước kia, mỗi ngày, những hộ làm chiếu như gia đình chị Bé có thể làm từ 2 - 3 đôi chiếu một ngày, kiếm được trên 400.000 đồng thì nay giá bán chiếu thấp, khó tiêu thụ, hai mẹ con chị chỉ dệt một đôi chiếu bán khoảng 120.000 đồng/đôi, kiếm lãi từ 50.000 - 60.000 đồng, chia ra 2 người cũng chỉ hơn 25.000 đồng cho mỗi người. Và, điều lo ngại nữa là nguyên liệu làm chiếu cũng phải mua từ nơi khác.
Vợ chồng ông Võ Đức Cương (57 tuổi, trưởng thôn Đông Bình) có đôi tay thô kệch, dính đầy phẩm màu, đặc trưng của người ở làng dệt chiếu này. Họ đưa cói vào khung dệt rất nhanh và nhịp nhàng. Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, chiếc chiếu đã được vợ chồng ông dệt xong.
Ông Cương tâm sự: “Cứ mãi bám cái nghề này thì cũng chẳng bao giờ ‘đâm lao, xẻ lá’ được, không khá hơn ai”. Đó là hoàn cảnh của những người cố bám và duy trì nghề truyền thống của làng, “bỏ thì thương, vương thì tội”, mà rất ít người làm ngành nghề khác thấu hiểu.
Có thể nói, người làm chiếu chịu vất vả quanh năm. Mùa này là đầu hè, trời nắng nóng từ 3 giờ sáng, người già, trẻ nhỏ đã phải thức dậy rất sớm, còng lưng trên những bãi cói để cắt, tỉa, chẻ, rồi đem phơi từ 2-3 nắng. Một cây cói chẻ làm hai rồi đem phơi, nếu gia đình nào không có nhân công thì một sào cói có khi phải chẻ đến hàng tháng trời mới xong. Khi trời nắng lớn, để cho thân cói khô đều, người dân phải thường xuyên trở cói.
Nhiều đời qua đi, người dân nơi đây vẫn biết nỗi khó khăn, khổ cực từ nghề chiếu, nhưng nghề đã thành cái “nghiệp” nên họ quyết tâm theo đuổi để không khỏi thất truyền. Theo ông Võ Đức Cương, sở dĩ làng nghề gặp khó khăn một phần cũng vì giao thông cách trở, ít nhiều cô lập với “thế giới bên ngoài”.
Làng bốn bề bạt ngàn nước, nhất là vào mùa lũ. Thêm vào đó, đất đai không thể trồng giống cây nào ngoài cây cói. Vì thế, không gia đình nào bỏ được nghề. “Biết là khổ, là cực, nhưng đã có duyên với nó thì cố mà giữ lấy, thà có còn hơn không”, ông Cương suy tư.
Tính đến thời điểm này, địa phương chỉ còn khoảng 45 hộ dân tham gia sản xuất chiếu cói, giảm 60% so với cách đây 2 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đức Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Vinh cho biết, để duy trì nghề truyền thống, các cơ sở dệt chiếu cói phải đa dạng sản phẩm, sản xuất thêm sản phẩm túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… phục vụ khách du lịch. Địa phương cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành hình thành những tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu để quảng bá sản phẩm.
Bên này sông, tối tối tiếng thoi dệt chiếu vẫn lách cách vọng vào bóng đêm. Phía bên kia, cách đó một dòng nước là TP.Hội An tấp nập khách du lịch với điện đèn chói lòa. Nhiều người ở làng dệt chiếu cói vẫn hy vọng nếu kết nối được với du lịch cộng đồng từ Hội An, chắc chắn họ sẽ không còn phải canh cánh nỗi lo làng nghề chịu cảnh mai một…
Tiêu Dao - Huỳnh Sơn