Bốn anh hùng, dũng sĩ quê Duy Xuyên được gặp Bác Hồ đều có nét tương đồng, đó là có thành tích đặc biệt trong chiến đấu nhưng vô cùng khiêm tốn, giản dị.
Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam, trong đó có anh hùng Trần Dưỡng (ngoài cùng bên phải) tại Phủ Chủ tịch vào tháng 11.1965. Ảnh tư liệu
Nụ cười trong khu vườn xanh
Tấm ảnh Bác Hồ với anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam (tháng 11.1965) cùng những thước phim sống động thường được chiếu trong dịp mừng sinh nhật Bác, có Trần Dưỡng - một anh hùng xứ Quảng. Ông đã mất năm 2008 nhưng những kỷ niệm về ông, đặc biệt những lần ông gặp Bác Hồ vẫn lưu giữ mãi trong trái tim đồng đội và người thân.
Những ngày khốc liệt ở chiến trường Quảng Đà, có một bài hát về các tấm gương dũng cảm vang vọng khắp làng quê: “Đất Thanh Quýt đứng lên cùng anh Trỗi/ Quê chị Nhâm Gò Nổi sáng bừng/ Điện Ngọc có Võ Như Hưng/ Duy Xuyên Trần Dưỡng vang lừng chiến công...”. Anh hùng Trần Dưỡng sinh năm 1942, quê xã Duy Phú. Mồ côi cha mẹ, với lòng căm thù giặc sâu sắc, ông theo người chú gia nhập đơn vị V10 (Quảng Nam). Đồng đội xem ông là thần tượng, một chiến sĩ trinh sát xuất quỷ nhập thần, thông minh, quả cảm, không chịu lùi bước trước khó khăn nào.
Tháng 5.1965, Trần Dưỡng ra Bắc tham dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng quân miền Nam lần thứ nhất, là một trong số 23 người đầu tiên được tuyên dương Anh hùng quân giải phóng. Tháng 11 năm đó, ông cùng các anh hùng Tạ Thị Kiều, A Vai… được vào thăm Bác trong Phủ Chủ tịch. Hình ảnh các cháu miền Nam, sải bước nhanh rồi chạy đến ôm chầm lấy Bác trong khu vườn xanh lá ở Phủ Chủ tịch khắc sâu trong tâm trí mọi người.
Nữ dũng sĩ Trần Thị Kim Cúc (quê Đà Nẵng) - người nhiều lần gặp Bác Hồ kể lại: “Anh Dưỡng ra Bắc từ năm 1965, còn tôi ra sau đó. Mỗi lần gặp, anh kể cho tôi nghe về những lần gặp Bác mà anh cho rằng đó là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời. May mắn là sau đó Bác Hồ đã cho 5 người, trong đó có tôi và anh Trần Dưỡng đi Trung Quốc chữa bệnh. Khỏi phải nói hai anh em mừng đến mức nào trước tình cảm yêu thương của Bác dành cho”.
Chị Trần Thị Mai Lan - con gái của người anh hùng Trần Dưỡng kể: “Ba tôi lúc còn sống ít kể về mình mà hay nói rằng, chuyện về ba thì báo chí, sách vở đã viết, các con có thể tìm đọc. Sức khỏe yếu nên ba nghỉ hưu sớm, lúc này là Trợ lý Phòng Quân báo - Quân khu 5 với quân hàm Thiếu tá. Đồng lương hưu không đủ nuôi con và mua thuốc chữa bệnh. Ông làm đủ thứ nghề chân tay hòng kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy ba lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, là tấm gương sáng cho chúng tôi”.
Ba lần gặp Bác
Trong phòng khách nhà Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thúc Bá - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần - Quân khu 5 có treo trang trọng tấm ảnh Bác Hồ. Nổi bật là chàng trai quê xã Duy Tân đang âu yếm vuốt râu Bác. Chiếc mũ tai bèo trên gương mặt tròn, rạng rỡ.
Năm năm ở đơn vị V10, y tá Huỳnh Thúc Bá đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu 65 trận. Nhiều lần giữa bom đạn, ông lấy thân mình che chở thương binh. Tên tuổi của ông và em trai Huỳnh Sáu đã nổi tiếng từ thời đó, được nhà văn Chu Cẩm Phong khắc họa sinh động trong chuyến về thôn Vinh Cường đất lửa.
Một năm sau khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông được vào thăm Bác nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 của Người. Được Bác hỏi thăm, Huỳnh Thúc Bá thưa với Bác cách làm sáng tạo của quân y chiến trường. Bác khen và nói với các đồng chí Trung ương lưu ý những ý kiến của Huỳnh Thúc Bá.
Lần thứ hai được gặp Bác là tháng 9.1968. Khi đó ông vinh dự có mặt trong đoàn 50 anh hùng, dũng sĩ miền Nam được gặp Bác ở hội trường Ba Đình. Trước khi trở lại miền Nam, ông may mắn được gặp Bác lần thứ ba vào đầu năm 1969. Khi đoàn vào Phủ Chủ tịch, Bác lại gần và hỏi: “Cháu Bá đã hết sốt rét chưa, học tập có tốt không?” Bác có bao nhiêu việc trên đời nhưng vẫn nhớ đến đứa cháu miền Nam bị sốt rét hôm nào.
Trong lúc mọi người thưa chuyện với Bác, Huỳnh Thúc Bá nhìn Bác chăm chú. Đôi mắt sáng như sao, vầng trán mênh mông, chòm râu sao mà đẹp thế! Bác hiền từ, thân thiết biết bao cứ như ông nội của mình vậy. Quá sung sướng, kính yêu Bác, Huỳnh Thúc Bá đưa tay vuốt nhẹ chòm râu mềm mại và trắng như cước của Bác mà nhiều đêm vẫn thấy trong mơ.
“Chúc Bác công tác tiến bộ”
Trong số các dũng sĩ từng gặp Bác Hồ thì Võ Hường (quê xã Duy Hòa) đặc biệt nhất. Không phải vì mới 15 tuổi đã diệt 35 tên Mỹ và bị quân thù cướp mất một cánh tay, một con mắt, mà vì lời chúc Bác Hồ… không giống ai.
Đó là ngày 13.2.1969 (tức 27 tết), Võ Hường cùng 9 người bạn của mình trong Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam vào ăn tết với Bác. Tầm 3 giờ chiều, xe đưa cả đoàn đến Phủ Chủ tịch. Bác mỉm cười nhìn các cháu ríu rít như đàn chim nhỏ rồi bước ra đón và gọi đúng tên từng cháu. Phái đoàn Cu Ba cũng có mặt, muốn xin Bác cho các cháu sang bên đó học điều kiện tốt hơn nhưng Bác bảo các dũng sĩ chỉ mới học lớp 1, lớp 3, nên tập trung học chữ, khi nào vững vàng sẽ gửi sang.
Các cựu dũng sĩ Võ Hường, Hồ Thị Thu (thứ 4 và thứ 5 từ phải qua) trong chuyến về thăm nơi học tập của Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam tại xã Hiệp Sách (Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: Q.P
Khi chia tay sau bữa ăn, Bác tặng mỗi cháu 1 bông hồng, 3 cuốn sách “Người tốt việc tốt”. Các cháu cảm ơn và ai cũng chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Riêng Võ Hường đã làm mọi người ngạc nhiên khi dõng dạc chúc: “Cháu chúc Bác khỏe, công tác tiến bộ”. Bác làm bộ nghiêm trang: “Ừ, Bác cũng cố gắng phấn đấu!”. Ai nấy cười ồ lên, làm Hường đỏ mặt. Bây giờ nhớ lại, ông Võ Hường tủm tỉm: “Hồi đó, mình đi đâu cũng nghe mọi người chúc câu đó nên nhập tâm. Gặp Bác cũng chúc y vậy. Con nít mà, cứ nghĩ gì nói nấy”.
Đây không phải lần đầu tiên Võ Hường gặp Bác Hồ, trước đó chàng dũng sĩ tí hon này đã được gặp Bác Hồ và Bác Tôn. Khi nghe Võ Hường kể về lần đánh nhau với bọn Mỹ và bị thương, 2 Bác rất xúc động, hỏi kỹ trường hợp bị thương của Hường:
- Bây giờ chỗ bị thương của cháu còn nhức không? Mất một con mắt học hành có khó không?
Hường cảm động thưa với Bác:
- Thưa Bác, cũng có khó khăn nhưng cháu cố gắng học được ạ!
- Bác khen: Cháu cố gắng thế là tốt!.
“Công tác tiến bộ” với ông Võ Hường đó là tận tụy với công việc, đấu tranh kiên quyết với cái xấu, luôn nghĩ đến lợi ích chung. Về hưu trên cương vị Trưởng phòng Tổ chức xí nghiệp thủy nông Phú Ninh, ông sống thanh thản và luôn truyền tư tưởng của Người cho 2 cô con gái của mình.
Được tặng Huy hiệu Bác Hồ khi mới 13 tuổi
Đất lửa Duy Tân, ngoài Anh hùng Huỳnh Thúc Bá còn có một nữ dũng sĩ bé nhỏ được Bác Hồ vô cùng thương yêu. Đó là Hồ Thị Thu. Đã lên chức bà nội, nhưng ký ức xưa, bà Thu nhớ mãi.
Tuổi lên 10, Thu đã là giao liên chuyển tài liệu, thư từ cho cách mạng. Một lần, Thu thấy một chú bộ đội bị bắt, địch tra tấn dã man, trước khi chết, anh còn hô to “Bác Hồ muôn năm”! Về nhà, Thu hỏi mẹ và những câu chuyện mẹ kể về Bác Hồ thấm đẫm trong lòng cô niềm khát khao được gặp Người. Thu xung phong vào đội xung kích bí mật của xã, hoạt động tại vùng giáp ranh, vận chuyển vũ khí.
Năm 1967, cô được giao nhiệm vụ canh chừng các động tĩnh của đồn bốt địch để báo cáo. Thấy lính Mỹ - ngụy đem rất nhiều súng ra lau chùi, cô cùng 3 bạn nhỏ bí mật nhặt sỏi, cát nhét vào các nòng súng. Tối đó, bộ đội ta tập kích đồn địch, đánh giáp lá cà, không có vũ khí chống trả, địch bị ép ra mép sông, bỏ chạy tán loạn, bỏ lại những khẩu súng toác nòng. Trận đánh đó ta thắng lớn mà không bị tổn thất. Riêng Thu, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được tặng chiếc Huy hiệu Bác Hồ khi mới 13 tuổi.
Niềm ao ước trở thành hiện thực vào năm 1968, Thu được vào thăm Bác. Khi xe dừng trong Phủ Chủ tịch, cả đoàn dũng sĩ tí hon chạy ùa vào ôm lấy Bác.
Trong đoàn có mình Thu là gái nên Bác nhận ra ngay.
Cô vòng tay thưa khi nghe Bác hỏi chuyện đi học:
Dạ thưa Bác... Nhà cháu nghèo quá, cha cháu chết hồi cháu còn nhỏ, cháu có nhiều em, mẹ cháu không đủ tiền cho cháu đi học, nên cháu chưa biết chữ...
Khi ngước nhìn lên, thấy Bác rơm rớm nước mắt thì cô không giữ được xúc động, nước mắt cứ giàn giụa. Bác kéo Thu lại gần, Bác sửa vành mũ tai bèo cho cô bé và xúc động nói:
- Nhất định cháu phải được học hành. Nhất định chúng ta sẽ đánh thắng giặc Mỹ…
Vinh dự được gặp Bác, các anh hùng, dũng sĩ quê Duy Xuyên đã biến lời dặn dò của Bác thành hành động cụ thể. Sống xứng đáng với vinh dự được gặp Bác Hồ, họ luôn nhận sự kính trọng và ngưỡng mộ của thế hệ trẻ hôm nay.
HỒNG VÂN