“Miền quê lụa” Duy Xuyên ghi dấu nhiều ấn tượng trên hành trình phát triển. Trong đó, các lĩnh vực “tam nông” , công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch đã có những bước đột phá hiệu quả 5 năm qua.
Những năm qua, nhờ nỗ lực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, huyện Duy Xuyên đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Bước chuyển “tam nông”
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ khoảng 3.500ha lúa, trong đó 70% diện tích đã hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa. Nhằm tạo điều kiện cho nhà nông phát triển sản xuất, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đầu tư hơn 38,2 tỷ đồng nâng cấp một số hồ chứa nước như Vĩnh Trinh, Phú Lộc, Thạch Bàn, Khe Cát... và xây mới, sửa chữa 12 trạm bơm điện, 15 công trình đầu mối.
Ước tính, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên đạt gần 50 triệu đồng. Nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 5,17% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 0,75% (không tính những hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và dự kiến tới cuối năm 2020 còn 0,53%.
“Ngành chuyên môn cũng thường xuyên chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tuyển chọn và đưa nhiều loại giống lúa mới có khả năng kháng sâu bệnh, cho năng suất cao vào sản xuất trên diện rộng. Nhờ vậy, nhìn tổng thể 5 năm qua, việc sản xuất lúa của Duy Xuyên thắng lớn. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 64,5 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2015” - ông Tường nói.
Những năm qua Duy Xuyên tích cực hỗ trợ nông dân hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa. Tại 14 xã, thị trấn của Duy Xuyên có 1.800ha đất màu. Nhờ nước tưới chủ động, nhất là nhà nông linh hoạt trong bố trí sản xuất nên bình quân hằng năm mỗi héc ta đất màu cho giá trị khoảng 150 - 190 triệu đồng; riêng một số vùng trọng điểm ở các xã Duy Phước, Duy Châu và thị trấn Nam Phước đạt mức thu nhập 300 - 380 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông Trần Huy Tường cho biết, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện có 30 dự án đăng ký đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong số 30 dự án đăng ký, đã có 22 dự án triển khai sản xuất. “Trong 2 năm qua, huyện đã chi gần 13 tỷ đồng đào tạo nghề, hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị máy móc... cho các chủ dự án và những hộ dân tham gia mô hình” - ông Tường chia sẻ.
Trong xây dựng nông thôn mới, Duy Xuyên có 11/14 xã, thị trấn thực hiện chương trình. Giai đoạn 2016 - 2019, huyện đã đầu tư hơn 1.814 tỷ đồng cho chương trình này, chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2015 - 2019 Duy Xuyên có 9 xã về đích nông thôn mới, 2 xã còn lại là Duy Tân, Duy Thu cũng đã hoàn thành 19 tiêu chí và ngày 14.7 vừa qua các đơn vị liên quan của tỉnh tiến hành thẩm định để đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Từ nay đến trước ngày 15.8 Duy Xuyên sẽ hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ minh chứng gửi về UBND tỉnh để đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.
Kinh tế phát triển đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên cho biết, những năm qua nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, huyện đã quy hoạch và xây dựng 6 cụm công nghiệp gồm Tây An 1 (52ha), Tây An 2 (59ha), Đông Yên (18,6ha), Duy Nghĩa 1 (47ha), Duy Nghĩa 2 (50ha), Gò Biên (30ha).
Hiện nay, hạ tầng thiết yếu tại các cụm công nghiệp Tây An 1, Tây An 2, Đông Yên đã cơ bản đồng bộ và thu hút được 22 doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy, đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định với các ngành hàng chính như may mặc, dệt, sợi chỉ, vật liệu xây dựng... Trong đó, Công ty TNHH MTV Sedo Vinako hiện đã phủ kín toàn bộ diện tích đất của cụm công nghiệp Đông Yên với số lượng công nhân lên đến 6.000 người. Thời gian tới, Duy Xuyên sẽ ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp Duy Nghĩa 1 và Gò Biên để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Ngoài số doanh nghiệp vừa nêu, trên địa bàn Duy Xuyên còn có không dưới 130 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề có quy mô vừa và nhỏ (bình quân mỗi cơ sở có từ 50 công nhân trở lên). Trong 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất của ngành đạt 18.244 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức 14,8%. Cùng trong thời gian đó, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ của huyện đạt 22.468 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 18,63%.
Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên chia sẻ, nhìn lại nhiệm kỳ qua, nét nổi bật nữa là đề án “Phát triển du lịch Duy Xuyên đến năm 2020 và định hướng tới năm 2025” được lãnh đạo địa phương chỉ đạo triển khai hiệu quả. Theo đó, đã rà soát, bổ sung quy hoạch và đầu tư vốn từ ngân sách cho phát triển giao thông kết nối các điểm du lịch nhằm khai thác, phát huy tiềm năng du lịch phong phú của huyện.
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện tích cực cải thiện các dịch vụ, tăng cường quảng bá, thu hút du khách đến với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đặc biệt, ngoài dự án khu giải trí, nghỉ dưỡng Nam Hội An với số vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD sắp đi vào hoạt động, Duy Xuyên cũng đã mời gọi 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành và khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn với tổng vốn đăng ký 814,6 tỷ đồng...
NGUYỄN SỰ