A+ A A-

"Kỹ sư làm mìn tự tạo" trên vùng đất lửa Xuyên Phú

        Men theo đường sân bay An Hòa - quận Đức Dục cũ nối tuyến đường nhựa dọc sông Thu Bồn, chúng tôi tìm gặp người “kỹ sư làm mìn tự tạo” Trần Đình Tẩn (xã Duy Thu, Duy Xuyên) năm xưa.

         

 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Tẩn. Ảnh: MINH TÂM

          Bước sang tuổi 76, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Trần Đình Tẩn vẫn sống theo đúng lý tưởng từ thời trai trẻ của mình “Đã rằng vì nước vì dân/ Nước dân còn khổ thì thân sướng gì/ Đã rằng hai chữ tử sinh/ Nào ai có nghĩa có tình là đây”.

          Câu chuyện của người anh hùng, kỹ sư làm mìn tự tạo năm xưa được kể lại cũng là những thước phim về tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt, vẻ vang của quân và dân xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân, Duy Phú) anh hùng.

          Nối tiếp truyền thống đất lửa anh hùng

          Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Trần Đình Tẩn (bí danh Nhân) được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, 10 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, giấy chứng nhận sáng kiến sản xuất bom, mìn tự tạo của tỉnh... Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

          Ông Trần Đình Tẩn nhớ lại, sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, Mỹ - Diệm và bọn tay sai thẳng tay khủng bố, đàn áp trả thù dã man cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước.

          Trước tình hình đó, Huyện ủy Duy Xuyên chọn gia đình ông làm nơi hoạt động không chỉ bởi gia đình ông có truyền thống cách mạng, mà trong nhà có sẵn hầm bí mật, phên hai lớp dễ dàng che giấu cán bộ.

            Thường xuyên được gặp các đồng chí của Huyện ủy như Trần Thận, Nguyễn Xuân Hòa, Trần Ích, Đào Hồng Anh... nên ông sớm giác ngộ cách mạng.

          “Thế nhưng, đến khi chứng kiến cảnh bà con làng xóm và người thân bị giặc bắn giết, bêu đầu, kéo xác trên đường thì lòng căm phẫn trong tôi mới trỗi dậy mạnh mẽ. Đau thương biến thành sức mạnh, lòng tôi sôi sục ý chí theo cách mạng với quyết tâm bằng mọi giá phải trả thù cho được” - ông Tẩn nghẹn lại.

          Tròn 12 tuổi, người học trò Trần Đình Tẩn tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ giao liên. Tuy còn nhỏ nhưng ông nhanh nhẹn, mưu trí chuyển các thư, tài liệu mật trong địa bàn các xã Xuyên Phú, Xuyên Thu, Xuyên Hòa; dẫn đường cho các đồng chí hoạt động cách mạng; tuyên truyền, vận động cách mạng tại địa phương. Đồng thời cùng anh em họ đào hầm bí mật 3 tầng trong vườn, có gông kiên cố, chuẩn bị nước uống, lương thực đủ cho 11 người dùng trong 4 ngày để nuôi bộ đội.

          Kể lại lúc 15 tuổi bị bắt vào nhà lao Duy Xuyên trong một lần mang tài liệu cho cơ sở, ông Tẩn cười: “Hồi đó nhỏ mà gan lắm. Sau một hồi chối cãi, bọn lính tống tôi vô tù, đánh vào đầu như búa bổ nhưng tôi vẫn kiên quyết không khai”.

          18 tuổi, thanh niên Trần Đình Tẩn chính thức đứng chân vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, bước theo lý tưởng cách mạng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, 5 lần bị thương, có những lần tưởng như không thể sống sót để trở về nhưng ông vẫn can trường đứng lên, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao phó.

          Sau ngày giải phóng, ông Tẩn được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Duy Xuyên, Hiệu trưởng Trường sơ cấp Nông nghiệp huyện, chỉ định làm Bí thư Đảng bộ xã Duy Tân, xã Duy Thu và nghỉ hưu vào năm 1990.

          Kỹ sư làm mìn tự tạo

          Trò chuyện cùng chúng tôi, từng trận đánh, từng năm tháng thời lửa đạn lần lượt hiện lên như những thước phim từ miền ký ức của người anh hùng Trần Đình Tẩn. Tham gia cách mạng, từ chiến sĩ du kích đến khi làm Bí thư Đảng ủy xã Xuyên Phú, ông Tẩn cùng đồng đội tham gia hơn 100 trận đánh ở các chiến trường, diệt hàng trăm tên địch, thu được hàng trăm súng các loại, đánh phá hàng chục xe quân sự, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, sáng chế được hàng ngàn quả bom, mìn tự tạo.

          

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Tẩn (áo trắng, bên trái) và cựu tù Phú Quốc - Hoàng Ngọc Thanh ôn lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt.

          Những mốc son tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như thành tích phá ấp chiến lược vào giai đoạn 1962 - 1964; xây dựng cơ sở nội tuyến, đánh diệt gọn đồn Hòn Nghệ và sau đó đánh bứt rút đồn Mũi Diết - những đồn bốt quan trọng bảo vệ khu An Hòa - Đức Dục của Mỹ - ngụy vào tháng 3/1965.

          Chiến công nối liền chiến công khi ông Tẩn 5 lần tham gia diệt ác, trong đó ông trực tiếp bắn chết và bắt sống hai tên ác ôn khét tiếng giữa ban ngày trong vùng địch đang kiểm soát, làm nhụt ý chí chiến đấu của kẻ thù.

          Một trong những thành tích vẻ vang và cũng trở thành biệt danh của ông đó là “kỹ sư làm mìn tự tạo”. Ông Tẩn nhớ lại, giữa năm 1966, quân Mỹ lập căn cứ cấp trung đoàn tại An Hòa - Đức Dục, hằng ngày đưa quân càn quét, đánh phá ác liệt các xã khu tây Duy Xuyên, nhất là Xuyên Phú - xã vành đai của khu An Hòa.

          Lực lượng du kích xã Xuyên Phú lúc này tuy được tổ chức chặt chẽ nhưng trang bị còn thô sơ, chỉ có bắn tỉa, không ngăn được sự đánh phá của địch. Trước tình hình khó khăn, ông Tẩn trăn trở, suy nghĩ và nảy ra sáng kiến làm mìn, lựu đạn vừa diệt địch hiệu quả vừa đỡ thương vong quân ta. Rồi từ thuốc trong bom, pháo lép của Mỹ, với vỏ lon, mảnh chai, ông Tẩn đã mày mò làm thử mìn.

          Từ thắng lợi nhỏ ban đầu, phong trào làm mìn tự tạo phát triển mạnh toàn xã, ông Tẩn hướng dẫn cách tháo bom, pháo lép lấy thuốc, cách làm mìn. Những năm 1966 - 1969, du kích Xuyên Phú đã làm ra hàng ngàn quả mìn tự tạo, đủ các loại từ nhỏ trong vỏ lon, vỏ hộp cá, đến mìn từ 5 - 15kg, những quả bom, pháo, cối lép để nguyên thay lại kíp mới thành mìn…

          Mìn tự tạo được cài sẵn ở tất cả gò đồi ở Xuyên Phú; Mỹ - ngụy thường xuyên vướng mìn, hàng trăm tên lính tử vong, hàng chục xe quân sự có cả xe tăng bị phá hủy. Cũng từ mìn tự tạo, ông Tẩn đã trực tiếp chỉ huy đánh tan 2 xe M118, diệt hàng chục tên Mỹ sát cạnh đồn 45 của địch vào năm 1967, tạo tiếng vang lớn khiến địch hạn chế đưa quân càn quét, đánh phá.

          Với thành tích này, ông Tẩn được cử đi báo cáo điển hình về sáng kiến cải tiến làm bom mìn tự tạo để đánh Mỹ và diệt xe cơ giới tại đại hội thi đua phong trào du kích chiến tranh tỉnh Quảng Đà, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

          Cuộc gặp của những người anh hùng

          Gần 50 năm sau khi đất nước hòa bình, độc lập, những người anh hùng thời lửa đạn vẫn giữ tấm lòng son, ý chí cách mạng kiên trung. Một ngày tháng Tư lịch sử, Anh hùng LLVT Trần Đình Tẩn và cựu tù Phú Quốc - Hoàng Ngọc Thanh (hiện là Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên) ngồi hàn huyên, ôn lại những thời khắc hào hùng, lằn ranh sinh tử mà mình và đồng đội từng trải qua.

          Được nghe những câu chuyện ấy, tôi đi từ tò mò, háo hức đến cảm động, khâm phục. Và cảm thấy may mắn khi còn được gặp những người anh hùng bằng da bằng thịt - những người đã viết nên lịch sử, được nghe những chiến công trở thành huyền thoại một thời bằng chính lời kể của người trong cuộc. Nếu không được nghe kể, có lẽ không ai nghĩ hai người đàn ông tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười hiền lành này từng là những người cộng sản gan dạ, trung kiên đến thế.

Trong câu chuyện của mình, họ hào hứng kể lại những lần liên hệ, phối hợp hoạt động giữa người chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin - Mặt trận 4 Quảng Đà với người Xã đội trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuyên Phú để tránh những bãi mìn tự tạo trong lúc hành quân, hoạt động cách mạng.

          “Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đội du kích của xã Xuyên Phú và Xuyên Hòa hết sức anh dũng, chiến đấu với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Nhờ vậy, dù địch ra sức càn quét nhưng vẫn không chiếm được hai xã này. Và Anh hùng LLVT nhân dân Trần Đình Tẩn là người đã góp công rất lớn trong quá trình hình thành, phát triển, hoạt động cách mạng của đội du kích Xuyên Phú” - ông Hoàng Ngọc Thanh chia sẻ.

          Chiến tranh đi qua, những vết thương còn in hằn trên da thịt, tinh thần vẫn đau đớn, xót xa bởi ám ảnh cảnh đồng chí, đồng đội bị tra tấn, hy sinh... Với họ, hòa bình ngày hôm nay đáng trân quý biết nhường nào.

 MINH TÂM

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19794973
Hôm nay
Hôm qua
9254
6731