Đất Quảng không phải là vùng đất đế đô nhưng là vùng đất cứu sống chúa sau lên ngôi vua và thâu tàng thể phách của nhiều nhân vật quan trọng trong gia tộc chúa Nguyễn. Đây là nơi có lăng mộ của Hữu Phủ chưởng phủ sự Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và đặc biệt là 2 lăng hoàng hậu Vĩnh Diễn, Vĩnh Diên.
Vùng đất Chiêm Sơn còn lưu dấu tích hai lăng hoàng hậu. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Hai lăng hoàng hậu
Ngọc phách 2 hoàng hậu chúa Nguyễn ẩn tàng trong lòng đất Quảng Nam suốt 4 thế kỷ, nay là Hiếu Văn hoàng hậu và Hiếu Chiêu hoàng hậu.
Hiếu Văn hoàng hậu (1578 - 1630) là vợ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là trưởng nữ thân vương nhà Mạc - Khiêm vương Mạc Kính Điển. Khi Mạc Kính Điển bị nhà Lê diệt, bà theo người chú - Mạc Cảnh Huống, vào đất Thuận Hóa, náu thân ở chùa Lam Sơn, đăng ký vào danh bộ Quảng Trị.
Bà được thím dâu (vợ Mạc Cảnh Huống) Nguyễn Thị Ngọc Dương, là dì của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đem vào cung. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thương yêu bà, đưa bà lên địa vị vương phi. Bà hiền thục, đoan trang, thanh nhã, rất được chúa yêu quý nên cho đổi thành họ Nguyễn, tục danh là Nguyễn Thị Giai. Sau khi mất, bà được truy tặng Doanh Cơ, tên thụy là Nhã Tiết. Đến đời Gia Long, sắc phong là Huy Cung Từ thân An thục Thuận trang Hiếu Văn hoàng hậu.
Hiếu Chiêu hoàng hậu (1601 - 1661) là vợ của chúa Nguyễn Phúc Lan. “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa/ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”. Câu hát của cô gái hái dâu hôm nào đã kết nên duyên tình kỳ ngộ của thôn nữ tằm tang đất Quảng với chúa Nguyễn. Đó là mối lương duyên giữa chúa Nguyễn Phúc Lan và Đoàn Thị Ngọc.
Sách “Đại Nam liệt truyện” kể rằng, Đoàn Quý Phi (tức Đoàn Thị Ngọc - NV) là con gái thứ 3 của Thạch Quận Công Đoàn Công Nhàn. Khi còn là con gái, bà rất minh mẫn thông sáng, chăm nghề truyền thống địa phương. Năm lên 16 tuổi, một đêm trời trong trăng sáng, bà vừa hái dâu dưới bãi vừa hát.
Lúc ấy công tử Nguyễn Phúc Lan, đang cùng thân phụ là Nguyễn Phúc Nguyên còn là thái tử đang làm trấn thủ dinh Quảng Nam, du ngoạn trên sông Thu Bồn, thì gặp bà. Công tử Nguyễn Phúc Lan cho tiến cung. Sau đó, Nguyễn Phúc Lan lên ngôi, bà được phong làm Hiếu Chiêu hoàng hậu vì đã sinh ra chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
Hai lăng của hai hoàng hậu này đặt tại làng Chiêm Sơn (Duy Xuyên). Vua Gia Long, năm 1806, đặt tên lăng của Hiếu Văn hoàng hậu là lăng Vĩnh Diễn; lăng của Hiếu Chiêu hoàng hậu là lăng Vĩnh Diên.
Chú trọng việc bảo vệ và cúng tế
Theo sách “Hội điển sự lệ”, lăng Vĩnh Diễn lớp ngoài cao 5 thước 3 tấc, chu vi 40 trượng, xây gạch, trước mở một cửa; lớp trong gọi là bảo thành, cao 3 thước 5 tấc, chu vi 16 trượng 6 thước. Lăng Vĩnh Diên lớp ngoài cao 6 thước 4 tấc, chu vi 40 trượng 4 thước 6 tấc, xây gạch, trước mở một cửa; lớp bảo thành bên trong cao 3 thước 5 tấc, chu vi 14 trượng 9 thước 6 tấc.
Thời Minh Mạng, vua ban lệnh, khoảng giữa hai lăng, chọn lấy phần đất khô ráo dựng một ngôi chùa, đặt cho tên là chùa Vĩnh An. Trong chùa, gian giữa dùng thờ Phật, hai gian hai bên thờ thần vị của hai hoàng hậu.
Từ khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã chú trọng việc bảo vệ hai lăng hoàng hậu ở Quảng Nam. Gia Long năm thứ nhất (1802), cử Nguyễn Viết Huệ làm Đội trưởng canh giữ hai lăng. Tiếp năm sau, vua lại cử Đoàn Công Lễ làm Đội trưởng trông coi lăng Vĩnh Diên, cấp 10 dân phu coi giữ. Sáu năm sau, vua Gia Long lấy dân Quảng Nam lập thành hai đội giữ lăng, mỗi đội 30 người.
Đi đôi việc bảo vệ là việc trùng tu cổ tích hai lăng. Sau chuyến tuần du Quảng Nam vào năm 1813, thì năm sau (1814) vua Gia Long cho sửa lại hai lăng. Vua Gia Long cử Tham tri Bộ Lễ là Trần Công Tĩnh, Lưu thủ Quảng Nam Nguyễn Cửu Khoáng đích thân trông coi công việc tu sửa. Dân phu làm việc ở đây, mỗi người một tháng được cấp một phương gạo, hai quan tiền.
Vua Minh Mạng có lệnh, vị trí cách 40 thước tính từ bốn phía bên ngoài bảo thành hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên cho dựng các cột gỗ sơn đỏ làm mốc cấm, trên cột mốc ghi rõ đây là phạm vi đất cấm, dân chúng không được vào trồng trọt hay hái củi. Sau đó, vua lại tiếp tục lệnh cho sửa lại cột nêu gỗ ghi rõ những điều răn cấm, khiến người dân không được lấn phạm.
Việc cúng tế hai lăng dựa trên tự điền (đất hương hỏa). Gia Long thứ 2 cấp 5 mẫu tự điền. Vua Minh Mạng ban cho chùa Vĩnh An 4 mẫu ruộng hương hỏa lo việc thờ cúng. Vua Gia Long, năm thứ 12 (1813) tuần du Quảng Nam, sai quan đến làm lễ tại hai lăng. Vua Minh Mạng, vào năm thứ nhất (1820), định lệ hằng năm quan tỉnh Quảng Nam phải thay vua thân hành đến làm lễ yết cáo và đọc chúc văn ở hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên.
Tiếp theo vào năm 1832, vua Minh Mạng lại có lệnh, hằng năm đến tiết Thanh minh, một quan chức triều đình dòng tôn thất, sẽ thay mặt vua mang lễ vật đến Quảng Nam hợp cùng quan đầu tỉnh sắm thêm cỗ bàn lợn xôi đến hai lăng dâng lễ để tỏ lòng ngưỡng mộ. Qua năm sau (1833), vua Minh Mạng cử Thự Thống chế Tôn Thất Bằng lãnh mệnh vua đến làm lễ tại hai lăng. Từ đó về sau, làm lệ thường.
Nhà vua cũng quy định nghiêm cẩn về chúc văn. Phải chọn người viết chữ thật tốt để viết chúc văn và phải viết rõ ràng. Phần chỗ bỏ trống chờ điền tên vua là người chủ tế trên chúc văn phải được quan đầu tỉnh sau khi tắm gội sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề mới kính cẩn cầm lấy bút mực điền vào, sau đó đặt chúc văn lên long tháp. Tổ chức rước chúc văn đến lăng bày ra làm lễ.
Đặc biệt, trong các ngày lễ giỗ 17/5 ở lăng Vĩnh Diễn và 9/11 ở lăng Vĩnh Diên, không được xét xử các vụ án hình sự ở công đường tỉnh, cấm việc sát sinh trong nhân dân để tỏ rõ sự tôn kính đối với hai hoàng hậu, theo sách “Hội điển sự lệ”.
NGUYỄN DỊ CỔ