Gia tộc Mạc tại Trà Kiệu là một “danh gia” thời các chúa Nguyễn. Từ Mạc Cảnh Huống đến đời con ông - Mạc Cảnh Vinh đều là những danh thần góp phần quan trọng trong việc tạo dựng vương triều Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
Lăng mộ Mạc Cảnh Huống vừa được trùng tu.
Góp công tạo lập vương triều Nguyễn
Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng Mạc Cảnh Huống cùng với Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phước Trị là những đại công thần, tạo lập nên vương triều Nguyễn.
Sắc phong triều Duy Tân dành cho Mạc Cảnh Huống đã ví ông là “Quản Trọng, Gia Cát Lượng của Nguyễn Hoàng”.
Mạc Cảnh Huống vốn là hoàng tử út của nhà Mạc. Ông là người tham mưu “trong màn trướng” nhiều vấn đề đại sự cho Nguyễn Hoàng.
Gia phả tộc Mạc hiện còn tại Trà Kiệu ghi rằng, Mạc Cảnh Huống đã chiêu mộ các vị anh hùng, hào kiệt, vận động phú gia mua trái phiếu trị giá 24 vạn, giúp Nguyễn Hoàng xây dựng lực lượng thủy binh. Số tiền trên được ông giao cho các vị quận công vùng Châu Ô, Bố Chính, Thuận Hóa, Quảng Nam, trong đó 3 vị anh dũng quận công ở Phú Yên chuyên lo việc chiến thuyền.
Gia phả chép, có lần khi bị vua Lê – chúa Trịnh gọi ra Bắc, Nguyễn Hoàng rất lo lắng nên hỏi ý Mạc Cảnh Huống. Ông Huống bàn rằng cần phải đi để dùng kế “ẩn mình chờ thời”, “nấu luyện mình thành sắt thép” và muốn dựng đại nghiệp phải “dùng nhỏ để thắng lớn! Đó là khả năng bất khuất của người có chí đại trượng phu”. Và Nguyễn Hoàng đã nghe theo.
Mạc Cảnh Huống thọ 136 tuổi?
Nhiều sách, bài viết cho rằng Mạc Cảnh Huống sau khi về hưu, ông đi tu và sống thọ đến 136 tuổi (?). Thực tế Mạc Cảnh Huống chỉ hưởng thọ 75 tuổi thôi, tờ thứ 8 cuốn gia phả tộc Mạc ghi ông mất “Năm Hoằng Định thập bát niên, Đinh Tỵ niên minh cố”.
Trang gốc gia phả tộc Mạc ghi rõ năm mất của Mạc Cảnh Huống
Tra cứu niên đại trên sẽ thấy ông mất năm 1617. Bởi niên hiệu Hoằng Định (của vua Lê Kính Tông (1588-1619), nếu năm Định Tỵ (1677) phải là niên hiệu Vĩnh Trị của vua Lê Huy Tông (1676-1680). Cuốn Đại Nam liệt truyện cũng chép rõ: “Cảnh Huống mất trong khi đang tại chức”. Đã mất lúc “tại chức” thì khó có chuyện quá 100 tuổi được!
Nhiều tác giả cho rằng, sau khi về hưu, Mạc Cảnh Huống cho xây dựng chùa Bửu Châu để tu, với pháp danh “Thuyền Cảnh Chân Tu”.
Trước đó, Mạc Cảnh Huống tham mưu cho Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Bửu Châu (1607), gần như cùng lúc với chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hóa tại Huế (1602), chùa Kính Thiên ở Quảng Bình (1609), tại địa điểm nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu hiện nay. Và đó không phải do Cảnh Huống dựng lên.
Hậu duệ họ Mạc lý giải rằng Bửu Châu tự là cái chùa do Mạc Cảnh Huống làm nên để tu, sau này thành từ đường, cũng gọi là chùa, nên gọi Gò Chùa. Có thể Mạc Cảnh Huống đã làm cho mình cái am hay điện để tu tại gia, giống như “Lam Sơn điện” mà ông từng lập ra tại Quảng Trị trước đó, nó khác hoàn toàn với chùa Bửu Châu trên hòn Non Trượt (là chùa của vua, của nhà nước).
Người Pháp đã thấy gì khi bốc mộ Mạc Cảnh Huống?
Năm 1927, khi người Pháp thực hiện cuộc khai quật khảo cổ lớn tại thành Trà Kiệu, đã đề xuất di dời mộ Mạc Cảnh Huống đi nơi khác. Một nhân viên Viện Viễn Đông bác cổ mô tả rằng: Phía đông ngôi mộ Mạc Cảnh Huống là mộ của vợ ông (mộ số 3) - bà Nguyễn Thị Ngọc Dương. Ngôi mộ nằm về phía tây (mộ số 2) là của phu nhân ngài Mạc Khiêm Vương – anh cả của ngài Mạc Cảnh Huống, là bà Nguyễn Thị Ngọc Lâu.
Hiện vật do người Pháp khai quật thành cổ Trà Kiệu và Mạc Cảnh Huống năm 1927, được quy tập tại sân nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu.
Nằm về phía tây của 3 ngôi mộ này là mộ của bà vợ thứ của ngài Mạc Cảnh Huống, không rõ tên song có biệt hiệu là Võ Thuyên Tư. Phần trên ngôi mộ ngài Mạc Cảnh Huống chính giữa có 3 viên gạch đậy trên kích cỡ 0,35m x 0,45m, các thi hài đã được hỏa táng và được chôn cất trong các chiếc ché, bằng loại sứ trắng, có các hình họa xanh đỏ.
Mỗi huyệt mộ đều được xây bằng gạch Chăm với kích cỡ gần như hình khối 0,40m x 0,50m. Người ta rất cung kính đối với các tiểu đựng hài cốt này và tin rằng nếu số gạch này mà mất một viên nào thì sẽ đem lại tai họa cho gia đình.
Ông Nguyễn Trường Hổ - tộc trưởng tộc Mạc tại Trà Kiệu cho biết một chi tiết thú vị: “Ông bà tôi truyền rằng, lúc khai quật các ngôi mộ trên, vì thấy các ché sành rất đẹp nên người Pháp muốn thay bằng các ché khác đem từ Pháp sang. Khi các ché hài cốt được đưa lên quy tập tại sân nhà thờ Ngũ Xã thì con cháu trong tộc đương đêm lén vô, đập bể các chiếc ché cổ để Pháp khỏi đổi ché mới!”.
Khi mô tả các chiếc ché cổ đựng hài cốt nói trên, J.Y.Claeys – người viết báo cáo cuộc khai quật này cũng cho biết có chiếc ché đã bị bể miệng!
Hiện nay, chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa cho trùng tu lại mộ cụ Mạc Cảnh Huống nhưng văn bia ghi về ông và con ông là Mạc Cảnh Vinh còn có nhiều điều lầm tưởng. Có lẽ cũng nên nhân dịp này sửa lại cho đúng!
Lưu Anh Rô