Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) vừa đưa ra thời hạn
cuối cùng buộc Trung Quốc phải nộp hồ sơ về lập luận của mình liên quan đến vụ
kiện của Philippines. Tuy nhiên, một lần nữa, Trung Quốc lại né tránh vụ này.
Sau
3 tháng thụ lý hồ sơ với 4 nghìn trang tài liệu giải thích và lập
luận từ phía Philippines, PCA tại La Haye (Hà Lan) ngày 3.6.2014 thông
báo chính thực trên trang web của tòa: “Căn cứ trình tự thủ tục số 2, PCA
ấn định ngày 15.12.2014 là thời hạn cho Trung Quốc phải nộp văn bản lập luận
đối với hồ sơ khởi kiện của Philippines”. PCA là cơ quan quốc tế được thành lập
theo Công ước Hague 1899 chuyên xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông
qua vai trò trọng tài, hòa giải, tìm kiếm sự thật nhằm dàn xếp các bất đồng
giữa các nước, các tổ chức và cá nhân.
Nội
dung khởi kiện của Philippines xuất phát từ tuyên bố của Trung Quốc về “đường
9 đoạn” hay được gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở biển
Đông, bao gồm một số vùng nằm trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của
Philippines và nhiều nước khác. Nói cách khác, Trung Quốc ngang nhiên thâu
tóm 90% diện tích biển Đông, bất chấp Công ước Liên hiệp quốc về
Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên ký kết.
Báo
Bloomberg (Mỹ) dẫn lời phát ngôn mới nhất của người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi rằng Trung Quốc bác yêu cầu của PCA
về việc đệ trình bằng chứng minh tuyên bố chủ quyền theo bản đồ đường lưỡi bò ở
biển Đông. Rõ ràng, phản ứng của Trung Quốc đã không nằm ngoài dự
đoán của các chuyên gia, học giả cũng như trong dư luận quốc tế. PCA
cho biết cách đây vài tháng, Trung Quốc gửi thông báo nhắc lại rằng Bắc
Kinh “không chấp nhận vụ kiện lên Tòa án trọng tài do Philippines khởi xướng”.
Người
phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose lên tiếng yêu cầu
Trung Quốc xét lại quyết định không tham gia, bởi PCA là cơ sở giải quyết
tranh chấp một cách ôn hòa, cởi mở, và hữu nghị. Nhưng trên thực tế, các
động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông gần đây, nhất là vụ
giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam
cho thấy Trung Quốc đã phớt lờ chủ trương đối thoại hòa bình theo
luật pháp quốc tế và đang theo chiều hướng dùng vũ lực để xâm lược
vùng biển đang tranh chấp, có chủ quyền của nước khác. Còn theo bà
Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), dù Trung
Quốc không chấp nhận tham gia vụ kiện nhưng nếu càng nhiều nước ủng hộ
Philippines đưa vụ việc ra Toà án trọng tài quốc tế thì càng có nhiều khả năng
Trung Quốc ít nhất sẽ phải tính đến cái giá về uy tín quốc tế mà họ phải trả
trong những vụ việc như thế.
Việc
từ chối và né tránh tham gia PCA của Trung Quốc được nhiều chuyên gia,
học giả quốc tế lý giải bởi Trung Quốc rất hiểu rõ luật pháp quốc
tế. Trung Quốc không thể đưa ra một bằng chứng thuyết phục nào hay
nói cách khác là Trung Quốc lấy gì để bảo vệ “đường 9 đoạn” của
mình trước công lý quốc tế và dư luận sẽ không bao giờ ủng hộ hành
vi bất chấp luật pháp quốc tế này. Nhiều chuyên gia còn dự báo, sự
từ chối của Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh tiến trình vụ kiện,
và phán quyết cuối cùng sẽ sớm được đưa ra. Nếu phán quyết này có lợi cho phía
Philippines, đây sẽ là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc.
QUỐC
HƯNG