Hơn 27 năm cầm bút viết báo ở huyện, tôi có nhiều kỷ niệm buồn, vui.
Những ngày đầu, mới ra trường, tôi được tổ chức phân công về làm nhiệm vụ của một phóng viên Đài huyện. Phóng viên Đài huyện xuống cơ sở bằng xe đạp, vai mang cái túi xách to đùng, chiếc máy ghi âm Sony kèm theo 4 cục pin đại, dây nhợ loằng ngoằng, ấy thế mà trông oách ra phết. Phóng viên Đài huyện được HTX mời dự hội nghị, đại hội thì còn gì vinh dự bằng. Từ tờ mờ sáng, trên con đường dẫn đến trụ sở HTX loa đài râm ran, cờ băng, khẩu hiệu rợp trời. Mặt trời lên quá ngọn tre mà đại hội chưa khai mạc được, vì còn phải chờ quan chức, chờ cái anh phóng viên đài tỉnh, đài huyện. Dự đại hội, phóng viên đài huyện khi đã có bản báo cáo trong tay, coi như đã hòm hòm tư liệu, ung dung về bản đài phóng bút vài bài ghi chép, ghi nhanh hoành tráng. Không những thế, bản báo cáo còn là của để dành của phóng viên. Nếu chương trình của Đài huyện phải chạy “gạo bữa” thì phóng viên phải chịu khó “ chẻ rau muống” thành nhiều bản tin từ bản báo cáo. Đó là chưa nói đến đây là nguồn “nguyên liệu” để dành “xào đi, xào lại” không biết bao nhiêu lần.
Làm báo cấp huyện thời bao cấp, phóng viên đài huyện ngán nhất là viết tin thu thanh. Trong thời lượng cho phép khoảng 3 trang giấy Bãi Bằng, sang thì đánh máy chữ còn tệ hơn thì cứ thế mà nguệch ngoạc bằng bút Hồng Hà mà phải giới thiệu không thiếu một vị cán bộ nào, từ cán bộ tỉnh, huyện cho đến xã, HTX. Thành ra một bản tin đọc lên thấy đủ các gương mặt quan chức nhưng ít thấy gương mặt xã viên. Chưa hết, khi vị lãnh đạo nọ thích nói trên đài thì phải phát nguyên lời bài phát biểu dài dằng dặc. Đoạn kết tin thu thanh thì dù muốn dù không phải đưa ra một viễn cảnh tươi sáng, đầy hứa hẹn cho sự thành công “vô cùng” tốt đẹp. Từ tư duy nghiệp vụ rập khuôn, sáo mòn và duy ý chí đã biến một bản tin mang tính thời sự, phản ánh cô đọng sự kiện thành một bản báo cáo thành tích hay nói đúng hơn về góc độ nghiệp vụ thì tin chẳng ra tin mà bài chẳng ra bài. Ấy thế mà Đài phát oang oang, nghe râm ran cả xóm làng, cổ vũ rần rần cho phong trào làm ăn tập thể của bà con.
Phóng viên Đài huyện lâu ngày tác nghiệp theo cái kiểu thiếu nguyên tắc nghiệp vụ báo chí trở thành thói quen xa rời cơ sở, không sát với bà con xã viên, người lao động, không nắm bắt được mọi chuyển động, hơi thở của cuộc sống để chọn lọc, phân tích, chứng minh trong bài viết của mình. Một kỷ niệm nhớ đời đối với tôi về lề thói tác nghiệp chỉ cần nghe báo cáo của cán bộ là “mạnh dạn” viết bài được ngay. Đó là chuyện cách đây hơn 20 năm, khi xuống cơ sở tại xã Duy Châu để tìm hiểu, giới thiệu về một gia đình cách mạng, một thương binh không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước, tự khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, giúp đỡ bà con làm ăn, nêu gương trong cuộc sống nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Khi được anh cán bộ xã kể tràng giang đại hải về một anh thương binh phát triển nuôi bò, nuôi heo, đưa cuộc sống gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả. Với suy nghĩ chủ quan, vả lại theo thói quen tác nghiệp, tôi không cần phải hỏi bà con hàng xóm để kiểm chứng và đến tận nơi để xem tận mắt mà phóng ngay về cơ quan ngoáy một loáng xong ngay một mẩu chuyện người tốt, việc tốt. Sáng hôm sau phát oang oang trên đài. Và điều gì sẽ đến thì đã đến, tác giả không nhận được một lời khen mà bị chỉ trích một cách gay gắt. Thậm chí bà con ở trong thôn nơi anh thương binh được nêu trên đài phản ứng gay gắt. Còn nhân vật của tôi biểu dương thì không dám nhìn mặt bà con. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do cái bệnh chủ quan, suy diễn của tôi, cứ đinh ninh nhân vật của mình là thương binh cách mạng ai ngờ đâu anh thương binh ấy là thương binh của chế độ cũ. Đúng là một bài học nhớ đời.
Làm báo cấp huyện từ cái thời bao cấp cho đến thời đổi mới của đất nước, nghĩa là thời kỳ xóa bỏ tệ quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, buộc anh phóng viên Đài huyện cũng phải thay đổi tư duy báo chí và phong cách tác nghiệp. Đặc biệt là khởi đầu là hàng loạt bài báo của tác giả N.V.L với tiêu đề “Nói và làm” đăng trên báo Nhân Dân, đã châm ngòi cho báo chí cách mạng nói chung, người làm báo ở cấp huyện nói riêng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Mặt khác, kể từ khi hệ thống truyền hình ra đời buộc phóng viên không thể ngồi tại phòng biên tập mà có hình ảnh được mà phải đi cơ sở để ghi hình ảnh. Từ bối cảnh đó, tư duy báo chí, qui trình tác nghiệp và tác phong làm việc của anh phóng viên đài huyện cũng phải thay đổi. Lúc này tính sự thật, tính chân thật, tính thời sự, tính Đảng, tính quần chúng trong báo chí cấp huyện mới dần dần trở lại với bản chất của nó. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, các loại hình thông tin, các kênh thông tin phát triển như vũ bão. Thông tin thời sự cập nhật hàng giờ, hàng ngày mang tính cả nước, toàn cầu và sự vận động, biến đổi nhanh chóng từ cơ sở đã đòi hỏi những người làm báo cấp huyện phải trăn trở, đổi mới cách làm báo, tự tìm ra chỗ đứng của mình trong một xa lộ thông tin.
Tin phát ở đài huyện phải ngắn gọn, súc tích, sự kiện nổi bật, giảm hẳn tin lễ tân, hội nghị. Bài phải chọn đúng đề tài mà dư luận xã hội quan tâm, cách viết không còn lung khởi mà phải trực khởi, nghĩa là đi ngay vào vấn đề người dân cần nghe, chứ không phải viết theo cái lối “dây cà ra dây muống”. Phóng viên đài huyện phải bám sát cơ sở theo dõi những động tỉnh diễn ra, khi phát hiện sự kiện mới là có mặt ngay, viết lập tức, đưa vào chương trình phát liền. Và bây giờ tác nghiêp báo chí của phóng viên đài huyện chỉ cần nhấp chuột là chỉ trong tích tắc tòa soạn đã nhận được và phúc đáp rõ ràng.
Còn rất nhiều điều buồn vui của phóng viên đài huyện muốn tỏ bày. Xin mạo muội kể lại vài chuyện rủi ro nghề nghiệp và đôi lời tâm sự để mong đồng nghiệp cùng chia sẻ.
Hoàng Thơ