Biến đổi khí hậu hiện nay đang là một vấn đề quan tâm lớn của
toàn cầu, tác động của nó rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Biểu
hiện của biến đổi khí hậu có thể thấy rỏ là thiên tại, hạn hán, lũ lụt xảy ra
ngày càng nhiều và ngày một nghiêm trọng hơn.
Huyện Duy Xuyên với địa hình từ Tây sang Đông, phía Tây là
vùng đồi núi, phía đông là vùng cát ven biển. Địa hình thấp dần từ tây sang
đông, độ chênh địa hình tương đối lớn, nơi cao nhất là đỉnh Hòn Tàu 953m, nơi
thấp nhất là vùng đông chưa đến 5m. Nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa vùng
Nam Hải Vân, cộng với địa hình phức tạp nên huyện Duy Xuyên thường xuyên bị ảnh
hưởng nặng bởi tác động của thời tiết và biến đổi khí hậu. Bình quân mỗi năm
Duy Xuyên phải oằn mình gánh chịu từ 5 đến 8 cơn lũ; hạn hán xảy ra thường
xuyên và kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, chưa kể đến những đợt bão tố, lốc xoáy
và giông sét bất thường gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng rất
lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo thống kê thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện
từ năm 2005 đến nay, đã có đến hơn 30 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gần 30 đợt lũ
lụt, 10 cơn lốc xoáy và nhiều thiên tai khác. Chỉ riêng thiệt hại do bão lũ gây
ra trong năm 5 gần đây đã lên đến trên 600 tỷ đồng, làm nhiều người chết và
hàng trăm người bị thương do bão lũ. Riêng cơn bão số 11 đi qua địa bàn huyện
Duy Xuyên vào giữa tháng 11 năm 2013 đã gây thiệt hại nặng nề, toàn huyện có 20 người bị thương, 40 ngôi nhà
bị sập đổ hoàn toàn; 4048 ngôi nhà bị tốc mái các loại, trong đó
có 382 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn; 73 phòng học bị tốc mái; 21
chiếc tàu thuyền bị hư hỏng; 101 trụ điện bị ngã đổ; 11 rụ sở cơ
quan, trạm y tế bị hư hại; hơn 900 Ha hoa màu vụ đông và lúa gieo cấy
kỳ bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính 125 tỉ đồng.
Thiên tai bão lũ cũng làm đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của
hàng trăm hộ dân của làng Tĩnh Yên, xã Duy Thu; Lệ Bắc, xã Duy Châu; Phước Mỹ
xã Duy Phước; Đông Bình, xã Duy Vinh; bờ đông Cầu Chìm và nhân dân vùng đông sống
dọc bờ sông, hàng năm gây ngập úng hàng nghìn hecta hoa màu và đất canh tác của
bà con; chưa kể đến hơn 2/3 diện tích đất
lúa ở hạ lưu sông Thu Bồn bị nhiễm mặn. Vì thế hàng năm phải mất đến hàng trăm
tỷ đồng cho công tác bố trí, di dời dân đến nơi ở mới cũng như sắp xếp cải tạo
đất canh tác và xây dựng kè chống xói lở ven sông, để đảm bảo ổn định phát triển
kinh tế.
Để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại địa phương,
trong những năm qua, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện
Duy Xuyên đã chủ động theo dõi thuờng xuyên diễn biến thời tiết, túc trực thường
xuyên và phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, các đơn vị
địa phương sẵn sàng các phương án phòng chống đối phó với những diện biến phức
tạp của tình hình thiên tai, bão lũ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên
tai, bão lũ gây ra.
Tuy
nhiên, ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu không chỉ là có ở thiên tai lũ lụt, mà
còn rất nhiều tác động khác đang ngày càng đe doạ đến cuộc sống và tính mạng
của toàn cầu. Ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự chung tay của tất cả mọi
người, không ai khác là tất cả mội tầng lớp nhân dân. Chúng ta phải có những
hành động quyết liệt ngay bây giờ để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi
khí hậu như trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp tăng
cường xây dựng các công trình thủy lợi mới, cải tạo nâng cấp các công trình
hiện có để nâng cao năng lực tích trữ nước dự trữ cho mùa khô hạn; xây dựng các
công trình kè chống xói lở bên bờ sông, suối, nạo vét kênh mương, hồ chứa và
các biện pháp chống xói mòn; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều
chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người
dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng
thường xuyên bị tác động của thiên tai. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, khí
tượng thủy văn đề ra mục tiêu giảm thiểu nguy cơ suy thoái - cạn kiệt nguồn
nước, cảnh báo các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan, nâng cao chất lượng
nguồn nước.
Phi Thành