Lộ trình sắp xếp dân
cư ven biển trên địa bàn tỉnh đã không như mong muốn. Bị kẹp giữa không gian qui
hoạch rộng lớn, nhiều nơi cuộc sống người dân bị xáo trộn bởi không biết ngày
mai sẽ di dời hay ở lại.
Sau nhiều năm đợi chờ dự án di dân, một số làng chài dọc ven biển
vẫn trong tình cảnh đứng ngồi không yên. Hàng loạt tiểu dự án dịch chuyển dân
đến nơi ở mới triển khai hết sức ì ạch, đầu tư chắp vá, ít nhiều gây tâm lý lo
lắng cho người dân.
Tôi trở lại các làng chài ven biển Duy Xuyên, nắng nóng như thiêu
đốt trên từng nổng cát. Trái ngược với cảnh đông dân cư ở chợ Nồi Rang, hay
làng chài Duy Nghĩa, các khu tái định cư tái định cư cách đó hơn 1km với diện
tích rộng lớn song thưa thớt nhà ở, thậm chí nhiều chỗ nhìn giống sa mạc. Đường
lớn, đường nhỏ mở ra chi chít, hệ thống điện cũng bắt đầu đấu nối nhưng khu dân
cư vắng người. Trong khi đó, nhiều trường hợp bắt buộc phải di dời, đã nhận hơn
một nửa tiền đền bù, chờ đợi ngày ra đi, đùng một cái dự án thông báo tạm dừng
khiến người dân dở khóc dở cười. Tiền nhận thì chưa đủ để xây nhà mới nên hao
hụt theo từng ngày, trong khi nhà cũ xuống cấp, có muốn cũng không thể sửa chữa
được do vướng qui hoạch. Chỉ tính riêng tại xã Duy Nghĩa, đã có hàng chục dự án
thành phần, trong đó nhiều dự án sắp xếp dân cư như khu dân cư Lệ Sơn, Nồi
Rang, Hồng Triều, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường ĐH6; đặc biệt đường giao thông
trục chính Khu dân cư làng chài chiếm 721ha. Điều dễ nhận thấy, phần lớn các dự
án giãn dân đều “chạy sau” các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, chủ đầu tư và chính quyền chỉ thực sự ưu tiên giải quyết cho các trường
hợp bị giải tỏa trắng hoặc thực sự bức thiết về nhà ở; còn việc đưa dân đi tái định
cư ở đâu, thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào tiến độ thi công của từng dự án.
Mặt bằng di dân bố trí dàn trải, nhà đầu tư chưa chú trọng đầu tư
đồng bộ hạ tầng nên người dân không mấy thiết tha xây nhà sinh sống. Tại các
khu vực dễ bị tổn thương nhất trên địa bàn xã Duy Nghĩa như Thuận An, Hội Sơn
thuộc diện phải cấp bách sắp xếp dân cư nhưng nhiều năm vẫn bất động, vào mùa
mưa lũ chính quyền lại phải dồn sức sơ tán dân. Nghịch lý là, nhiều dự án thiếu
quỹ đất tái định cư cho dân; nhưng ngược lại một số khu tái định cư dân không
chịu vào ở. Đơn cử, dự án tuyến đường trục chính của xã Duy Nghĩa có 146 hộ bị
giải tỏa, song đến nay mới bố trí được 31 hộ tái định cư; hơn 50 hộ bị giải tỏa
trắng trong dự án đường dẫn cầu Cửa Đại đang chờ đất tái định cư từng ngày.
Trong khi đó, khu tái định cư Lệ Sơn với mặt bằng rộng 26ha hiện chỉ có 20 hộ
xây nhà. Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa – ông Nguyễn Tấn Nam than thở: “Nhà nước công bố qui hoạch tràn lan, diện
tích lớn, nhưng thực tế thi công thì rất nhỏ. Không ít dự án bố trí tái định cư
“cù nhây”, gây bức xúc triền miên cho người dân. Địa phương đang kẹp trong cái
“vòng kim cô” của qui hoạch treo, người dân không thể nào tách thửa, giao dịch
mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng, xây nhà được nên gây khó khăn cho chính
quyền trong quản lý hiện trạng đất đai”.
Theo ông Nam, sở dĩ việc bố trí, sắp xếp dân cư không đạt như mục
tiêu đề ra là do tư tưởng nôn nóng gấp rút thi công dự án, trong khi công tác qui
hoạch vùng sản xuất gắn với với khu dân cư chưa được xem xét phù hợp. Thực tế,
giữa làng cũ và làng mới vẫn còn khoảng cách khá xa. Ông Nam cho biết thêm, “Chủ đầu tư đến nay vẫn còn lơ tơ mơ không
trả lời được câu hỏi dân đi hay ở lại và có cam kết rõ ràng với chính quyền”.
HỮU PHÚC