A+ A A-

Cây mai dương, mối nguy hại của ngành nông nghiệp

alt
Đi một vòng quanh những cánh đồng đất màu mở ở ven sông huyện Duy Xuyên đâu đâu chúng tôi cũng thấy những lùm cây mai dương rộng lớn, từ những bãi bồi ven sông đến những cánh đồng, vùng trũng nước,…cây mai dương ở đây phát triển quá nhanh.
 Quan sát kỹ ở những lùm mai dương ven sông và những cánh đồng đất màu ở huyện cây mai dương là loài cây bụi phát triển rất nhanh, có tán rộng. Trên khắp thân và lá đều có gai, nên ở đâu có mai dương, các loại cây khác hầu như không mọc được, hoặc cây nào "vượt" qua được những tầng gai góc của mai dương mà ngoi lên cũng phát triển èo uột, vì mai dương hấp thụ rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất làm cho đất bạc màu nhanh chóng, rõ ràng không chỉ là cái bẫy nguy hiểm của nhiều loài động vật, mà cả với những thực vật khác ở xung quanh.

Giống như các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, cây mai dương trước tiên chiếm cứ các vùng đất bị xáo trộn, chẳng hạn như bờ kênh, lề đường và hiện đang lấn dần vào các vùng đồng cỏ ẩm của những vùng đất màu mỡ với tốc độ rất nhanh. Thực tế, khoảng mười năm trở lại đây, cây mai dương phát tán và mọc nhanh ở nhiều nơi trong huyện, trong đó có khu vực ven sông Thu Bồn, sông Bàn Thạch, sông Bà Rén, sông Trường Giang... chúng phát triển rất nhanh chóng ở đất trồng cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là ở các bờ kè, bờ kênh, khu vực hồ, bàu; những nơi nước chảy... Mai dương mọc hoang dại lấn chiếm đất canh tác, cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất, gây sát thương cho người và gia súc. Hiện nay, sự xâm lấn của cây mai dương đang trở thành mối nguy hại đối với những vùng đất màu ven sông, các hồ chứa nước, đập dâng, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt. Sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần.

alt
Cây mai dương có tên khoa học Mimosa pigra (tên khác: Trinh nữ trâu, Trinh nữ tây, Móc mèo mỹ). Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ, là một loài cây bụi, mọc dày đặc rất nhiều gai cứng và được xem là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới. Cây thuộc họ cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, đất ẩm ướt. Thân cây có chiều dài lên đến 6 m, phân rất nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn. Hạt khi chín có màu nâu hay xanh ô liu, kích thước hạt 4-6 mm. Một cây sản sinh được 9000 hạt, hạt nhẹ, có lông, do đó rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước. Hạt có miên trạng tốt, có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm. Được biết, mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4,5 chồi non; hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m 2. Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt với các loại cây khác, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng. Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 50.000-100.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao. Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt này nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây. Từ năm 2000, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn gây hậu quả nguy hiểm nhất trên thế giới.

Trước nguy hại của cây mai dương đối với hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, ngày 01/6/2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Quảng Nam nhưng hiện nay hiệu quả đạt được chưa cao, vì hàng năm trong mùa mưa lũ, sông Thu Bồn, sông Bà Rén, sông Trường Giang... lại mang hàng triệu hạt từ các vùng đất mai dương phát triển ở thượng lưu sông tràn vào các cánh đồng lúa, màu, các bờ kênh… mai dương là một loại cây rất khó tiêu diệt, vì khả năng tái sinh rất cao do hạt mai dương tồn tại trong đất rất lâu. Hiện nay, thuốc diệt cỏ có thể tiêu diệt được cây mai dương, nhưng không thể dùng hóa chất vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014, với chủ đề “ Hãy hành động vì một môi trường không rác”, UBND huyện Duy Xuyên đã triển khai kế hoạch ra quân diệt loài cây Mai dương trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, từ ngày 15.9 đến ngày 21.9.2014, toàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền; ra quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường;đẩy mạnh các phong trào bảo vệ môi trường tại cơ sở, như: Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon; đẩy mạnh nói rõ tác hại của cây Mai dương đối với sản xuất và đời sống; ra quân diệt loài cây Mai dương trên toàn huyện, theo phương châm “ thấy đâu, diệt đó”.

Theo chúng tôi, biện pháp tốt nhất để hạn chế sự phát triển của mai dương đang được nhiều nơi áp dụng là dùng phương pháp thủ công như tuyên truyền cho nông dân, cho những HTXNN và các địa phương phá bỏ triệt để mai dương con mới mọc; chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương, việc diệt trừ cây mai dương cần tiến hành sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển. Đối với cây còn nhỏ có thể dùng các loại dụng cụ thô sơ hoặc bằng tay, nhổ tiêu hủy giống như nhiều loại cỏ dại khác; Đối với cây lớn, dùng biện pháp cưa đốn chặt cây và gom tàn dư lại đốt tiêu hủy. Sau khi cây mọc tái sinh lại có chiều cao 20-25 cm dùng thuốc cỏ phun để diệt tận gốc, sử dụng một số loại thuốc có khả năng lưu dẫn để phun xịt. Những nơi đất trống chưa có kế hoạch sản xuất, nên trồng các loài cỏ hoà thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh.

Diệt trừ cây Mai dương là bảo vệ lợi ích thiết thực của người dân, là bảo vệ sản xuất, môi trường sống cho tất cả loài sinh vật. Vì vậy, diệt trừ tận gốc cây Mai dương là trách nhiệm không của riêng ai.

Hoàng Thơ

 

 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799960
Hôm nay
Hôm qua
4081
10160