Qua gần 5 tháng đưa vào sử dụng, công trình cung cấp nước sạch cho người dân ở thôn 4 (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) không phát huy hiệu quả như mong đợi vì nguồn cung thiếu hụt trầm trọng…
|
Công trình nước sinh hoạt ở xã Duy Hòa mang lại hiệu quả thấp.Ảnh: HOÀI NHI |
Khan hiếm nước sạch
Ông Trần Đình Đôi - Trưởng ban Dân chính thôn 4, xã Duy Hòa cho biết, do địa bàn thuộc vùng đồi núi, từ mặt đất đào sâu xuống 15 - 20m toàn sỏi đá nên mạch nước ngầm ở đây rất khan hiếm. Từ bao đời nay, hơn 400 hộ dân sống bằng nghề nông của địa phương này luôn thiếu nước dùng cho sinh hoạt, chưa nói đến chuyện phục vụ sản xuất, nhất là vào mùa khô. Để có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh sử dụng, người dân phải mang thùng đi bộ hàng cây số gánh nước từ các nơi khác về.
Mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng cứ vài ba ngày là bà Lê Thị Sương lại phải quảy thùng đi khắp nơi xin nước về phục vụ việc nấu ăn, tắm giặt. Theo bà Sương, người dân ở đây đào giếng thì rất nhiều nhưng số dùng được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi, nguồn nước không cạn kiệt thì cũng bị nhiễm phèn rất nặng. “Phần lớn các hộ dân trên địa bàn thôn 4 của xã Duy Hòa này có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vào thời điểm mùa khô ai cũng đành bấm bụng bỏ ra mỗi tháng hơn 200 nghìn đồng để mua nước đóng bình về uống, nấu ăn cho đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay, niềm mơ ước lớn nhất của tôi và tất cả người dân trong vùng là có được công trình nước sạch tại địa phương để không còn vất vả gánh thùng đi xin như suốt 39 năm qua” - bà Sương nói.
Hiệu quả thấp
Trước nhu cầu bức thiết của nhân dân, chính quyền xã Duy Hòa đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ xây dựng hoàn thành hệ thống nước sạch tại địa bàn thôn 4. Cách đây gần 5 tháng, khi đưa công trình này vào sử dụng, người dân nơi đây rất phấn khởi vì từ nay họ đã giảm bớt nỗi lo về bệnh tật. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành tương đối dài nhưng công trình nước sinh hoạt này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Chỉ tay về phía vòi nước đang nhỏ từng giọt, ông Nguyễn Minh Phụng - người dân địa phương cho hay, để nối đường ống từ ngoài đường vào đến tận bể chứa, gia đình ông phải bỏ ra hơn 200 nghìn đồng, đó là chưa kể đến việc góp nhiều công lao động đào đường ống từ nơi đặt bể nước lớn đến từng hộ có nhu cầu sử dụng. Theo quan sát của chúng tôi, ông Phụng lắp đặt đường ống thấp hơn mặt đường khoảng 2m. Ông Phụng giải thích: “Nước ở đây rất yếu nên để chảy được vào trong thùng nhà mình thì tôi phải làm thấp như vậy. Tại khu vực này, những nhà cao hơn mặt đường mà không làm như thế thì coi như không có nước sinh hoạt. Và rồi, họ đành phải gánh thùng đi xách nước từ các giếng khoan về dùng, mặc dù biết là không đảm bảo vấn đề vệ sinh”.
Tương tự ông Phụng, gia đình ông Phan Phước ở gần đó cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ông Phước nói: “Suốt cả tuần nay tôi không có nước sạch để sử dụng. Tôi có đào cái giếng từ năm 2001 nhưng do nắng hạn kéo dài, mạch nước ngầm cạn dần. Thời điểm này, mỗi sáng tôi chỉ xách được vài thùng nước dưới giếng lên, chừng ấy làm sao đủ tắm rửa, giặt đồ, nấu ăn, đó là chưa nói tới chuyện nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng. Nếu thời gian tới chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan không khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn cung của hệ thống nước sạch thì chắc chắn tôi sẽ phải thuê người khoan một cái giếng nữa”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa xác nhận: “Do thời gian qua nắng hạn kéo dài, nguồn nước thiếu hụt trầm trọng nên hệ thống nước sạch chỉ cung cấp được cho 50 hộ dân, chiếm chưa đến một nửa so với tổng số hộ hưởng lợi từ công trình. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã làm việc với đơn vị thi công, yêu cầu khẩn trương khắc phục tình trạng trên bằng biện pháp là khoan thêm một giếng mới nhằm đảm bảo cung ứng nước sinh hoạt cho dân”.
Hoài Nhi.