Sau một thời gian tạm lắng, những ngày gần đây nhiều ghe thuyền lại đua nhau khai thác cát trái phép trên nhánh sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) làm mất an ninh trật tự và gây bức
xúc trong nhân dân.
“Rút ruột” lòng sông
Trưa 26.11, chúng tôi theo chân tổ công tác liên ngành của xã Duy Phước truy đuổi các đối tượng đang khai thác cát trái phép trên nhánh sông Thu Bồn. Khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, các đối tượng liền điều khiển ghe thuyền chạy ngược về phía huyện Điện Bàn và xuôi xuống TP.Hội An. Sau hơn 30 phút truy đuổi, tổ công tác liên ngành đã chặn bắt được một trong số 3 ghe bỏ chạy. Trên chiếc ghe bị bắt lúc này có 3 đối tượng gồm Hồ Văn Tế (sinh năm 1993, trú xã Duy Châu), Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1988, xã Duy Tân), Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1992, xã Duy Tân), phương tiện đang chở đầy 35m3 cát. Theo tìm hiểu, hầu hết đối tượng vừa nêu đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và được chủ đầu nậu thuê đi hút cát.
Lực lượng liên ngành xã Duy Phước bắt được
1 ghe hút cát trái phép vào trưa 26.11. 2014.Ảnh: HOÀI NHI
Theo phản ảnh của nhiều người dân ở xã Duy Phước, trong vòng 3 tuần trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương này diễn ra công khai, rầm rộ. Bất kể ngày hay đêm đều có 3 - 10 chiếc ghe đục khoét lòng sông, mỗi ghe chứa 25 - 50m3 cát. Sau khi hút đầy, các ghe thuyền tập kết về một số bến bãi ở đầu cầu Câu Lâu (xã Duy Vinh) và một số địa điểm ở huyện Điện Bàn. Ông Nguyễn Dự - một người dân trú thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) nói: “Cứ đêm xuống là tiếng máy nổ ầm ầm không chịu nổi. Nhưng lo nhất là bờ kè Mỹ Phước và đất sản xuất nông nghiệp ven sông bị sạt lở hết. Tôi và người dân ở đây tha thiết mong các ngành chức năng sớm dẹp bỏ tình trạng này, trả lại sự bình yên cho dòng sông”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm nay việc khai thác cát trái phép đoạn qua xã Duy Phước đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ kè Mỹ Phước. Công trình này có tổng chiều dài gần 1,8km, được xây dựng hoàn thành từ năm 2010 với tổng kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Riêng năm 2013, các đơn vị liên quan đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng khắc phục tình trạng hư hỏng, song hiện nay vẫn có ít nhất 10 đoạn bị sụt lún, từng mảng bê tông nằm ngổn ngang, nhiều rọ đá cũng bị trôi tụt xuống đáy sông. Ông Nguyễn Tố - Trưởng ban Dân chính thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) lo lắng: “Cũng may là năm nay lũ không về, chứ nếu có chắc bờ kè này sẽ bị sạt lở nặng hơn. Thời gian đến, nếu tình trạng khai thác cát trái phép vẫn cứ dai dẳng thì bờ kè Mỹ Phước không thể trụ vững và nhiều khả năng còn gây xói lở tới tận chân cầu Câu Lâu”.
Truy bắt khó khăn
Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, để chủ động trong việc truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép, chính quyền địa phương đã bố trí sẵn 1 chiếc thuyền máy và cắt cử những cán bộ nhiệt tình, biết lội bơi liên tục tổ chức ra quân tuần tra bất kể ngày hay đêm. Tuy nhiên, điều đáng nói là cứ mỗi lần đi bắt, lực lượng liên ngành của địa phương chẳng thấy bóng dáng ghe thuyền nào xuất hiện. “Rõ ràng việc hút cát trên sông Thu Bồn này có tổ chức bài bản, có người theo dõi, quan sát và báo tin mỗi khi chúng tôi ra quân. Vì vậy, việc truy đuổi đang gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đào nói.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi việc khai thác cát có lợi nhuận cao cùng những biện pháp xử lý chưa đồng bộ khiến việc khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi. Ông Nguyễn Thận - Chủ tịch UBND xã Duy Phước nói: “Quan điểm của lãnh đạo địa phương là làm đến nơi đến chốn, không để tình trạng này kéo dài. Tuy nhiên, phương tiện phục vụ việc truy bắt trên sông còn nhiều hạn chế, lực lượng thì lại quá mỏng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng cấp trên đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, xử lý mạnh tay hơn nữa hành vi khai thác cát trái phép”. Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng liên ngành của huyện Duy Xuyên gồm công an, tài nguyên môi trường và chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác cát trái phép dọc theo sông Thu Bồn, Trường Giang. Qua đó, phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm, xử phạt 165 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.
Rõ ràng, sự lộng hành của nạn “sa tặc” không chỉ làm cho nguồn tài nguyên bị khai thác bừa bãi mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các ngành liên quan.
HOÀI NHI