Cùng với sự bắt đầu
của đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tháng 3.2011, Trung tâm Dạy nghề
Duy Xuyên được thành lập. Ba năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên của đơn vị đã
nỗ lực không ngừng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trưởng thành
Năm 2011, ông Phan Văn Bình - Trưởng phòng
Đào tạo của một trường trung cấp nghề được điều chuyển về làm Phó Giám đốc phụ
trách Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên (gọi tắt là Trung tâm). Lúc bấy giờ, Trung
tâm mới chỉ có quyết định thành lập cùng với đề án Đào tạo nghề cho lao động
nông thôn (theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ) - là một trung tâm
kiểu mẫu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh - chứ chưa có cơ sở
riêng, chưa có con người, giáo trình giáo án... Bây giờ là giám đốc trung tâm,
ông Bình nhớ lại những ngày đầu gian khó: “Lúc nhận nhiệm vụ, tôi thực sự vô
cùng lo lắng. Mọi thứ phải bắt đầu từ con số không. UBND huyện Duy Xuyên cho
mượn cơ sở, tôi thì đi lo tuyển dụng cán bộ. Quyết định thành lập Trung tâm vào
tháng 3, nhưng đến tháng 8.2011 mới bắt đầu hoạt động, tuyển dụng được thêm 4
cán bộ, bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Khi đi vào đào tạo nghề, chỉ có mấy
người không làm xuể công việc, nên hầu như đứng lớp chỉ có giáo viên thỉnh
giảng là những nghệ nhân, thợ lành nghề. Ban đầu trung tâm chỉ đào tạo học viên
ở huyện Duy Xuyên, chưa thể vươn xa vì không đủ lực. Bây giờ, Trung tâm đã có
cơ sở khang trang, có trang thiết bị thực hành đầy đủ cho 4 nghề may, mộc máy
dân dụng, hàn, tin học. Bộ máy nhân sự của Trung tâm đã ổn định, có đầy đủ các
đoàn thể chính trị - xã hội”.
Mong mỏi có một cơ sở ổn định đã thành hiện
thực đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm. Đóng chân trên địa bàn xã Duy
Phước, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 với cơ sở khang trang gồm
khối nhà làm việc, phòng học và nhà thực hành, trên diện tích khuôn viên rộng
1ha, kinh phí đầu tư 25 tỷ đồng (tổng diện tích được giao sử dụng rộng 3ha,
tổng vốn đầu tư 78,8 tỷ đồng). Có “nhà mới”, từ đây Trung tâm đã yên tâm thực
hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, với đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng chuẩn,
đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Đào tạo theo nhu cầu
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào
tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hơn 1.500 lao động nông thôn.
Qua điều tra khảo sát của Trung tâm, tỷ lệ lao động có việc làm hoặc nâng cao
tay nghề, nâng cao thu nhập từ nghề đã học sau khi hoàn thành khóa đào tạo đạt
hơn 75%. Sau thời gian đầu khó khăn, khi tạm thời đi vào ổn định, Trung tâm dần
mở rộng phạm vi đào tạo nghề từ khu vực huyện Duy Xuyên ra các địa phương khác
như Thăng Bình, Tam Kỳ, Hiệp Đức. Bây giờ, khi cơ sở vật chất ổn định, đội ngũ
giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng đầy đủ, Trung tâm định hướng sẽ mở rộng hơn nữa
địa bàn tuyển sinh với phương châm đào tạo lâu nay vẫn áp dụng là “không đào
tạo theo nghề sẵn có mà theo nhu cầu trong nhân dân gắn với giải quyết việc
làm”.
Theo hướng đi trên, Trung tâm thường xuyên cử
cán bộ về cơ sở khảo sát thực tế nhu cầu, sau đó mới đề xuất những nghề cần đào
tạo với chính quyền địa phương, cũng như hướng đào tạo, giáo trình, cách giảng
dạy phù hợp và giải quyết việc làm sau đào tạo. Lao động được tư vấn học những
nghề có thể giải quyết được việc làm, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương. Chính điều này đã giúp giảm nguy cơ thừa nhân lực ở
những nghề quá nhiều người học nhưng nhu cầu xã hội không cao. Cách đào tạo lưu
động đi tận cơ sở, cũng như cách dạy và học thực tế, cụ thể theo hướng cầm tay
chỉ việc cũng đã tạo nên uy tín của Trung tâm đối với lao động nông thôn và
chính quyền địa phương.
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên - Phan Văn Bình cho biết: “Trong thời gian tới,
ngoài đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm sẽ mở rộng liên kết với
các trường, tổ chức nước ngoài trong các hoạt động liên quan đến giải quyết
việc làm, tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh, phụ huynh từ cấp THCS. Đồng
thời sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng mở lớp liên thông phục vụ nhu
cầu nâng cao tay nghề cho người lao động. Trung tâm cũng sẽ chú trọng đến các
phiên giao dịch việc làm tại chỗ, liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm kết
nối giải quyết việc làm sau đào tạo”.
Về định hướng tăng cường hiệu quả trong công
tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020, Giám đốc Trung tâm
- Phan Văn Bình cho rằng mối liên kết giữa trung tâm đào tạo với địa phương là
hết sức cần thiết. Bởi, sự phát triển kinh tế của mỗi địa phương tạo ra nhu cầu
học nghề trong nhân dân, vì kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhiều ngành nghề, từ
đó người học nghề mới có cơ hội tìm kiếm việc làm. Ngoài sự nỗ lực của mỗi
trung tâm trong đào tạo, giải quyết việc làm, địa phương là cầu nối quan trọng,
giới thiệu lao động nông thôn đã học nghề với các cơ sở, doanh nghiệp đóng chân
trên địa bàn. Mô hình hay, có hiệu quả cần được địa phương phối hợp với các cơ
sở dạy nghề nhân rộng, làm cơ sở cho việc đào tạo cũng như khuyến khích, động
viên người dân học nghề.
DIỄM LỆ