Gần tết, công tác đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tết Nguyên đán 2015 càng được chú trọng
và tăng cường.
Kiểm tra toàn diện
Thời gian cận tết và sau
tết năm là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực
phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại
hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ khách du lịch,
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng tăng
cường hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều tháng nay. Tranh thủ thời cơ,
một số cơ sở lợi dụng trà trộn các sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, hàng giả,
hàng nhái tung ra thị trường để trục lợi. Bên cạnh đó, thời tiết nắng mưa bất
thường cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm, trong khi nhận thức
của người bán hàng về bảo quản hàng hóa, thực phẩm chưa đúng mức. Thế nên, việc
bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ tết đang là
vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng cũng như các cơ quan
chức năng.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất bánh ngọt. Ảnh: THỤC ANH
Mới đây, UBND tỉnh đã
ban hành kế hoạch đảm bảo ATVSTP Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2015. “Cũng như
mọi năm, hoạt động của đoàn liên ngành sẽ tập trung triển khai thanh tra, kiểm
tra, giám sát hàng hóa, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng được sử dụng nhiều
trong dịp tết như thịt, sản phẩm từ thịt, rượu bia, bánh mứt kẹo và các cơ sở
dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sức
khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thị trường hàng
hóa dịp Tết Nguyên đán, cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân
cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn” - ông Nguyễn
Cam, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nói. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ hoạt
động từ nay đến 30.3. Với việc tăng cường kiểm tra trong đợt Tết Nguyên đán,
Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm
trong dịp Tết Ất Mùi và lễ hội mùa Xuân 2015 so với cùng kỳ năm 2014. Được
biết, cùng với hoạt động của đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, tuyến huyện,
tuyến xã cũng thành lập đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra chất lượng thực
phẩm cung ứng phục vụ tết nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm về ATVSTP, hạn chế
tình trạng thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn
gốc trà trộn vào thị trường.
“Tay không bắt giặc”
Có một thực tế, nhiều
mặt hàng có chất lượng kém, hàng không rõ nguồn gốc nhưng giá rẻ thường được
đưa về tiêu thụ ở các vùng nông thôn, miền núi, nhất là vào dịp lễ, tết khi nhu
cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Những người dân ở vùng sâu vùng xa thường
đến các đại lý, tiệm tạp hóa gần nhà để “gom hàng” tết. Các chủ đại lý, tạp hóa
ở vùng sâu vùng xa hiện nay cũng phần lớn dựa vào các mối buôn, nguồn hàng chở
đến tận nơi bỏ nên luôn tin tưởng tuyệt đối và không có nhiều sự lựa chọn. Đây
chính là cơ hội để hàng hóa kém chất lượng lan tràn. Chị Nguyễn Thị Lan (thôn
4, xã Tiên An, huyện Tiên Phước), nói: “Mọi năm, khoảng hai mươi mấy tết là
mình đến tiệm tạp hóa quen để mua bánh kẹo, mỳ tôm... Ở tiệm tạp hóa có gì thì
mua nấy, bà con ở quê cũng ít để ý đến nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Mà nếu có
để ý cũng không thể biết hết nhãn hiệu đó có thật hay được làm giả. Mọi thứ đều
tin cậy, nhờ vào sự trung thực của chủ tạp hóa và nguồn hàng của họ”. Chúng tôi
đã nhiều lần chứng kiến một số loại hàng như bột ngọt, bánh kẹo bị làm nhái
được bày bán công khai ở một số tiệm tạp hóa ở xã Tam Lãnh, Tam Đại do các xe
tải từ TP.Tam Kỳ lên bỏ mối, dĩ nhiên các chủ tiệm tạp hóa cũng không hề hay
biết, hoàn toàn mù tịt thông tin về hàng thật, hàng giả.
Thế nên, kiểm soát ngay
từ các đơn vị đầu mối, cung cấp nguồn hàng để hạn chế hàng hóa kém chất lượng
đưa về vùng sâu, vùng xa quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều hoạt động thanh tra,
kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa lưu thông trên thị trường sẽ
được đẩy mạnh. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: y tế, nông nghiệp, công
thương, công an từ tỉnh đến cơ sở thông qua việc thành lập các đoàn kiểm tra
liên ngành tiến hành kiểm tra thường xuyên và tăng cường vào dịp lễ, tết đối
với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện
kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông
Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Chiến dịch truyền thông trong dịp
Tết Nguyên đán năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào việc nâng cao vai
trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ,
vệ sinh cá nhân phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở thực phẩm
hiểu đúng và thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền,
cung cấp kiến thức để giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn,
nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, sử
dụng phụ gia thực phẩm không được phép của Bộ Y tế…”.
Tuy nhiên, khó khăn hiện
nay của đoàn kiểm tra liên ngành là kinh phí để kiểm tra các mẫu hàng hóa. Với
kinh phí kiểm nghiệm mẫu cả năm chỉ có 30 triệu đồng trong khi muốn kiểm tra
mẫu nghi ngờ có độc hại, chứa các thành phần độc tố thì chi phí mỗi lần như thế
là 1,2 triệu đồng/mẫu/lần. “Trong điều kiện cơ sở vật chất và con người, Chi
cục ATVSTP tỉnh chỉ có thể tiến hành xác định có hàn the trong thực phẩm hay
không, còn với các loại hóa chất khác thì chịu, phải gửi mẫu đi kiểm định, phải
có tiền. Trong khi tài chính không cho phép nên chúng tôi thường nói đùa với
nhau là “tay không bắt giặc” mỗi lần tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành
về ATVSTP” - ông Nguyễn Cam, nói. Bên cạnh sự trông đợi vào các đoàn thanh tra,
kiểm tra liên ngành người dân cũng nên tự bảo vệ chính sức khỏe của mình dưới
mọi hình thức lựa chọn, chế biến thực phẩm để tết thực sự là mùa vui, an lành.
CHIÊU THỤC ANH