Được Chính phủ giao quản lý 1.158ha rừng xung quanh Khu di tích Mỹ Sơn (gọi là rừng Mỹ Sơn) theo quy hoạch tổng thể của di tích, dù thời gian qua đạt được nhiều kết quả trong việc gìn giữ và phát triển nhưng công tác bảo vệ rừng của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đến tham quan Khu di tích Mỹ Sơn, ngoài tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử, du khách còn có cơ hội khám phá môi trường sinh thái trong lòng di sản. Ảnh: VĨNH LỘC
Theo kết quả khảo sát, rừng Mỹ Sơn chủ yếu là cây tán lá thấp có tuổi thọ ngắn nên thực bì, vật liệu cháy dưới tán rừng tích tụ nhiều, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Trong khi phần lớn diện tích rừng phân bố ở những địa hình phức tạp hiểm trở, độ dốc lớn; đường công vụ không có nên bất tiện trong công tác tuần tra, kiểm soát, khi xảy ra cháy rừng rất khó khăn cho việc ứng cứu.
Khó vì chưa cắm mốc phân vùng
Hiện rừng Mỹ Sơn có địa bàn giáp ranh với 5 xã gồm Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú (Duy Xuyên) và Sơn Viên, Quế Trung (Nông Sơn). Tuy vậy, đến nay việc cắm mốc, phân vùng vẫn chưa được triển khai triệt để, điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Duy - Trưởng phòng An ninh bảo vệ Mỹ Sơn (thuộc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn) cho biết, dù đội tuần tra bảo vệ rừng có 30 thành viên nhưng do đây là khu vực có địa hình phức tạp, dân số đông, một số ngôi làng thuộc huyện Nông Sơn nằm sát rừng nên thường xuyên diễn ra tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật, đốt ong, chặt củi… trái phép, gây tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng chống cháy rừng. “Ngoài quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn mà Thủ tướng Chính phủ ban hành thì việc cắm mốc, phân vùng, giao đất, giao rừng hay cụ thể hơn là quyền quản lý rừng vẫn chưa được thực hiện. Do đó, chúng tôi rất khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát rừng. Trường hợp phát hiện có người vào rừng săn bắt, chặt phá rừng trái phép mình cũng chẳng biết xử lý thế nào, cùng lắm là dẫn giải về giao công an xã ghi tên tuổi, quê quán, răn đe rồi thả về. Nếu gặp người cố tình cãi lý thì cũng đành cho họ đi, vì mình đâu có quyền hạn pháp lý hay địa điểm sơ đồ, tọa độ gì đâu mà nói được” - ông Duy chia sẻ.
Dù được bảo vệ tốt nhưng công tác quản lý rừng Mỹ Sơn vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Vĩnh Lộc
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho hay, thời gian qua Ban quản lý luôn bố trí 2 nhân viên thường xuyên chốt canh tại điểm cao đỉnh núi Mỏ Cày quan sát toàn bộ diện tích rừng, nhanh chóng báo động khi phát hiện cháy rừng hay những biểu hiện khả nghi phá rừng. Cùng với đó, Ban quản lý tổ chức phát tuyến hàng chục cây số đường băng xanh ngăn chặn cháy lan và giúp cơ động hơn cho công tác ứng cứu khi có cháy rừng. Đồng thời phối hợp với các đơn vị xã Duy Phú, Hạt Kiểm lâm huyện Duy Xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng…, nhưng đó là thực hiện ở vùng lõi; còn những nơi giáp ranh với huyện Nông Sơn, công tác quản lý khó khăn hơn, nhất là với những hộ đang sử dụng đất rừng sản xuất - một trong các nguyên nhân tiềm ẩn gây cháy rừng. “Do chưa được cắm mốc phân vùng nên công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Mỹ Sơn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những khu vực giáp ranh, nguy cơ xâm phạm rừng luôn hiện hữu. Điều này không chỉ diễn ra vào mùa nắng mà mùa mưa cũng khá phức tạp, nhưng hiện tại chúng tôi cũng không biết xử lý thế nào” - ông Hộ nói.
Xây dựng rừng cảnh quan di sản
Theo ông Phan Hộ, việc cắm mốc trước đây đã được UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT&DL thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Để đẩy nhanh việc cắm mốc, giao đất giao rừng, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tổ chức xây dựng đề án Bảo vệ rừng cảnh quan di sản Mỹ Sơn và đã được tỉnh đồng ý chủ trương. Trên cơ sở đó, Ban quản lý đang làm việc với đối tác xúc tiến lập đề án trình UBND huyện, UBND tỉnh xem xét về mặt kinh phí theo đúng thủ tục, ước tính khoảng 600 triệu đồng. Dự kiến, khi đề án hoàn thành được phê duyệt và thuộc quyền bảo vệ của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn thì việc cắm mốc sẽ được triển khai đồng bộ. “Lúc đó việc quản lý bảo vệ rừng sẽ thuận lợi hơn vì nó bao gồm tất cả diện tích 1.158ha như quy hoạch trước đây của Chính phủ. Chứ như hiện nay nói cắm mốc cũng chỉ nói thế thôi chứ mình có được giao quyền quản lý gì đâu. Nên khi mình lập đề án bảo vệ rừng cảnh quan Mỹ Sơn trên cơ sở đó người ta mới tiến hành giao diện tích rừng này và Mỹ Sơn sẽ có thực quyền quản lý. Nếu mọi việc thuận lợi, ngay trong năm 2018 sẽ triển khai” - ông Hộ cho biết.
Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, sở dĩ đến nay chưa cắm mốc được là vì Viện Bảo tồn di tích - đơn vị tư vấn chưa bàn giao hồ sơ, dù sở đã nhiều lần gửi văn bản nhưng viện chưa vào làm việc. Bây giờ Sở VH-TT&DL có muốn triển khai cắm mốc cũng chịu vì không biết nơi nào mà cắm. Bởi vì điều này còn phụ thuộc vào Viện Bảo tồn di tích, nhưng không hiểu sao họ làm xong rồi im luôn, đến nay vẫn chưa bàn giao hồ sơ để cắm mốc. “Theo tôi, bây giờ Duy Xuyên phải tính toán, kể cả phối hợp với huyện Nông Sơn trong công tác bảo vệ chứ không thể chờ Viện Bảo tồn di tích được, chờ bao nhiêu năm nay rồi. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của địa phương, không có đề án đó địa phương vẫn bảo vệ rừng chứ không phải là giao mốc hay không giao mốc. Còn nói sở cũng chịu thôi, vì bây giờ không biết những điểm mốc ở chỗ nào thì làm sao bàn giao được. Mỹ Sơn thì yêu cầu bàn giao vị trí cắm mốc trong khi tư vấn không chịu vào thì làm sao sở bàn giao được” - ông Tịnh nói.
VĨNH LỘC