Khác với thực thể di sản “sống” như Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên) vẫn giữ nét trầm mặc trong nội khu di sản lẫn cả vùng phụ cận. Ngành văn hóa lẫn chính quyền địa phương luôn xác định, với Mỹ Sơn, việc ngăn chặn triệt để sự xâm hại lên di tích là điều đặt lên hàng đầu. “Bảo tồn và phát triển Mỹ Sơn bền vững là mục tiêu của ngành văn hóa và địa phương. Một khu di tích độc đáo nhưng cũng mong manh dễ vỡ, từng viên gạch, góc tháp đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh từng phát triển rực rỡ của lịch sử nhân loại thì công tác bảo tồn phải được đặc biệt chú trọng” - ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ.
Du khách tham quan Mỹ Sơn ngày càng tăng.
Công cuộc bảo tồn Mỹ Sơn không còn là chuyện chống đỡ cho di tích khỏi xuống cấp, khỏi nguy cơ sụp đổ mà đòi hỏi bảo tồn và phát huy giá trị phải bảo đảm tính toàn vẹn và nguyên gốc. Chưa kể, việc phát lộ và phục dựng các nhóm tháp được đặc biệt chú tâm, nhất là với các tổ chức quốc tế. Việc tận dụng sự quan tâm của các quỹ văn hóa để tạo nguồn đầu tư cũng như nhân lực nhằm tôn tạo, trùng tu các khu tháp cổ ngày càng phát huy hiệu quả. Bà Roberta Mastropirro, chuyên gia của Đại học Bách khoa Milan, cố vấn trưởng của Dự án Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích (vừa khởi động tại Quảng Nam) cho biết, Mỹ Sơn có nhiều thế mạnh mà các khu di sản khác trên thế giới khó thể sở hữu. Tuy nhiên, bên cạnh việc phục hồi nguyên trạng đền tháp đã được thực hiện khá tốt lâu nay, việc quản lý di tích sau quy hoạch với các vấn đề liên quan đến chính sách, môi trường, phát triển du lịch, bảo tàng học vẫn chưa được chú trọng
Đã có một Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn ngay tại khu vực phụ cận di sản ra đời, tuy nhiên mô hình này bị phá sản ngay từ những ngày đầu vận hành. Thiếu cách thức tổ chức hoạt động lưu trú cũng như năng lực quản lý, điều hành cộng đồng còn non kém, những ngôi nhà nằm trong dự án lần lượt tự dỡ bảng “homestay”. Hiện tại, lượng khách đến Mỹ Sơn ngày một tăng, nhưng ngược lại, các dịch vụ bổ trợ du khách hầu như chỉ nằm trong khuôn viên di sản; còn bên ngoài, các chủ nhân của homestay ở Làng du lịch cộng đồng đành phải tự hoạt động theo cách của riêng mình. Sắp tới, một chủ nhân của homestay nằm trong khu vực này sẽ kết nối với một doanh nghiệp lữ hành để từng bước làm du lịch chuyên nghiệp. Tên tuổi của di sản đã đủ làm nên thương hiệu du lịch. Nhưng việc phát triển thương hiệu đến đâu cần một cuộc đi dài không chỉ với bản thân người dân.
LÊ QUÂN