Sau 20 năm ngày mất của Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) - người còn được gọi thân mật là Kazik, Việt Nam vẫn luôn dành sự tri ân đến kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan này. Ông được coi là người có đóng góp lớn trong việc bảo tồn các di tích lịch sử tại Việt Nam và góp phần đưa các di tích này được ghi danh trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Kiến trúc sư Kazik được coi là người Mỹ Sơn, một công dân danh dự của Việt Nam và là người có công lớn đưa đô thị cổ Hội An đến với niềm tự hào Di sản văn hóa thế giới. Với tình yêu mãnh liệt dành cho những đền đài, di tích; bằng tinh thần làm việc của một nhà khoa học, ông đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình. Như một sợi chỉ xuyên suốt, cuộc đời ông đã gắn bó gần như toàn bộ với các di tích ở Việt Nam.
Là kiến trúc sư tài ba được thế giới biết đến qua các công trình được trùng tu tại Ai Cập, Vacsava, Kazik đã bỏ trời Tây để tình nguyện sang đất nước Việt Nam xa xôi, nghèo khó lại vừa trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ tàn khốc. Ông đến Việt Nam với sứ mạng cứu vớt các di sản văn hóa đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá.
Hiến cả cuộc đời cho di tích Mỹ Sơn
Kazik với tháp Chăm Mỹ Sơn
Kazik đến Việt Nam từ những năm của thập niên 1980 trong khuôn khổ hợp tác văn hóa Việt Nam – Ba Lan, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski sang công tác tại Việt Nam với tư cách là chuyên gia giúp đỡ Việt Nam bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm, đặc biệt khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn và gia cố khu địa đạo Củ Chi. Và số phận đã gắn kết người kiến trúc sư 36 tuổi này với các công trình Chăm Pa suốt 17 năm trời, từ 1980 đến 1997.
Nhiều tháp Chàm từ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận sau chiến tranh gần như hư hại nghiêm trọng. Nguyên tắc và phương pháp bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm của ông là: Giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và thành phần gốc còn giữ được, kiên quyết không làm sai lệch và làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kĩ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường. Chính cách làm này đã giữ được nguyên vẹn những giá trị vốn có của các ngôi tháp Chăm ở Việt Nam.
Kazik đã nặng tình với mảnh đất miền trung Việt Nam, nặng tình với Mỹ Sơn, với Huế đến mức bất chấp khó khăn trong đời sống vật chất, bất chấp bom mìn sau chiến tranh, coi việc phục hồi và bảo tồn các di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn là lẽ sống, coi Việt Nam là Tổ Quốc thứ hai của mình.
KTS Kazik với nhân viên bảo vệ tháp Chàm. (Ảnh: Trần Kỳ Phương)
Nhiều đêm ngày ông say sưa dấn thân vào công việc, lăn lộn ở hiện trường, trăn trở tìm phương pháp bảo tồn và trùng tu các ngọn tháp đang nằm trong tình trạng kêu cứu khẩn cấp. Năm 1991, khi Hiệp định về hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan chấm dứt, không còn kinh phí để tiếp tục công việc, ông đã về nước vận động, quyên góp và gây quỹ để tiếp tục công trình Mỹ Sơn còn bỏ dở. Ông đưa cả hai con trai của mình, cũng là những kiến trúc sư sang Việt Nam công tác trong nhóm chuyên gia Ba Lan.
Nặng lòng với phố cổ Hội An
Không ai khác, chính Kazik là người đầu tiên phát hiện ra Hội An là một đô thị có kiến trúc cổ gần như nguyên vẹn. Đó là vào một ngày tháng 6/1981, khi đang là Trưởng Tiểu ban hợp tác Ba Lan - Việt Nam tu bổ di tích Mỹ Sơn, Kazik đến Hội An. Đứng trước vẻ đẹp không trùng lặp của khu phố cổ, ông đã bị lôi cuốn đến đam mê. Khu phố cổ Hội An lúc này vẫn đang đìu hiu, vắng lặng thế nhưng với ông giá trị của nó xứng đáng ở vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả kho tàng văn hóa của nhân loại. Không những vậy, với tầm nhìn của một chuyên gia nhiều năm làm công tác bảo tồn di tích, ông đã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai của khu phố cổ. Ông tiên đoán rồi đây, mỗi người dân Hội An hàng năm sẽ đón tiếp rất đông khách nước ngoài và sẽ giàu lên từ chính ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo của họ.
Kazik (thứ 2 từ phải sang) trong một lần đi khảo sát Hội An
Ngày ấy, Kazik đã nói với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An rằng: "Các ông đang có trong tay những khách sạn tuyệt vời và độc đáo từ những ngôi nhà cổ. Chỉ cần sửa sang và trang bị thêm một chút nữa thôi thì có thể đón khách được rồi. Tôi sẵn sàng bỏ nhiều tiền để ở một đêm trong ngôi nhà cổ. Đến bây giờ, khi tour Homestay phát triển mạnh mẽ ở Hội An thì mới thấy điều Kazik tiên tri là đúng đắn.
Nhìn ra được vẻ đẹp của một đô thị cổ, nhưng đồng thời Kazik đã tiên liệu những nguy cơ tiềm ẩn nếu không kịp thời trùng tu và bảo tồn đô thị cổ này. Chính Kazik đã đề nghị với chính quyền địa phương được tự nguyện làm việc ngoài giờ để tham gia khảo sát lập hồ sơ di tích cho khu phố cổ. Vậy là, ngoài những ngày làm việc ở Mỹ Sơn, cuối tuần, Kazik tranh thủ về Hội An để nghiên cứu, khảo sát từng ngôi nhà, từng cánh cửa gỗ bạc thếch. Thời gian này, hình bóng của ông đã quen dần với người dân khu phố cổ và họ nhiệt tình giúp đỡ ông trong công việc. Kết quả của những công việc lặng thầm đó, đến năm 1985, Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Không những vậy, chính ông là người đầu tiên đưa Hội An ra với thế giới bên ngoài, bằng các bài viết nghiên cứu sâu sắc, đầy số liệu thực tế về giá trị văn hóa của Khu phố cổ Hội An của mình trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Từ đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cổ, phố cổ trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến Khu phố cổ Hội An.
Tượng của Kazik được dựng tại Hội An
Trong khi Hội An đang thu hút sự quan tâm của cả nước và thế giới thì năm 1997, Kazik lâm trọng bệnh và trút hơi thở cuối cùng tại Huế sau 17 năm gắn bó với Việt Nam, năm đó ông 53 tuổi. Và thật đáng tiếc khi ông không được nhìn thấy Hội An cùng với Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại vào năm 1999.
Người ta kể lại rằng, khi còn sống, ông đã từng nói, nếu sau này mất đi ông muốn được chôn ngay tại mảnh đất Mỹ Sơn. Song thi thể của KTS Kazik đã được quàn vào quan tài kẽm và đưa về Ba Lan chôn cất tại thành phố Lublin, quê hương ông, nơi vợ con ông sinh sống. Nhân dân và chính quyền Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, khắc ghi công ơn của người KTS Ba Lan hiến dâng cả đời mình cho khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn, đã hết lòng vì sự phát triển của Hội An.
Giờ đây, tại những nơi Kazik đi qua đều hiện diện hình ảnh ông. Một công viên nhỏ xinh, trang nghiêm mang tên Kazik nằm giữa lòng Hội An. Một bức ảnh được phóng to ở Phòng trưng bày Mỹ Sơn, một bức tượng được đặt gần Khu đền tháp Mỹ Sơn như dành cho ông một phần mộ - đúng như ước nguyện được chôn ở Mỹ Sơn của ông. Và còn đó thật nhiều ký ức đẹp nơi bạn bè. Kazik xứng đáng được tri ân.
An Nhi