Về tên gọi, núi Chúa mang nhiều tên gọi khác nhau như Hòn Ấn, Hồn Đền, Đỉnh Răng Mèo, núi thiêng Mahapavati.
“ Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung.
Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam”.
Những ngày đầu xuân, ngược về miền thượng nguồn sông Thu tìm về với những địa danh trong câu ca dao xưa. Điểm đầu tiên dễ nhận ra nhất có lẽ là ngọn núi có tên là núi Chúa đứng sừng sững trước mặt mà từ các nơi trong vùng Quảng Nam đều nhìn thấy. Trong quần thể ba ngọn núi này thì Núi Chúa cao 730m so với mực nước biển. Do quần thể núi lớn, địa hình cao nên chi phối cho kiểu khí hậu cục bộ cả vùng thung lũng Trung Lộc và khu vực thung lũng Mỹ Sơn. Đối với người dân địa phương vùng Nông Sơn, Núi Chúa là quần thể hai ngọn núi lớn là Hòn Châu và Hòn Vung. Hòn Vung còn được người dân địa phương gọi là là Hòn Dung. Phía Tây Duy Xuyên, đỉnh Hòn Dung chỉ còn lại phần nhỏ nhô lên bên cạnh Hòn Châu hay còn được gọi là núi Hòn Đền, có lẽ chữ Đền dùng để chỉ về nơi có đền tháp Mỹ Sơn.
Về tên gọi, núi Chúa mang nhiều tên gọi khác nhau như Hòn Ấn, Hồn Đền, Đỉnh Răng Mèo, núi thiêng Mahapavati. Dù mang nhiều tên gọi, nhưng mỗi tên gọi gắn với một câu chuyện, truyền thuyết. Nhiều bật cao niên vùng Nông Sơn cho rằng Hòn Ấn là tên gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng đặt cho núi Chúa khi nhìn thấy ngọn núi này trong lần về tổng Trung Lộc thăm cụ Nguyễn Đình Hiến. Tên gọi gắn với truyền thuyết về sự tích Cao Biền “yểm bùa trấn huyệt” ở đây. Riêng tên gọi đỉnh Răng Mèo xuất hiện trong các tài liệu người Pháp nguyên cứu về Mỹ Sơn. Còn núi thiêng Mahapavati là tên ngọn núi thiêng trong lịch sử vương quốc Champa cổ xưa. Truyền thuyết cho rằng trên đỉnh núi Chúa có một vách đá lớn không ai leo lên tận nơi, tên thái thú Cao Biền thời Trung Hoa cổ đại với phép thuật của mình đã dùng diều giấy bay lên và dùng ấn yểm bùa trấn huyệt tại đây. Địa điểm lưu dấu ấn được người dân địa phương gọi là tùng Miếng Ấn. Ngày nay, địa điểm này từ hướng Nông Sơn có thể nhìn thấy 3 miếng đá to như được ghép lại.
Sự tích khu vườn Bà và động tiên trên núi Chúa thì kể rằng trên đỉnh núi Chúa có một khu vườn nhiều hoa thơm trái ngọt, do các nàng tiên trông nom nên khu vườn luôn sạch sẽ không có một chiếc lá rụng. Người đến có thể ăn trái nhưng tuyệt nhiên không được kể lại cho người khác, nếu không sẽ bị quở phạt đến cấm khẩu và chết.
Núi Chúa
Huyền thoại về động tiên gắn với câu chuyện về một nhân vật di thường có tên gọi là Bà Bóng. Dân gian kể rằng khi vừa sinh ra, Bà có mái tóc đen mượt, dài và dày xếp tròn vừa vặn trên một chiếc mâm đồng. Họ kể rằng động tiên ở núi Chúa là cõi đi về của Bà. Thường thì Bà cư ngụ ở miếu thờ hoặc trên đỉnh núi Hòn Than. Khi có việc cần thì Bà mới trở về động tiên. Những lúc bà đi và về thì thấy một đốm lửa khổng lồ, rực sáng từ ngôi miếu thờ Bà hoặc từ đỉnh hòn Than lao vút lên trời, bay về núi Chúa. Mỗi khi Bà về núi Chúa thì động tiên mở ra, đón Bà vào và tự khép lại. Mỗi khi động tiên khép lại hay mở ra đều tạo nên tiếng động ầm ầm làm rung chuyển đất trời. Hiện nay, ở Quế Lộc, huyện Nông Sơn vẫn còn lại dấu tích miếu thờ Bà Bóng. Ở vùng thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú có Miếu thờ Bà, nhân dân thường làm lễ cúng Bà vào ngày Mùng Mười tháng Giêng âm lịch gắn với lễ cúng Truông và Khai Sơn đầu năm.
Nhiều giai thoại liên quan đến ngọn núi này còn tuyền tụng trong đời sống cư dân trong vùng. Giai thoại cho rằng nếu ai lấy cây gỗ trên núi Chúa đem về làm nhà thì không ở được. Lấy cây làm nhà thì trước sau gì nhà cũng bị cháy, hoặc người chặt cây bị đau ốm triền miên, gia đình làm ăn không khấm khá được.
Phản ánh những tâm tư tình cảm, những kinh nghiệm sống, nét ứng xử của con người với tự nhiên, ca dao tục ngữ trong vùng có câu “Núi Chúa viền mây trắng, trời đang nắng chuyển mưa”, hay “ Hòn Tàu, Núi Chúa ủ ê. Khe Canh, vườn Rượu dẹp nghề trồng khoai”.
Sự đan xen giữa các địa danh có thực, những nhân vật cụ thể với các yếu tố kỳ lạ, hoang đường (vốn là đặc điểm của các truyền thuyết, thần thoại dân gian) trong những câu chuyện, những truyền thuyết, sự tích, làm tăng sự linh thiêng, huyền bí của xứ sở một vùng đất.
Văn Khoa-Hà Văn