Chiều ngày 11/9, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức tọa đàm tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng phụ cận di sản. Tham dự có chính quyền địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Tọa đàm về giải pháp phát triển du lịch cộng đồng Mỹ Sơn. Ảnh: K.L
Theo ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, vùng đệm phụ cận Mỹ Sơn có đầy đủ yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, điều kiện địa lý, lịch sử văn hóa, xã hội để phát triển du lịch cộng đồng.
Một số địa điểm, di tích nổi bật có thể kể đến như đập Thạch Bàn, Khu kỹ nghệ An Hòa, sân bay Đức Dục, chùa An Hòa… Cạnh đó, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống có sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt hết sức đặc sắc cùng cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư.
Phát triển du lịch cộng đồng Mỹ Sơn là mục tiêu quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ảnh: K.L
Thời gian qua, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá, liên kết chặt chẽ với các địa điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, truyền thông báo chí…
“Đơn vị luôn xác định công tác quản lý khu di sản, ngoài nhiệm vụ bảo tồn và phát huy thì tạo sinh kế cho cộng đồng vùng di sản cũng là một trụ cột chính trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn” - ông Khiết nhấn mạnh.
Hầu hết ý kiến doanh nghiệp khẳng định vùng đệm Mỹ Sơn có nhiều dư địa để phát triển du lịch. Ảnh: K.L
Dù vậy, do một số nguyên nhân, đến nay kết quả khai thác du lịch cộng đồng vẫn chưa như mong muốn. Bên cạnh điều kiện hạ tầng du lịch chưa phát triển, các điểm đến di tích, thắng cảnh còn dạng tiềm năng; sản phẩm du lịch địa phương chưa nhiều, chưa đặc sắc, chưa chuyển đổi thành sản phẩm phục vụ du lịch; các chương trình lễ hội không được tổ chức thường xuyên do cộng đồng dân cư không phải là chủ thể...
Trao đổi tại tọa đàm, hầu hết ý kiến doanh nghiệp khẳng định, Mỹ Sơn và vùng phụ cận có tiềm năng rất lớn và nhiều dư địa để phát triển du lịch, kể cả lưu khách qua đêm. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là xây dựng được sản phẩm hoàn chỉnh, mang tính đặc thù, khác biệt phù hợp tâm lý và xu hướng khách hàng.
Để phát triển du lịch vùng phụ cận Mỹ Sơn cần nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là phát triển sản phẩm phù hợp. Ảnh: K.L
Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết các điểm xung quanh tạo nên tour tuyến phong phú; đa dạng hóa loại hình lưu trú; xác định thị trường mục tiêu; phát triển các loại hình du lịch MICE, Teambuilding… Qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách, hướng tới thúc đẩy du lịch cộng đồng vùng di sản Mỹ Sơn phát triển, tạo sinh kế, chuyển đổi ngành nghề cho người dân, đóng góp vào kinh tế - xã hội địa phương, cùng chung tay bảo tồn di sản.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là một trong hai điểm đến thu hút khách du lịch ở Quảng Nam. Trước dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng khách hằng năm hơn 10%. Năm 2023, Mỹ Sơn đón 420 nghìn lượt khách; 8 tháng năm 2024 đón gần 309 nghìn lượt khách tham quan.
Khánh Linh