A+ A A-

Thành quả 5 năm miệt mài trùng tu tháp Mỹ Sơn

         Qua 5 năm triển khai dự án hợp tác văn hóa giữa hai Nhà nước Việt Nam và chính phủ Ấn Độ, đến nay Dự án đã hoàn thành công tác trùng tu nhóm tháp K, H1, H2, H3, H4(thuộc nhóm H) A10, A9, A11 (thuộc nhóm A). Riêng đền A1 trùng tu hơn 60% khối lượng công việc, tháp A13 chỉ bảo tồn được chân tường phía Đông, tháp A13 chưa can thiệp.

        DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN 

Trùng tu nhóm tháp A

         Năm 2017 bắt tay vào trùng tu tháp K (tháp cổng) và phát lộ khu tháp H. Tại đây trong quá trình bảo tồn đã phát hiện tháp K có hai cửa đông và tây, hai mặt nam và bắc là hai đoạn đường dẫn hướng vô nhóm tháp E-F. Ngoài những hiện vật thuộc thành phần kiến trúc còn có hai tượng sư tử trong tư thế đứng khuôn mặt tượng thể hiện nét mặt hung dữ và nhiều hiện vật chất liệu đất nung gốm, sứ rất phong phú về chất liệu cũng như hoa văn. Cũng qua đợt trùng tu này chuyên gia Ấn Độ và nhóm kỹ thuật Mỹ Sơn đưa ra nhận định mới: Tháp K là ngôi tháp cổng có lẽ là nơi từng diễn ra các nghi lễ đầu tiên tại đây, giữa hai đoạn tường thành hai bên tháp K có lẽ là đường dẫn đến các ngôi đền bên trong (trước đây chưa có tài liệu nào nói về chức năng của ngôi đền này, được xem như những ngôi tháp thờ tương tự khác).

          Năm 2018-2019 nhóm tháp H gồm 4 công trình H1, H2, H3, H4 và tường bao vuông vức giới hạn không gian thiêng với không gian bên ngoài. Tuy nhiên hầu hết đã bị hư hỏng nặng nề. Sau hai năm trùng tu những công trình này cơ bản được bảo tồn tốt. Tường bao được phục hồi gần như hoàn chỉnh, giới hạn không gian bên trong và bên ngoài rõ ràng hơn. Các đoạn tường nghiêng đổ tháp H2, H4 được đánh số cẩn thận từng viên gạch, đánh dấu vị trí sau đó hạ giải, xử lý nền móng rồi tái định vị, sau đó các đoạn tường được dựng đứng trở lại, thành phần kiến trúc phục hồi rất tốt bảo lưu được đối đa yếu tố gốc. Đền H1 có quy mô lớn nhất nhóm này, ba tường Đông, Nam, Bắc đã sụp chỉ còn chân tường, mảng tường phía Tây cao hơn 10m nhưng mặt tường trong bong tách hoàn toàn, còn phần lỏi tường và lớp vỏ tường ngoài mang nhiều vết nứt dọc khá sâu đứng chênh vênh nhiều năm. Sau khi cân nhắc về giải pháp kỹ thuật, tiến hành trùng tu từ các bậc cấp cửa phía Đông, hai tường Nam và Bắc lên độ cao mức cho phép, khi hai góc kiến trúc Tây-Nam và Đông-Bắc đã được tái định vị đủ điều kiện tiến hành trùng tu tường Tây sau cùng. Chính giải pháp này bảo tồn tháp H một cách hiệu quả nhất không xảy ra một sự cố nhỏ nào.

          DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN

            Năm 2020 trùng đền A10 và hai tháp A8 và A11, trong đó hai ngôi tháp A8 và A11 quy mô nhỏ và hư hại khá nhiều đã được chuyên gia Ba Lan trùng tu từ thập niên 80-90, các khối kiến trúc còn lại rất ít, cơ sở dữ liệu hai công trình này khá mờ nhạt nên chuyên gia Ấn Độ chọn giải pháp bảo lưu thành phần kiến trúc đã được trùng tu trước đó và phục hồi các bậc cấp, đà cửa; tập trung nguồn lực trùng tu đền A10 có niên đại thế kỷ thứ IX thuộc phong cách Đồng Dương. Tiêu biểu của phong cách đêu khắc này là hoa văn xoắn xít, rắm rối cầu kỳ trên trụ, lanh-tô, bề mặt tường. Ngôi đền này có bình đồ khá lớn, tường dày. Tuy nhiên chất lượng gạch trên công trình này lại nhiêt độ nung kém hơn gạch các công trình khác ở nhóm A. Vì thế tác động từ thiên  nhiên cũng đã làm cho ngôi tháp này hư hại khá nhiều, theo bản vẽ người Pháp thì ngôi đền này giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng đã sụp đổ, tiếp tục bị hư hại nằng nề hơn sau những đợt ném bom năm 1969. Khi triển khai công tác trùng tu ngoài những hư hại một số thay đổi hiện trạng ban đầu do sự can thiệp của người Pháp rất nhiều, trụ cửa, lanh-tô và nhiều thành phần kiến trúc khác đã được duy chuyển ra bên ngoài, cả phía trước và sau tháp không theo một nguyên tắc nào. Trước thực trạng như vậy nhóm chuyên gia chọn giải pháp chỉ tái định vị thanh đá đà cửa, bậc cấp cửa và tái dựng bốn trụ cửa dựa trên cơ sở ảnh tư liệu và số đo đạc thực tế. Các bức tường bên trong và ngoài xây thấp phương pháp giả vỡ, mục đích chính bảo vệ các khối xây nguyên gốc còn sót lại.

DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN         

         Cán bộ Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tham gia thực hiện Dự án cùng với chuyên gia Ấn Độ

           Đài thờ trong lòng tháp cũng đã thay đổi hiện trạng mười bốn trên mười bảy khối đá đài thờ linga yoni đã được đưa ra ngoài (ba khối đá còn lại lấp tại hố thiêng trong lòng tháp) từ thời chuyên gia Pháp phát hiện và nghiên cứu Mỹ Sơn. Ngoài những trang tư liệu ảnh ghi lại hố thiêng cùng ba khối đá bên dưới chưa có tư liệu viết nào chúng tôi tiếp cận được có nhắc đến những khối đá liên quan đến đài thờ A10 từ ngoài sân, kể cả bản vẽ tổng thể của đài thờ cũng không có. Như một sự đánh đố từ quá khứ nhóm kỹ thuật Mỹ Sơn mày mò đo vẽ dựa vào các hoa văn trang trí, dấu vết kỹ thuật, chất liệu đá và kích thước đưa ra thảo luận nhiều lần trên công trường cùng nhóm chuyên gia Ấn Độ, kết quả cuối cùng cũng sắp xếp lại đài thờ A10 một cách hoàn chỉnh nhất tái định vị đúng không gian thiêng ban đầu. Bên cạnh đó bốn tường bao khu A được phục hồi khá hoàn chỉnh.

          Năm 2021 trùng tu đền A1, A12 và A13 theo kế hoạch từ ban đầu là năm 2021 cũng là năm cuối của dự án. Đền A1 có niên đại thế kỷ X đây là thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Chăm Pa, có quy mô lớn nhất trong Khu di tích Mỹ Sơn cao 28m (khi người Pháp phát hiện khối kiến trúc còn khá hoàn chỉnh, chỉ hư hại phần đỉnh, tiền sảnh Tây và các trang trí góc...) đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc là kiệt tác kiến trúc Chăm Pa. Tuy nhiên thời gian và chiến tranh đã biến kiệt tác này trở thành phế tích. Cũng giống tình trạng A10, quy mô công trình to lớn nhưng bị bị hư hỏng nhiều, may mắn hơn là có sự can thiệp bảo tồn của chuyên gia Ba Lan những năm cuối thập niên 90. Về kiến trúc đã xây lại một số mảng tường bên trong lòng tháp, tiền sảnh phía cửa Tây. Các trụ, lanh-tô cửa Tây và cửa Đông tuy chưa kịp tái định vị nhưng đã sắp xếp gần vị trí ban đầu để cho du khách và đối tượng nghiên cứu dễ hình dung. Trong lòng tháp đài thờ A1 đã được sắp xếp lại. Chính sự can thiệp này giúp cho việc thực hiện công tác bảo tồn năm 2021 có những thuận lợi nhất định. Chuyên gia Ấn Độ chủ trương bảo lưu mọi mảng tường mà chuyên gia Ba Lan đã can thiệp, tiếp tục xây trám các khe nứt lớn, tái định vị các khối kiến trúc có nguy cơ xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Tái định vị bốn trụ cửa, một lanh-tô và hai khối đá bậc thềm cửa có kích thước lớn, có vài cấu kiện đá nặng trên ba tấn. Đây là một công việc khó bởi phương tiện nâng kéo hiện vật của Mỹ Sơn có nhưng không đáp ứng với hiện vật lớn như thế. Nhờ Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hỗ trợ các phương tiện chuyên dụng. Nhóm chuyên gia và kỹ thuật Mỹ Sơn dành nhiều thời gian bàn thảo, tính toán kỷ lưỡng, giả định các tình huống, lỗi kỹ thuật trong lúc thao tác có thể xảy ra. Nhờ đó tất cả cấu kiện đá đã đưa lên một cách an toàn đặt để đúng các khớp nối, không xảy ra sai sót nào.

          Đài thờ trong lòng tháp A1 đã được sắp xếp trong đợt trùng tu trước, tuy nhiên trong quá trình đo vẽ, khảo tả chúng tôi phát hiện lớp đế góc Đông Nam có khoảng hở lớn và lệch góc, tìm hiểu nguyên nhân này, nhóm kỹ thuật lại đo vẽ tỉ mỉ đồng thời căn cứ đường nét hoa văn, chủ đề điêu khắc và chi tiết khớp nối, phát hiện ra là do sự sắp xếp nhầm lẫn vị trí giữa hai khối đá mặt Bắc và mặt Nam trong lần trùng tu trước đây. Bên cạnh đó nhiều mảnh vỡ lớn nhỏ liên quan đến đài thờ nhặt từ sân, nền, trong đống đổ nát đã đưa vào lắp ghép đúng vị trí, loại hết phần bê tông, gạch trước đó đã đôn vào các khoảng trống.

          Tuy nhiên năm 2021 là năm nhiều khó khăn do dịch bệnh ngay từ đầu, ông trưởng đoàn chuyên gia đến Mỹ Sơn hơn tuần đã quay về vì người thân bị bệnh Covid-19, công nhân cũng giới hạn số lượng, giãn cách nhiều nhóm nhỏ, số lượng công nhân tăng giảm nhiều lần, thời gian thi công ngắn hơn mọi năm, những nguyên nhân đó ảnh hưởng trực tiếp số hạng mục chưa hoàn thành, tháp A1 chỉ đạt hơn 70% khối lượng công việc, A13 vừa kịp bảo tồn một phần mặt tường Đông, tháp A12 chỉ mới phát lộ. Những công việc còn lại phải chờ đợi  đến năm tiếp theo.

          Nhìn lại 5 năm phối hợp giữa nhóm chuyên gia Ấn Độ và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam. Cách tiếp cận với di tích Chăm Pa tại Mỹ Sơn khá cẩn trọng đầu tiên chọn những nhóm tháp quy mô nhỏ, khối kiến trúc đơn giản như tháp K dần đến nhóm kiến trúc có quy mô vừa như nhóm H, sau cùng nhóm tháp đồ sộ, có độ phức tạp cao như nhóm tháp A. Trong mỗi nhóm tháp thì những công trình nhỏ hoặc những chỗ có nguy cơ hư sập bất cứ lúc nào được can thiệp trước. Phương pháp trùng tu tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo bảo tồn yếu tố gốc, tái định vị, gia cố gia cường là chính, những khối xây mới bổ khuyết để bảo vệ khối xây nguyên gốc thì cũng ở những giới hạn cho phép và cũng tạo được khác biệt giữa mới và cũ. Vật liệu can thiệp vào trùng tu có độ tương thích cao trước hết là vận dụng tối đa vật liệu cũ như gạch, đá. Gạch mới mua bổ sung cũng lấy gạch của đơn vị sản xuất từng được chuyên gia Italia đã kiểm định đưa vào trùng tu nhóm tháp G, chất kết dính chủ yếu là dầu rái với bột gạch, vôi nghêu kết hợp với bột gạch, gạch vỡ để làm phần móng và lõi tường.

          Trong quá trình thi công thường xuyên trao đổi thảo luận tìm giải pháp tối ưu ngay tại công trường giữa chuyên gia Ấn Độ với nhóm kỹ thuật Việt Nam, nhiều lúc tham khảo ý kiến những công nhân làm lâu năm giàu kinh nghiệm và thực hành sinh động ngay vị trí đang thi công, tạo hiệu quả công việc thiết thực dễ nhớ, dễ thực hiện cho những lần sau đó

          Chuyên gia thường xuyên quan tâm đến từng công nhân, biết gọi tên từng người từng nhóm. Với công việc biết khả năng thế mạnh của từng người để bố trí vị trí làm hợp lý, nâng cao kỹ năng làm việc. Ngoài ra còn chia sẻ những khó khăn nhất thời như công nhân đi làm bị xe hỏng, đau ốm khó khăn gì cũng được thăm hỏi hỗ trợ một phần kinh phí, thỉnh thoảng tham gia giao lưu liên hoan văn nghệ tạo được sự gần gũi hòa đồng. Vừa làm vừa truyền cảm hứng đến họ sự tôn trọng và yêu quí di tích văn hóa trong vai trò là chủ thể Di sản, không khí vui vẻ tự giác làm việc. Với cách thức đó 5 năm qua mỗi năm thường thi công chừng năm đến sáu tháng nhưng khối lượng công việc đã hoàn thành là khá lớn, tạo được diện mạo mới cho Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, hai điểm trước đây du khách ít đến hoăc không đến nay lại đến đông hơn. Tạo tuyến tham quan không còn đứt gãy mà hoàn thiện hơn, lối vào điểm đến đầu tiên là tháp K, nhóm tháp H là điểm cuối trước khi rời Mỹ Sơn. Với kết quả trùng tu đó đã được đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước đánh giá cao, là nguồn động viên khích lệ cho chương trình hợp tác văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam ngày càng có chiều sâu.

Lê Văn Minh( Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn)

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19816634
Hôm nay
Hôm qua
12007
8748