Sáng ngày 10-8-2021, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốcgia đã tiến hành họp nhằm thẩm định hồ sơ hiện vật đối với đài thờ Mỹ Sơn A10.
Quang cảnh cuộc họp
Dự cuộc họp có lãnh đạo Sở VH, TT& DL tỉnh Quảng Nam; UBND huyện Duy Xuyên cùng với lãnh đạo các phòng,ban liên quan của Sở VH, TT& DL, huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn Mỹ Sơn và nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa. Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm tháp A, là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch xếp thành 5 lớp chồng lên nhau, có kích thước cao 2m26, dài 2m58, rộng 2m58, yoni có kích thước dài 2m25, rộng 1m69, dày 31cm, linga có đường kính 55cm, cao 57cm. Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau, gồm phần đế thân và tượng thờ Linga-Yoni quay về hướng Bắc, phần thân được trang trí giật cấp, thu vào ở giữa, trên dưới tương đối đối xứng. Hiện trạng đài thờ còn khá nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu đá sa thạch, có niên đại cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X, được tái phát hiện trong chương trình trùng tu thuộc dự án Ấn Độ vào tháng 5/2020. Đây là hiện vật gốc, có giá trị độc đáo, đặc sắc đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là bảo vật quốc gia. Là đài thờ có tượng Linga-Yoni liền khối lớn nhất trong điều khắc Chămpa cho đến nay, có trang trí họa tiết và hoa văn tiêu biểu phong cách Đồng Dương và là đài thờ nguyên vẹn trong không gian thờ tự Shiva giáo. Đài thờ bảo tồn được kỹ thuật xây dựng đá, là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá, kỹ thuật này chỉ còn lại tại Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa nói chung.
Đài thờ A10 ở Mỹ Sơn
Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu biểu quyết đồng ý đề nghị xem xét công nhận Bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận bảo vật quốc gia thì tỉnh Quảng Nam sẽ có 3 bảo vật, hai hiện vật trước đã được công nhận là đầu tượng thần Shiva (được tìm thấy ở Phú Long, Đại Thắng) và Ekamukhalinga (được tìm thấy ở Mỹ Sơn).
Anh Khoa