Tháng 9.1980 tôi với anh Trần Phương Kỳ cùng công tác tại Phòng Bảo tồn - bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bỏ theo xe đạp lên xe đò chạy bằng than đá vào Duy Xuyên. Xuống xe ở thị trấn Nam Phước chúng tôi đạp xe vào Phòng Văn hóa thông tin huyện ở bên kia cầu Chìm (nay đã có cầu mới nhưng vẫn giữ tên cầu Chìm).
Chuyến đi lần đó của chúng tôi được cơ quan giao nhiệm vụ phối hợp với địa phương đón các chuyên gia Việt Nam và Ba Lan đi khảo sát di tích tháp cổ Mỹ Sơn, chuẩn bị cho việc tu bổ. Đêm đó chúng tôi ngủ nhờ tại Phòng Văn hóa thông tin huyện. Sáng hôm sau, lót dạ bằng tô mỳ Quảng do anh Lê Thành Toán - Phó phòng Văn hóa thông tin chiêu đãi, chúng tôi đạp xe lên Mỹ Sơn. Trước khi lên đường, chúng tôi không quên kiểm tra đầy đủ đồ nghề để vá, bơm… phòng khi xe hỏng. Nhớ những năm tháng đi công tác xa với vùng núi mà nơi chiến tranh vừa kết thúc cái gì cũng là khái niệm, nên đoạn đường từ Nam Phước lên Mỹ Sơn cũng chỉ là khái niệm về đường. Khá vất vả để buổi trưa mới đến La Tháp và lại qua bữa bằng tô mỳ Quảng. Trời chiều chúng tôi đến nông trường sắn. Phải qua đêm nơi này để ngày mai đi bộ vào khu đền tháp Mỹ Sơn. Góp gạo, phiếu thực phẩm ăn tối muộn màng trong ánh sáng lay lắt của ngọn đèn dầu, hỏi thông tin về đường vào di tích. Cán bộ nông trường lưu ý chúng tôi không được ra khỏi con đường mòn mà người dân đi lấy củi vì có nguy cơ sẽ gặp mìn còn sót lại sau chiến tranh, rất nguy hiểm. Người này còn thông tin, hôm qua đã có trường hợp bị mìn nổ khi phát quang dọn dẹp cây cỏ chung quanh khu đền tháp.
Sáng hôm sau trời đổ mưa rất to. Với đoạn đường gần 5km qua núi đồi, khe nước, tôi có thể đi nhanh nhưng anh Kỳ bị cận thị nặng và nước tạt vào làm mờ kính thì chỉ có đứng chịu trận. Sáng tạo một chút, tôi tháo dây nịt cầm một đầu còn anh Kỳ cầm đầu kia để tôi dẫn đi. Vào bên trong khu tháp may mắn chúng tôi được các anh bộ đội huyện đi làm công tác dọn dẹp và tháo gỡ đạn mìn giúp đỡ. Chúng tôi phụ nhau dựng trại chống mưa, hong khô áo quần, góp gạo nấu cơm. Trời vẫn mưa to, nước suối Khe Thẻ dâng lên, nguy cơ tắc đường. “Nếu không nhanh chóng rời khỏi khu đền tháp bị kẹt lại hết lương thực thì nguy”. Mấy anh bộ đội địa phương cảnh báo. Chúng tôi thu dọn trở ra nông trường trong màn mưa như trút nước. Vài thông tin từ huyện qua điện thoại, qua lời nhắn… đến chúng tôi là có phương án cho chuyên gia tiếp xúc khu di tích tháp cổ. Phương án táo bạo là công binh của huyện sẽ dùng dây bắc qua suối Khe Thẻ để đoàn chuyên gia bám vượt qua vào tháp.
Nhà ở tạm - nơi làm việc của KTS. Kazik tại Mỹ Sơn trước đây. Ảnh: KỲ PHƯƠNG
Chiều, trời vẫn mưa to. Chúng tôi may mắn gửi xe và quá giang trên chiếc GMC chở nhóm lao động là những người tù ở Vĩnh Trinh đi dọn dẹp cây cỏ tại khu đền tháp trở về. Hai tấm ni lông (hồi ấy cơ quan thường phát cho người đi công tác có tiêu chuẩn là tấm che mưa bằng ni lông) của chúng tôi được mở rộng để che mưa cho mọi người trên thùng xe. Phương án vượt Khe Thẻ đã không cần phải thực hiện. Lũ lên nhanh nhưng rút cũng nhanh.
Đoàn chuyên gia đến Mỹ Sơn gồm có KTS. Hoàng Đạo Kính - Trưởng ban Thiết kế tu bổ di tích trung ương, thành viên của Tiểu ban hợp tác Việt Nam - Ba Lan tu bổ tháp Chàm miền Trung, cùng với ông Phó Giám đốc Công ty PKZ Ba Lan. Những tháng năm sau đó mới có sự tham gia của KTS. Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997) mà chúng tôi hay gọi thân mật là Kazik đi đi về về mãi đến tháng 3.1993. Người viết bài này đã từng cùng với ông gia cố tháp E7 và dọn dẹp phần tường bao phía tây nhóm B - C, là những công việc cuối cùng của kiến trúc sư Ba Lan với Mỹ Sơn. Được theo ông, dầu lúc đó tôi chỉ là người “xách va li”, chủ yếu chịu trách nhiệm do cơ quan giao là lo nơi ăn chốn ở, nguồn lao động ở địa phương giúp cho chuyên gia. Với Kazik, tôi là học trò trong công việc bảo tồn kiến trúc gạch. Tháng 3.1997 ông mất ở Huế khi đang tu bổ di tích cung đình Huế cùng với con trai. Tôi cũng đã kịp đi nhờ xe ra Huế thắp ông nén hương trong tiếng nhạc cổ của người Việt tại điện Cần Chánh.
Kỷ niệm 15 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, tôi ghi lại vài ký ức của lần đầu tiên đến Mỹ Sơn, nhớ lại KTS. Kazik và những người bạn cùng tôi làm công tác bảo tồn ở trong và ngoài nước. Và kêu gọi mọi người, cộng đồng hãy gìn giữ và chăm sóc các giá trị nguyên gốc của khu đền tháp cổ.
Nguyễn Thượng Hỷ