Ngày 2.12.2014, huyện Duy Xuyên sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới( 4.12.1999-4.12.2014). Đây cũng là thời điểm để các cấp, các ngành nhìn nhận, đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong 15 năm qua.
Có thể khẳng định thành công lớn nhất đối với Mỹ Sơn 15 năm qua chính là việc thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn di sản gắn với hợp tác quốc tế sâu rộng. Cụ thể, khu di sản Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước, như Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Jica, Lerici Fondation (Italia), viện Khảo cổ học, viện Bảo tồn di tích…, các cơ quan liên quan của tỉnh và huyện. Năm 1999, thông qua tổ chức UNESCO tài trợ 200.000 USD, Mỹ Sơn đã hợp tác với tổ chức Lerici Foundation thực hiện chương trình thông tin địa lý cho khu di sản Mỹ Sơn. Năm 2002, Mỹ Sơn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Di tích Quảng Nam hợp tác với tổ chức America Exress tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới 75.000 USD cùng với viện Khảo cổ học tiến hành khai quật, khơi thông dòng suối Khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD, nhằm chống sạt lở nhóm tháp A. Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA viện trợ nguồn vốn không hoàn lại 299 triệu yên xây dựng Nhà trưng bày Mỹ Sơn, nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức của người dân về di tích này. Dự án trùng tu tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” đã trải qua 3 giai đoạn trùng tu, tôn tạo từ năm 2003 hoàn thành vào năm 2013 với tổng kinh phí hơn 1.300.000 USD. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G. Và cũng từ dự án này, Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã đón nhận 1.500 hiện vật một hệ thống dữ liệu tiên tiến được sử dụng để phân loại lập danh mục hiện vật được phía chuyên gia bàn giao. Song song với việc hợp tác với chuyên gia Ý, Viện Bảo tồn di tích cũng đã tiến hành dự án tùng tu tháp E7 tương đương 9 tỷ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành tháng 6/2013. Phối hợp với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng thực hiện nghiên cứu văn hóa phi vật thể với sự tài trợ của UNESCO (2014- 2015) với dự án trưng bày cộng đồng “Vết tích văn hóa Chăm trong khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Đặc biệt, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng là sau một thời gian dài chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện thủ tục, các văn bản cần thiết, hồ sơ về “Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn” đã được hoàn thiện và triển khai các bước thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Ban Quản lý Mỹ Sơn thực hiện công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị Mỹ Sơn. Thông qua sự hợp tác này không chỉ giúp khôi phục diện mạo di tích mà còn tạo điều kiện để triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. Trong đó, thành công của dự án trùng tu nhóm tháp G là tiền đề khoa học quý báu để Mỹ Sơn tiếp tục triển khai dự án bảo tồn tu bổ các nhóm tháp E, A cũng như nhiều di tích đền tháp khác tại Quảng Nam và miền Trung trong tương lai.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cho biết, những năm gần đây huyện Duy Xuyên đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng hạ tầng, như nhà làm việc, nhà đón tiếp khách, nhà biểu diễn, đường dẫn vào khu đền tháp, bãi đổ xe. Riêng năm nay, Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng sửa chữa, xây mới nhà làm việc, nhà biểu diễn và công trình vệ sinh tại khu vực ngoài di tích.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác quảng bá du lịch Mỹ Sơn cũng được chú trọng. Điển hình như Lễ hội “Ấn tượng Mỹ Sơn”; “ Quảng Nam hành trình di sản 2003”, Lễ kỷ niệm 5 năm khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận di sản văn hóa thế giới được tổ chức một cách qui mô, hoành tráng; Lễ hội “Quảng Nam- hành trình di sản lần thứ IV” tại Khu đền tháp cổ đã diễn ra chương trình “ Đêm Mỹ Sơn huyền ảo”. Nhiều loại hình hoạt động liên tục diễn ra như hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, họp báo ..v..v... Một kênh quảng bá vô cùng quan trọng đó là hệ thống thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi, sản xuất đĩa DVD, lập trang Webstie, tranh thủ các hãng lữ hành trong và ngoài nước, các công ty du lịch để quảng bá di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đến du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó là việc cho ra đời các kỷ yếu, sách báo, phát hành tem về Mỹ Sơn. “Kỷ yếu bảo tồn Mỹ Sơn 2003”. Các cuốn sách hợp tác với các tác giả như “Thánh địa Mỹ Sơn” xuất bản bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Nhật. Việc hợp tác lập dự án khoanh vùng bảo tồn 1060 ha, rà phá bom mìn, tránh thoát nước…Một loại hình nghệ thuật văn hóa có tác động ấn tượng đến du khách đó là văn nghệ dân gian Chăm, tại Mỹ Sơn đã đưa loại hình văn nghệ dân gian Chăm vào biểu diễn phục vụ du khách, trở thành hoạt động thường xuyên ở Mỹ Sơn. Dự án: “Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Mỹ Sơn”, như đào tạo hướng dẫn thuyết minh về Mỹ Sơn, xây dựng bảng biểu, điều chỉnh hướng tham quan, xây dựng biểu trưng (logo), đưa xe điện vào phục vụ khách tham quan. Việc trao đổi, hợp tác, học hỏi, thăm viếng lẫn nhau thường xuyên giữa Ban quản lý các di sản như Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), Di sản văn hóa thế giới Vatphou (Lào), Ăng Ko( Campuchia)… cũng đã giúp Mỹ Sơn dễ dàng tiếp cận những nguồn thông tin, kiến thức mới trong công tác bảo tồn di sản của khu vực và thế giới. Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn với một chương trình hẳn hoi, bài bản phục vụ khách du lịch đến với Mỹ Sơn đã trở thành sản phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Không những chỉ có Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại, mà công việc này còn đi vào trang sách học trò, với sự phối hợp giữa Ban Quản lý với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đưa chương trình Giáo dục di sản vào trường học kéo dài hơn 10 năm qua.
Ông Nguyễn Công Hường, nguyên Trưởng Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn khẳng định “15 năm qua, công tác quản lý du lịch Mỹ Sơn, yếu tố con người có tính chất quyết định. Nếu như năm 1995, cán bộ, nhân viên ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn có 5 người thì nay đã tăng lên 90 người, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên”.
Những nỗ lực đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đem lại kết quả xứng đáng. Nếu như năm 1995, khách đến Mỹ Sơn chỉ vài nghìn lượt người thì dự báo năm nay có hơn 250.000 lượt khách, doanh thu hơn 23 tỉ đồng.
Có thể khẳng định, những gì chúng ta dành cho Mỹ Sơn suốt 15 năm qua thật đáng trân trọng và tự hào. Không những thế, 15 năm qua là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm đối với những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, góp phần làm cho khu đền tháp Mỹ Sơn sống mãi với thời gian.
Hoàng Thơ