Bắt đầu từ tháng 1/5/2013, Bộ Luật Lao động sửa đổi
năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao
động như: chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
(BHXH)...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng nợ đọng BHXH đang
ngày càng nghiêm trọng với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với người lao
động đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của
người lao động đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Duy
Xuyên, cho đến nay tình trạng nợ đọng BHXH trên phạm vi cả huyện vẫn tiếp tục
kéo dài với sự vi phạm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, với tổng số nợ lên trên
10 tỷ 50 triệu đồng. Đây không chỉ là hành vi cố tình vi phạm pháp luật của các
chủ sử dụng lao động, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng nghìn
công nhân lao động, chủ yếu trong số ấy lại là những người có thu nhập thấp.
Mặc dù thời gian qua BHXH huyện Duy
Xuyên đã có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng tình trạng nợ đọng, trốn đóng
BHXH, BHYT vẫn tiếp tục kéo dài. Cơ quan BHXH huyện đã rất chủ động tích
cực tìm nhiều biện pháp thu nợ và hạn chế phát sinh tình trạng này, tuy nhiên
kết quả không được như mong muốn. Hàng nghìn người lao động vẫn không được
hưởng quyền được tham gia BHXH do các chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp
luật. Mặc dù vậy nhưng cho đến nay người lao động lại không lên tiếng vì quyền
lợi của bản thân mình. Nguyên nhân của sự im lặng này là gì? Một phần có thể do
tâm lý lo ngại khi đòi quyền lợi được tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị chủ doanh
nghiệp sa thải, hoặc do bản thân không nắm được quyền được tham gia BHXH, BHYT
là do quy định của nhà nước. Các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp
nhất là tổ chức Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, cơ quan BHXH cần tăng
cường hơn nữa công tác tuyên truyền để giúp người lao động hiểu rõ được quy
định của pháp luật về vấn đề này.
Được
biết, năm 2013, các đơn vị trên địa bàn huyện Duy Xuyên để nợ BHXH, BHYT, BH
thất nghiệp của người lao động là là 2 tỷ 741 triệu đồng. Đơn vị nợ nhiều nhất
trên 30 tháng với với số tiền trên 500 triệu đồng. Hiện tượng trốn tránh tham
gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động đang làm
việc tại đơn vị vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. Cơ quan Bảo hiểm xã hội
không có thẩm quyền xử phạt các đơn vị vi phạm trên lĩnh vực BHXH, BHYT nên ảnh
hưởng đến quyền lợi thụ hưởng các chế độ bảo hiểm cho người lao động./.
Phan Lý