Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11; Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý.
Trước hết, là Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thông qua việc sửa đổi quy định về các nhóm đối tượng được Trợ giúp pháp lý đã mở rộng thêm nhiều trường hợp được Trợ giúp pháp lý L hơn so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006. Cụ thể theo hướng sửa đổi này, đối với đối tượng trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 chỉ giới hạn trong phạm vi người dưới 16 tuổi "không nơi nương tựa", nay Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã mở rộng phạm vi ra đối với tất cả mọi trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016. Đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ bản vẫn được quy định như cũ.
Thứ hai, Luật bổ sung hai nhóm đối tượng mới được trợ giúp pháp lý khi bị buộc tội là: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người thuộc hộ cận nghèo. Người bị buộc tội được hiểu là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Như vậy, bất kỳ người nào thuộc đối tượng "đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi" hoặc "thuộc hộ nghèo" mà bị buộc tội đều là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Thứ ba, ngoài những nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý nêu trên, những trường hợp dưới đây, nếu có khó khăn về tài chính, thì cũng được trợ giúp pháp lý:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (còn hiệu lực đến ngày 31/12/2017), thì các trường hợp này được trợ giúp pháp lý cùng với nhóm các trường hợp người có công với cách mạng. Kể từ ngày 01/01/2018, những trường hợp này chỉ được trợ giúp pháp lý khi có khó khăn về tài chính.
- Người nhiễm chất độc da cam. Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2006, những người bị nhiễm chất độc da cam phải kèm theo điều kiện "không có nơi nương tựa" mới thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý. Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, thì tất cả những người bị nhiễm chất độc da cam mà có khó khăn về tài chính đều được trợ giúp pháp lý.
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi) khi có khó khăn về tài chính sẽ được trợ giúp pháp lý. Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2006, người cao tuổi nếu có khó khăn về tài chính thì phải thuộc trường hợp "sống cô đơn, không nơi nương tựa", mới được trợ giúp pháp lý.
- Người khuyết tật (là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn).
- Hai nhóm đối tượng mới được bổ sung vào Luật Trợ giúp pháp lý 2017, nếu có khó khăn về tài chính, đó là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự và người là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.
- Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, là đối tượng được luật hóa từ Nghị định số 14 của chính phủ.
- Cuối cùng là những trường hợp bị nhiễm HIV, cũng được Luật Trợ giúp pháp lý 2017 mở rộng ra khỏi diện "không có nơi nương tựa", tức là nếu có khó khăn về tài chính thì được trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Nhìn vào đối tượng được trợ giúp pháp lý của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 để so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006, có thể thấy chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đã dành sự quan tâm mở rộng hơn cho cho các nhóm đối tượng thuộc trường hợp khó khăn, yếu thế trong xã hội./.