Để không ảnh hưởng đến lịch thời vụ và tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các bên liên quan cần sớm tìm được tiếng nói chung về việc đền bù đất sản xuất lúa bị bồi lấp tại thôn An Trung, xã Duy Trung (Duy Xuyên).
Nhà thầu phân trần
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về việc đền bù, hỗ trợ và phương án khắc phục trên cánh đồng sản xuất lúa tại thôn An Trung bị bồi lấp một phần diện tích do ảnh hưởng thi công dự án đường cao tốc, sáng 12.12, chính quyền xã Duy Trung cùng thành viên liên danh nhà thầu gói thầu số 4 là Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã tiến hành đối thoại với các hộ dân ngay tại hiện trường.
|
Người dân cản trở thi công đường cao tốc vào sáng 12.12 vừa qua. |
Đại diện nhà thầu cho biết, doanh nghiệp thống nhất bồi thường 200kg thóc khô/sào, tương đương 1,2 triệu đồng và được người dân đồng tình. Tuy nhiên, đơn vị thi công chỉ áp dụng đối với diện tích thực tế bị ảnh hưởng, chứ không phải toàn bộ cánh đồng rộng 3,5ha như yêu cầu (diện tích xã Duy Trung cung cấp cho báo chí). Không hài lòng, sau khi lãnh đạo địa phương đi về, một số người dân kéo dây rào đường, dùng xe máy chắn ngang để cản trở thi công. Đến 11 giờ cùng ngày, họ rời khỏi công trường vì nghe thông tin chiều 14.12 chính quyền huyện Duy Xuyên sẽ tổ chức đối thoại, tìm hướng giải quyết chung quanh vấn đề liên quan.
|
Nhà thầu tiến hành khắc phục đất ruộng bị bồi lấp. |
Làm việc với PV Báo Quảng Nam và lãnh đạo Đội an ninh Công an huyện Duy Xuyên vào sáng nay (13.12), Giám đốc Ban điều hành công trường Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - ông Đỗ Tấn Nam cho rằng, doanh nghiệp mong muốn địa phương khoanh vùng diện tích bị ảnh hưởng thật sự. Trên cơ sở đó, nhà thầu cam kết sẽ đền bù vụ đông xuân cho thửa ruộng bị ảnh hưởng nặng 200kg/sào; đồng thời hỗ trợ chi phí cày bừa, thuốc, phân bón đối với thửa ruộng bị ảnh hưởng nhẹ hơn. “Địa phương và người dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cả đất ruộng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng bởi bồi lấp. Vì cho rằng, gieo trồng không đồng loạt cả cánh đồng như thế sẽ bị chuột, sâu bọ cắn phá. Vậy thì thiệt thòi cho chúng tôi quá. Trong khi, doanh nghiệp đã cam kết triển khai khắc phục đất bồi lấp đúng như biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 30.11” - ông Nam phân trần. Được biết, ngày 30.11 vừa qua, đại diện các ngành chức năng huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất Duy Xuyên, UBND xã Duy Trung, thôn An Trung đã có buổi làm việc với nhà thầu gói số 4. Doanh nghiệp Tuấn Lộc đã ký vào biên bản cuộc họp cam kết phối hợp với địa phương có biện pháp cải tạo, nạo vét diện tích ruộng bị bồi lấp. Công việc phải tiến hành xong trước ngày 20.12 để người nông dân kịp canh tác.
Cần tìm tiếng nói chung
Để hiểu rõ thực tế, PV cùng với cán bộ Đội an ninh Công an huyện Duy Xuyên đã trực tiếp lội trên cánh đồng canh tác lúa nằm phía thượng lưu cống tại km27+087, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
|
Nhiều diện tích đất ruộng cỏ mọc, không hề thiếu nước. |
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy xen kẽ giữa nhiều thửa đầy cỏ mọc, gốc rạ xanh là không ít mảnh ruộng đã được người dân cày đất. Diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm sát chân taluy đường cao tốc và khu vực đầu bờ ven mương nước (mương bị bồi lấp một phần do lá cây, cỏ dại…). Mỗi mảnh có diện tích nhỏ, lại bị ngăn cách bởi bờ vùng, bờ thửa, do đó đất bồi lấp không lan quá rộng. Theo ghi nhận của chúng tôi, nước trong khu vực đảm bảo đủ cho khâu làm đất, gieo sạ (chưa kể sau khi nạo vét mương) chứ không hề thiếu để gây “ách tắc” đến quá trình sản xuất vụ đông xuân như người dân phản ánh. Có chăng, nhà thầu chậm trễ về việc thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ đối với hộ bị ảnh hưởng mà thôi. Còn trên thực địa, nhà thầu đang huy động phương tiện triển khai nạo vét đất bồi lấp và khẳng định sẽ khẩn trương hoàn thành đúng thời hạn cam kết.
|
Không ít thửa đã được cày đất. |
Đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc vẫn giữ quan điểm sẽ bồi thường, hỗ trợ diện tích bị ảnh hưởng do quá trình thi công gây ra. Còn các hộ dân yêu cầu áp dụng hết cả cánh đồng. “Vênh” nhau giữa đáp ứng và đòi hỏi khiến sự việc nhỏ… bị “xé” ra to.
Hy vọng rằng, cuộc đối thoại diễn ra vào chiều 14.12 sẽ tìm được đáp án chung cho bất đồng nêu trên. Thiết nghĩ, nhà thầu nếu đảm bảo khắc phục xong trước ngày 20.12 này, địa phương cần vận động người dân tiếp tục triển khai canh tác, không nên bỏ hoang diện tích. Bởi theo khuyến cáo của Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, lịch sản xuất lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 cần được gieo sạ bắt đầu từ ngày 20.12 và ngày 5.1.2016 kết thúc. Chính vì vậy, khâu canh tác sẽ đâu bị trễ như người dân lo lắng. Và ngược lại, trong khi nông dân còn chưa xuống giống, doanh nghiệp phải sớm khai thông mương dẫn để đảm bảo việc tưới nước lâu dài.
Theo Báo Quảng Nam